Phấn đấu 72,3% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới

Đó là mục tiêu tỉnh Quảng Trị đề ra trong kế hoạch triển khai chương trình công tác trọng tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh trong năm 2023.

Người dân xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng rau màu để nâng cao thu nhập -Ảnh: T.L

Người dân xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng rau màu để nâng cao thu nhập -Ảnh: T.L

Năm 2022, tỉnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trong điều kiện hết sức khó khăn do đây là năm tập trung ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện chương trình của giai đoạn 2021-2025, nên tiến độ thực hiện các tiêu chí, nội dung thành phần tại các địa phương còn chậm. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên áp dụng bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 với nhiều tiêu chí, chỉ tiêu mới với yêu cầu cao hơn ở các cấp độ NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM.

Bên cạnh đó, kết quả xây dựng NTM của một số vùng, miền vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn. Đối với mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021- 2025, phần lớn là các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đây đều là các xã có hiện trạng tiêu chí thấp, các tiêu chí chưa đạt đều là các tiêu chí khó. Vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương cho các chương trình chuyên đề đã được phân bổ, tuy nhiên chưa có hướng dẫn đâỳđủ về nội dung, định mức bố trí nên tiến độ triển khai nguồn vốn còn chậm…

Trước những khó khăn đó, chương trình xây dựng NTM đã luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, sự đôn đốc, hướng dẫn kịp thời của các ngành, các địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Xây dựng NTM được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc và triển khai quyết liệt, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã được nâng cao.

Kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM cơ bản đạt được lộ trình của tỉnh đề ra, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao.

Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh đã chỉ đạo tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện chương trình, làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cho giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu chương trình, lộ trình thực hiện xây dựng NTM các cấp (thôn/bản, xã, huyện) đã được xác định, nguồn lực ngân sách (trung ương, tỉnh) giai đoạn 2021-2025 và từng năm bố trí cho từng địa phương cũng đã được xác định rõ làm cơ sở để các địa phương chủ động huy động và lồng ghép các chương trình dự án, huy động sức dân để xây dựng NTM.

Năm 2023, chương trình xây dựng NTM tiếp tục được triển khai gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; môi trường sinh thái được bảo vệ, cảnh quan môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Các giá trị văn hóa ở nông thôn được giữ gìn và phát huy; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao.

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023, tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM là 72,3% (tương đương có 73/101 xã); tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 11,8% (tương đương có 12/101); có 25 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn thôn NTM (chiếm 14% tổng số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); phấn đấu các huyện Hải Lăng, Triệu Phong hoàn thiện các điều kiện cơ bản để đạt chuẩn huyện NTM; huyện Cam Lộ cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Để đạt mục tiêu đề ra, công tác tuyên truyền, tập huấn sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các cơ chế, chính sách mới, yêu cầu mới của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao chất lượng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng NTM”. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng NTM đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương đảm bảo bám sát tình hình thực tiễn và phù hợp với năng lực thực thi của các cấp cơ sở. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đẩy mạnh giải ngân vốn đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình. Tích cực chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế và nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn.

Song song với đó, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh trong việc theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn; thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu các địa phương xây dựng NTM được chú trọng thực hiện.

Tiếp tục hoàn thành điều chỉnh, lập quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch vùng huyện phù hợp với quy hoạch tỉnh, gắn với thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương. Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã, kịp thời khắc phục các tiêu chí bị sụt giảm của các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tiến hành thu hồi quyết định công nhận xã đạt chuẩn theo quy định.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu; vườn mẫu; mô hình xã, thôn NTM thông minh để thúc đẩy xây dựng miền quê đáng sống theo tinh thần “có nhiều thôn bản thuộc các xã khó khăn đạt chuẩn thì sẽ có xã khó khăn đạt chuẩn”, “có nhiều thôn bản đạt chuẩn kiểu mẫu sẽ có xã đạt chuẩn nâng cao, xã kiểu mẫu”, “có nhiều vườn mẫu có sẽ có nhiều sản phẩm OCOP, nhiều trang trại hiệu quả”.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ngày càng chuyên nghiệp; ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về xây dựng NTM.

Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện chương trình, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với công tác đỡ đầu của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng NTM…

Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng NTM ở cơ sở.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/phan-dau-72-3-so-xa-trong-tinh-dat-chuan-nong-thon-moi/177602.htm
Zalo