Phân cấp, phân quyền và ủy quyền được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ thế nào?

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa được Quốc hội bấm nút thông qua quy định cụ thể về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.

Phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ

Tại Điều 7 về phân quyền quy định: Phân quyền là việc Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong luật, nghị quyết, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền quy định tại Luật này, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan.

Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương phải phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại Luật này và điều kiện, đặc điểm, nguồn lực, năng lực của địa phương; bảo đảm tính chủ động, tự chủ của chính quyền địa phương trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.

ĐBQH chúc mừng khi Luật Tổ chức Chính phủ được Quốc hội thông qua.

ĐBQH chúc mừng khi Luật Tổ chức Chính phủ được Quốc hội thông qua.

Cơ quan nhà nước ở trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, hợp tác với chính quyền địa phương trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; Chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết vùng và liên vùng trong phát triển KT-XH thuộc phạm vi được phân quyền.

Cá nhân được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả

Tại Điều 8 về phân cấp quy định: Phân cấp trong hệ thống cơ quan nhà nước là việc cơ quan, người có thẩm quyền giao cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền phân cấp.

Một Phiên họp Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Một Phiên họp Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân cấp cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, tổ chức, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.

Cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết khi quyết định phân cấp, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp có đề nghị và tự bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

Cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp trong trường hợp không bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp có quyền tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản phân cấp, đề nghị cơ quan, người phân cấp điều chỉnh nội dung phân cấp; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan, người phân cấp về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân cấp.

Phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền

Tại Điều 9 quy định cụ thể về ủy quyền, cụ thể: Ủy quyền trong hệ thống cơ quan nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giao cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện trong khoảng thời gian xác định một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, người ủy quyền chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền. Việc ủy quyền phải được thể hiện trong văn bản của cơ quan, tổ chức, người ủy quyền.

Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ủy quyền cho UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.

Người ủy quyền có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc ủy quyền…

Cơ quan, người được ủy quyền phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn đã được ủy quyền và chịu trách nhiệm trước người ủy quyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền.

Trong trường hợp cơ quan, người được ủy quyền thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã được ủy quyền thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền và người ủy quyền không phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã ủy quyền.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phan-cap-phan-quyen-va-uy-quyen-duoc-quy-dinh-trong-luat-to-chuc-chinh-phu-the-nao-169250218094645411.htm
Zalo