Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang dự thảo nghị định quy định, hướng dẫn thi hành một số điều về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, cơ quan này đề xuất mở rộng nhóm tham gia, gồm những người lao động đi công tác, học tập ở nước ngoài và chủ hộ kinh doanh.
Bộ LĐTB&XH cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Trong đó có 26 điều, khoản, nội dung liên quan đến chính sách, chế độ BHXH giao Chính phủ quy định chi tiết, baochinhphu.vn đưa tin.
Vì vậy, cơ quan quản lý đang xây dựng nghị định chi tiết, hướng dẫn cụ thể các quy định về BHXH bắt buộc, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH theo quy định.
Dự thảo nghị định đang đưa ra các phương án cụ thể để xác định ai là người phải tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, nghị định sẽ làm rõ quy định đối với chủ hộ kinh doanh, những trường hợp người lao động thuộc nhiều đối tượng khác nhau và quy định đối tượng hưởng trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Cụ thể, tại dự thảo, Bộ LĐTB&XH đề xuất tất cả những người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH theo quy định, kể cả khi đi công tác, học tập ở nước ngoài mà vẫn nhận lương trong nước.
Dự thảo luật cũng đưa ra 2 phương án để xác định chủ hộ kinh doanh nào phải tham gia BHXH bắt buộc. Phương án thứ nhất dựa trên hình thức nộp thuế còn phương án thứ hai dựa trên nguyện vọng của chủ hộ kinh doanh.
Trong trường hợp một cá nhân vừa là chủ hộ kinh doanh vừa thuộc một trong các nhóm khác phải tham gia BHXH, việc tham gia của người đó sẽ được xác định theo nhóm được quy định trước.
Ví dụ, nếu một người vừa là chủ hộ kinh doanh vừa là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người đó sẽ tham gia BHXH theo quy định áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Những người đang hưởng các chế độ trợ cấp xã hội như trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp cho cán bộ địa phương, đã nghỉ hưu hoặc làm việc không đủ số giờ quy định trong một tháng và có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu hoặc sẽ không phải tham gia BHXH bắt buộc.