Phân cấp, phân quyền triệt để trong lĩnh vực xây dựng, giao thông

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực xây dựng, giao thông cần bảo đảm các nguyên tắc, tính toán kỹ lưỡng và phù hợp với thực tiễn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu việc xác định những nhiệm vụ, thẩm quyền giữ lại ở cấp Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng) cần có cơ sở lý luận, thực tiễn, tiêu chí lựa chọn rõ ràng Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu việc xác định những nhiệm vụ, thẩm quyền giữ lại ở cấp Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng) cần có cơ sở lý luận, thực tiễn, tiêu chí lựa chọn rõ ràng Ảnh: VGP

Chiều 22/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương về Nghị định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông khi sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đề xuất phân cấp, phân quyền triệt để

Tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, đề xuất phân cấp, phân quyền triệt để nhằm tạo sự chủ động cho địa phương, giảm tạo áp lực cho Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền thẩm quyền, chỉ giữ lại để Trung ương thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ mang tính tổng thể, an toàn hệ thống như kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; các nội dung kỹ thuật, chuyên môn sâu, không thể phân cấp cho địa phương; những nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia như việc quản lý vùng trời, thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế...

Một số lĩnh vực chỉ giữ lại 1-2 nhiệm vụ để Trung ương thực hiện như lĩnh vực đường bộ (chỉ còn quản lý một số tuyến quốc lộ đặc thù).

Trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, nông thôn sẽ phân cấp, phân quyền 4 nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền địa phương; 1 nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; 5 nhiệm vụ của Bộ trưởng Xây dựng cho chính quyền địa phương; chuyển 14 nhiệm vụ của cấp huyện xuống cấp xã, 1 nhiệm vụ lên sở xây dựng, 1 nhiệm vụ lên UBND cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, quy định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực xây dựng, giao thông cũng cần đồng bộ với cơ chế, chính sách tài chính, đầu tư Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, quy định phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực xây dựng, giao thông cũng cần đồng bộ với cơ chế, chính sách tài chính, đầu tư Ảnh: VGP

Sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền, các địa phương được quyền chủ động quyết định nhiệm vụ trên địa bàn quản lý, không phải xin ý kiến, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp, bảo đảm đúng theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ.

Tham gia góp ý dự thảo nghị định, Sở Xây dựng Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh một số nội dung như: điều chỉnh phân cấp cho UBND cấp xã phải có kế hoạch từng bước đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đối với đô thị hiện hữu; đề nghị bổ sung nội dung quy định về phạm vi trách nhiệm UBND cấp xã…

Đồng chí Nguyễn Hoài Long, Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Đồng chí Nguyễn Hoài Long, Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

Tránh tình trạng đình trệ, khoảng trống hay ách tắc

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện dự thảo các nghị định, xác định rõ phạm vi phân cấp, phân quyền từ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng xuống cấp địa phương, hoặc từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho bộ trưởng, tránh chồng chéo hoặc để khoảng trống.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải làm rõ sự khác biệt giữa phân cấp (Trung ương phân một phần thẩm quyền cho cấp dưới thực hiện đi kèm bảo đảm điều kiện, nguồn lực thực thi, như quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, công cụ kiểm tra, đánh giá, giám sát...) và phân quyền (giao toàn quyền cho địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm). Phân quyền thì cấp dưới tự chịu trách nhiệm; phân cấp thì cấp trên vẫn có trách nhiệm, nên phải kèm theo điều kiện bảo đảm.

"Phân cấp, phân quyền phải bảo đảm tính tiếp nối, kế thừa và tránh tình trạng đình trệ, khoảng trống hay ách tắc trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương", Phó Thủ tướng nói và giao các địa phương rà soát kỹ, tập trung đóng góp ý kiến vào những nội dung được phân cấp, phân quyền cả về cơ sở pháp lý, lẫn điều kiện thực thi.

PV - VGP

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phan-cap-phan-quyen-triet-de-trong-linh-vuc-xay-dung-giao-thong-412213.html
Zalo