Phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh rối trong điều hành hay chồng chéo quyền lực

Đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, những công việc mang tính chất sự vụ nhỏ như quyết định bắn pháo hoa ở lễ hội mà vẫn giao cho Thủ tướng quyết định thì Thủ tướng sẽ không có thời gian để lo vấn đề quản trị nền hành chính quốc gia.

Sáng 14/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề cập khoản 5 Điều 6 quy định một trong những nguyên tắc phân định thẩm quyền là bảo đảm Thủ tướng Chính phủ "không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách".

ĐBQH Lê Xuân Thân.

ĐBQH Lê Xuân Thân.

"Tôi thấy điều này rất phù hợp với vai trò quản trị nền hành chính quốc gia của Thủ tướng. Cách đây không lâu, Nghị định 137 ngày 27/11/2020 vẫn giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bắn pháo hoa ở các lễ hội. Tôi nghĩ, những công việc mang tính chất sự vụ nhỏ nhưng vẫn giao cho Thủ tướng như vậy thì Thủ tướng sẽ không có thời gian để lo vấn đề quản trị nền hành chính quốc gia", ông nêu quan điểm.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu việc phân cấp và đề nghị Điều 8 cần nêu rõ Thủ tướng chỉ quyết định các vấn đề liên bộ, ngành hoặc các dự án lớn. "Nếu chúng ta không quy định thì một ví dụ đơn giản như vận hành các hồ thủy điện cũng phải xin ý kiến Thủ tướng. Có những lúc hồ thủy điện phải xả để cứu nông nghiệp... cũng phải xin ý kiến Thủ tướng thì sẽ hạn chế quyền hạn của các bộ rất nhiều, làm giảm hiệu quả cấp bộ, trong khi đó bộ chuyên ngành mới nắm vững, nắm rõ vấn đề này".

ĐBQH Nguyễn Quang Huân.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân.

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật chưa đưa ra nội hàm các quyền của các cấp, cho nên rất dễ bị lẫn. Ví dụ, Điều 7 nói về phân quyền nhưng chưa đưa ra được nhiệm vụ nào của Trung ương, nhiệm vụ nào của địa phương; chưa định nghĩa rõ khuôn khổ nào ở địa phương, khuôn khổ nào là Trung ương, thành ra chúng ta muốn theo hướng "địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", nhưng chúng ta lại không quyết định việc nào là việc của địa phương thì "sẽ rất rối" trong điều hành.

Chẳng hạn, hiện chúng ta đang thực thi Luật Quy hoạch, vừa qua một số địa phương lập quy hoạch tỉnh nhưng bỏ sót nhiều đơn vị đang hoạt động trên địa bàn, như các nhà máy nước. Khi trình Thủ tướng duyệt quy hoạch, sau này nếu nhà máy nước đó muốn mở rộng thì không mở rộng được vì không trong quy hoạch. Muốn mở rộng thì phải điều chỉnh quy hoạch, lại phải lên Thủ tướng... Nên, nếu chúng ta không phân định hết nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Trung ương và địa phương thì thực tế điều hành đang gây khó khăn, cản trở phát triển sản xuất rất nhiều...

ĐBQH Trần Văn Khải.

ĐBQH Trần Văn Khải.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) lo ngại việc phân quyền không rõ ràng sẽ dẫn đến nguy cơ chồng chéo quyền lực. Một số nhiệm vụ trọng yếu như quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường, có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách. Nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.

ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng cảnh báo nguy cơ cát cứ quyền lực khi việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung: "Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh... có thể tận dụng quyền phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác. Ngược lại, các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm dụng quyền lực để trục lợi".

Quang cảnh hội trường.

Quang cảnh hội trường.

Đề ra giải pháp khắc phục điều này, ông đề nghị bổ sung nguyên tắc "phân quyền có điều kiện" và "phân cấp linh hoạt", đồng thời tăng cường sự giám sát của Trung ương. Ngoài ra, cần thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), hiện nay chúng ta đang tổ chức tinh gọn bộ máy, đổi mới trong xây dựng pháp luật, nếu không quy định cho rõ trách nhiệm, trong đó cả trách nhiệm xây dựng chính sách, quy định chung chung thì luật ban hành rồi lại chờ nghị định, thông tư như trước đây. Thậm chí luật thì "mở" mà nghị định, thông tư lại "khép". Rồi câu chuyện nặng về quản lý nhà nước dẫn đến phát sinh ra "giấy phép con"...

Đại biểu đề nghị cần phân cấp, phân quyền thế nào cho rõ. Muốn thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế thì có nhiều yếu tố nhưng một trong những việc quan trọng là Nhà nước không nên "ôm" việc nhiều quá. "Những gì xã hội, tư nhân làm được thì nên để cho xã hội làm, chúng ta dành nguồn lực để làm việc khác. Nhà nước chỉ dẫn dắt, lo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, những gì tư nhân không làm được...", ông nêu.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/phan-cap-phan-quyen-ro-rang-tranh-roi-trong-dieu-hanh-hay-chong-cheo-quyen-luc-i759065/
Zalo