Quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư
Thảo luận về việc sắp xếp đơn vị hành chính, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực Chính phủ, các Bộ cũng như cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, tuy nhiên cũng đề nghị cần quan tâm đến chế độ chính sách, tâm tư của cán bộ dôi dư sau thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.
Các đại biểu cho rằng việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là vấn đề khó, nhưng để nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy, tạo lập không gian phát triển cho các địa phương thì việc sắp xếp đơn vị hành chính là cần thiết. Từ kinh nghiệm thực hiện sắp xếp sắp đơn vị hành chính giai đoạn 2018 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025, các đại biểu đề nghị Chính phủ, Chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần phải tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính để người dân hiểu mục tiêu của việc sắp xếp là tinh gọn bộ máy, giúp cho bộ máy hoạt động được hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo không gây xáo trộn, tạo sự ổn định hoạt động của hệ thống chính trị.
Sau thảo luận, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!