Chính phủ thống nhất trình Quốc hội dự án Luật Dẫn độ
Các bộ trưởng được giao chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.
Sáng 20/2, Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2025. Phiên họp được tổ chức chỉ sau 1 ngày kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV bế mạc. Phó Thủ tướng Lê Thành Long thay mặt Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua 7 dự án luật sẽ trình Quốc hội, gồm: Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2025 của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết để thống nhất triển khai; các bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025; các phó thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo hoàn thiện 7 dự án luật.
Các đại biểu đánh giá, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thống nhất rất cao và thông qua 4 luật, 5 nghị quyết quan trọng liên quan đến xây dựng, hoàn thiện thể chế và đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Các luật được thông qua đáp ứng được yêu cầu hiện nay, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi thông mọi nguồn lực.
Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều đổi mới, đột phá, được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” trong thực hiện đột phá chiến lược về thể chế; góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính.
Các đại biểu nhấn mạnh đến việc phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tương thích với pháp luật quốc tế.
Đồng thời, cần tập trung rà soát các quy định pháp luật hiện hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức bộ máy mới, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không để khoảng trống pháp lý, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Các bộ, ngành, cơ quan tập trung chỉ đạo kịp thời soạn thảo, trình, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông chính sách, phổ biến pháp luật, tạo sự đồng thuận xã hội trong cả khâu xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.