Phấn đấu chỉ số công nghiệp tăng trưởng 9,5% năm 2025

Tại Nghị quyết 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, Chính phủ đã giao năm 2025, chỉ số công nghiệp tăng trưởng 9,5%.

Sản xuất công nghiệp giữ nhịp tăng trưởng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Lần đầu tiên, Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực và địa phương để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước trong một năm. Điều này thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ nhằm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.

Tại Nghị quyết 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, Chính phủ đã giao năm 2025, chỉ số công nghiệp tăng trưởng 9,5%. Ảnh:TT

Tại Nghị quyết 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, Chính phủ đã giao năm 2025, chỉ số công nghiệp tăng trưởng 9,5%. Ảnh:TT

Liên quan đến Bộ Công Thương, tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, Chính phủ cũng giao cụ thể các chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2025 đối với các lĩnh vực của Bộ. Trong số 12 chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực đưa ra tại Nghị quyết số 25 có đến 7/12 ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp được giao chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9,5%.

Để đạt mục tiêu cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các mục tiêu do Chính phủ đặt ra, từ cuối năm 2024, ngành Công Thương đã sớm có kế hoạch nâng chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể, năm 2025 phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9 - 10% so với năm 2024.

Nhìn lại năm 2024 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4% so với năm trước. Kết quả này không những vượt chỉ tiêu được đề ra từ đầu năm (kế hoạch tăng 7 - 8%), mà còn là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.

Đánh giá về sản xuất công nghiệp năm 2024, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng -Tổng cục Thống kê nhìn nhận, để đạt được kết quả này, trước hết phải kể đến sự điều hành linh hoạt, có hiệu quả của Chính phủ. Chính phủ đã có phản ứng chính sách rất nhanh, ví dụ như giảm 5% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thì trường mới. Đặc biệt, những giải pháp này đã kích thích cho ngành sản xuất xe có động cơ tăng trưởng cao trong quý IV và tăng trưởng cả năm trên 20%.

Bên cạnh đó, năm 2024, các hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tích cực ở các nhóm ngành dệt may, da giày tăng trưởng trên 10%; nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tăng từ 8,3% đến 11,9%... đã tạo lực đẩy cho sản xuất công nghiệp bứt phá.

Khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng, hiện thực hóa mục tiêu

Với mục tiêu chỉ số công nghiệp tăng trưởng 9,5% năm 2025, theo các chuyên gia kinh tế, cần tập trung nhiều giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.

Để góp phần bảo đảm chỉ số công nghiệp tăng trưởng 9,5% theo lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành Công Thương, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...

Liên quan tới các nhóm ngành công nghiệp, theo Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc tạo triển vọng tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ở các nhóm ngành như dệt may, da giày đã có đơn hàng 6 tháng đầu năm 2025.

Riêng với doanh nghiệp ngành sản xuất điện tử bán dẫn, những chính sách mới được kỳ vọng góp phần tạo sức hút FDI trong năm 2025 cũng như thu hút sự dịch chuyển luồng đầu tư từ các quốc gia sang Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp ngày 10/2, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) nhìn nhận với mục tiêu tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 đạt 8%, cùng với các năm tiếp theo là hai con số thì các ngành mà THACO đang làm cũng cố gắng đóng góp vào mục tiêu này. "Chúng tôi đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra", ông Trần Bá Dương khẳng định.

Đại diện THACO dẫn chứng, đối với ô tô, THACO hiện sản xuất gần như là tất cả các loại sản phẩm. Mục tiêu năm nay bán 100.000 xe và tập trung vào xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng.

Nhờ tham gia sâu vào tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô giúp THACO giảm chi phí và đặc biệt đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của khách hàng cũng như điều kiện sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa xe du lịch là từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%.

Trong lĩnh vực cơ khí-công nghiệp hỗ trợ, THACO cũng đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí, với mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao. "Tháng 9/2025, THACO sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô hơn 700 ha. Hiện nay, tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics", ông Trần Bá Dương nói.

Cùng nêu quan điểm về việc phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup bày tỏ, trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Điển hình là Vinfast, một dự án được kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ: Vinfast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.

Để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của năm 2025, ngành công nghiệp sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Tiếp đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Năm 2025, Bộ Công Thương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt là các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, da giày, các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… Đây sẽ là bước tạo đà để tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trở thành một trong những "trái ngọt" đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-dau-chi-so-cong-nghiep-tang-truong-95-nam-2025-373336.html
Zalo