Phân chia di sản chứ không chia ly tình thân

Theo quy định pháp luật, di sản sau khi thực hiện xong nghĩa vụ của người để lại di sản sẽ được phân chia theo di chúc hoặc pháp luật. Việc phân chia này ngoài tuân thủ các quy định pháp luật, còn cần phải tôn trọng sự thỏa thuận giữa những người thụ hưởng di sản và gắn kết tình thân.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho người dân về vấn đề chia di sản thừa kế. Ảnh: Đ.Phú

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho người dân về vấn đề chia di sản thừa kế. Ảnh: Đ.Phú

Hết thời hiệu vẫn muốn chia di sản

Khi di sản của người chết để lại không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì những người được hưởng có thể tự phân chia, hoặc yêu cầu tòa án phân chia khi phát sinh tranh chấp.

Tại khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Có thể vì không nắm bắt được quy định này hoặc hiểu sai nên không ít người được hưởng di sản thừa kế của cha/mẹ khi chết để lại phát sinh tranh chấp với nhau, với người thừa kế đang quản lý di sản.

Chẳng hạn như trường hợp bà N.T.S. (huyện Nhơn Trạch), vợ chồng bà có 3 người con và sở hữu trên 1 sào đất. Năm 1974, chồng bà mất (không có di chúc) thì bà và 2 con còn nhỏ vẫn ở trên diện tích đất này. Từ năm 1980, người con gái lớn của bà có gia đình và ra ở riêng, còn bà và 2 người con nhỏ (đến nay vẫn chưa lập gia đình riêng) vẫn sống cùng nhau trên khu đất này. Năm 2020, diện tích đất trên được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho bà và 2 con đang ở cùng, dù người con gái lớn biết chuyện cũng không phản đối. Mãi đến đầu năm 2024, người con gái lớn mới đề nghị bà và các em chia di sản thừa kế của cha.

Hay trường hợp của bà N.T.O. (ngụ huyện Cẩm Mỹ), cha mẹ bà có 2 con (bà là con gái đầu), năm 1987, cha mẹ bà mất và có để lại nhà, đất trên diện tích 1 hécta (không có di chúc). Sau khi cha mẹ bà qua đời, em trai bà cũng chuyển sang địa phương khác sinh sống và thỉnh thoảng có về nhưng không nói gì tới chuyện phân chia di sản. Vì là người đang sinh sống, quản lý nhà đất trên nên năm 2024 bà được cấp sổ đỏ thì em trai mới quay về đòi phân chia.

Bà N.T.S. và bà bà N.T.O. thắc mắc, việc yêu cầu chia di sản thừa kế của những người ruột thịt trong gia đình của các bà như vậy có được không, nhất là đất và nhà đã được cấp sổ đỏ cho người hưởng thửa kế đang quản lý, sử dụng?

Với các trường hợp trên, theo luật sư Lê Đình Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh), do thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác không còn. Vì vậy, các di sản trên thuộc về những người thừa kế đang quản lý di sản.

“Di sản là đất đai, nhà ở dù đã được cấp “sổ đỏ” cho người thừa kế đang quản lý di sản, vẫn có thể bị phân chia theo yêu cầu của những người được hưởng di sản nếu thời hiệu chia di sản thừa kế vẫn còn” - luật sư Lê Đình Hưng lưu ý.

Tìm hiểu kỹ thời hiệu trước khi tranh chấp

Mặc dù thời hiệu chia di sản thừa kế đã hết, nhưng trên thực tế cuộc sống vẫn có người ấm ức khi không được hưởng di sản thừa kế với lý do yêu cầu phân chia đã quá thời hạn 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Do đó, họ cố tìm cách để đòi quyền lợi với người thừa thế đang quản lý di sản như: có đóng góp trong việc tạo lập di sản; cho cha mẹ mượn tiền mua nhà, đất; di sản của cha/mẹ phải dùng vào việc thờ cúng…

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho hay, về mặt pháp luật thì họ vẫn có quyền khởi kiện đòi với tư cách nguyên đơn dân sự. Tuy vậy, để thực hiện quyền này, nguyên đơn phải có chứng cứ chứng minh được thực tế họ có đóng góp trong việc tạo lập di sản; cho cha mẹ mượn tiền mua nhà, đất; di nguyện của người chết là dùng di sản vào việc thờ cúng…

Tuy nhiên, phía bị đơn (người thừa kế đang quản lý di sản), vẫn có quyền yêu cầu tòa án áp dụng thời hiệu trong giải quyết tranh chấp như: bác yêu cầu khởi kiện xác nhận quyền thừa kế, thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết do hết thời hiệu yêu cầu của nguyên đơn. Đồng thời, bị đơn cũng có quyền lập luận rằng, yêu cầu của nguyên đơn là phi lý như: pháp luật chỉ ghi nhận quyền của người quản lý di sản là được thanh toán chi phí, thù lao, công sức bảo quản di sản, chứ không ghi nhận công sức đóng góp của người thừa kế vào tài sản là di sản của người chết để lại.

Bởi vì, tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định, phân chia di sản theo hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần bằng nhau, không phân biệt giữa người đang thành thai mà sinh ra còn sống với người đã thành niên. Bên cạnh đó, di nguyện của người chết không phải là di chúc hợp pháp nên không có giá trị.

“Đừng ích kỷ mà quyết tâm yêu cầu chia di sản thừa kế khi mất quyền, hết thời hiệu phân chia. Như vậy sẽ không được pháp luật bảo vệ, lại mất thời gian, tiền của và tình thân sẽ không còn”- luật gia Phạm Đình Đức cho biết.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202412/phan-chia-di-san-chu-khong-chia-ly-tinh-than-f045738/
Zalo