Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 70%
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND, ngày 3/4/2023 về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu UBND tỉnh đặt ra là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt trên 70%; xã NTM nâng cao 26,4%; xã đạt NTM kiểu mẫu 6,2%; 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…
Để hoàn thành các mục tiêu, nội dung được tập trung thực hiện trong giai đoạn này là: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống KT-XH nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa.
Phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn…
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Giữ vững QP-AN và trật tự xã hội nông thôn. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; truyền thông về xây dựng NTM...
Tổng nguồn lực dự kiến huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025 là 25.000 tỷ đồng.