Phấn đấu đến năm 2030 có 100% các Cục, Tổng cục thuộc ngành Công Thương có tổ chức pháp chế

Đây là mục tiêu của Đề án củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân lực, chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách của các tổ chức pháp chế ngành Công Thương đến năm 2030

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 2985/QĐ-BCT (ngày 11/11/2024) ban hành Đề án củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân lực, chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách của các tổ chức pháp chế ngành Công Thương từ nay đến năm 2030 (Đề án).

Đề án được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác pháp chế, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thông suốt hoạt động của các tổ chức pháp chế theo tinh thần và nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đề án được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác pháp chế. Ảnh minh họa.

Đề án được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác pháp chế. Ảnh minh họa.

Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác pháp chế và các tổ chức pháp chế.

Mục tiêu của Đề án là xây dựng, kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế ngành Công Thương, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, chuyên môn phù hợp, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đề án cũng xác định mục tiêu xây dựng tổ chức pháp chế ngành Công Thương theo mô hình thống nhất được quy định tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý trong việc bố trí nguồn nhân lực, các điều kiện bảo đảm tổ chức triển khai đồng bộ công tác pháp chế trong ngành Công Thương; tạo sự chuyển biến cơ bản trong tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế ngành Công Thương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực Công Thương; đồng thời, hoàn thiện về chế độ, chính sách cho người làm công tác pháp chế.

Phấn đấu đến năm 2030, 100% các Cục, Tổng cục, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có tổ chức pháp chế hoặc bố trí công chức làm công tác pháp chế chuyên trách”, Đề án nêu rõ.

Cùng đó, đến năm 2027 đạt 70% và đến hết năm 2030 phấn đấu đạt 100% cán bộ, công chức làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật toàn diện kiến thức, kỹ năng xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của tình hình trong từng thời kỳ.

Đề án được thực hiện trong phạm vi các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Vụ Pháp chế, các Cục, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường); các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công Thương; doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, doanh nghiệp nhà nước ngành Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đề án xác định các nhiệm vụ: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy và người làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Vụ Pháp chế, các Cục, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường), đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công Thương, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương; kiện toàn tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn đội ngũ công chức, viên chức làm công tác pháp chế; rà soát, đề xuất cơ chế, chế độ cho tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế; xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác pháp chế; tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế; kiểm tra tình hình thực hiện công tác pháp chế; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật ngành Công Thương.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-dau-den-nam-2030-co-100-cac-cuc-tong-cuc-thuoc-nganh-cong-thuong-co-to-chuc-phap-che-358551.html
Zalo