Phạm Văn Giản - người chiến sĩ cách mạng trung kiên

Sinh ra ở làng Cẩm Bào, tổng Cổ Tế, huyện Thạch Thành, nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, đồng chí Phạm Văn Giản (1919-1979) là một trong số ít các chiến sĩ cách mạng trung kiên kinh qua nhiều chức vụ ở nhiều địa phương. Ông là tấm gương về sự vươn lên, lòng dũng cảm và chí khí cách mạng.

Với những đóng góp cho mảnh đất Thạch Thành, tên tuổi của Phạm Văn Giản, người chiến sĩ cách mạng đã được khắc vào bia đá đặt ở khu du kích Ngọc Trạo. Ảnh: Ngọc Huấn

Với những đóng góp cho mảnh đất Thạch Thành, tên tuổi của Phạm Văn Giản, người chiến sĩ cách mạng đã được khắc vào bia đá đặt ở khu du kích Ngọc Trạo. Ảnh: Ngọc Huấn

Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến người dân phải làm nô lệ cho đế quốc, được các đồng chí Đặng Văn Hỷ, Trịnh Huy Lãn (tức Trần Tiến Quân), Phạm Văn Hinh dìu dắt, Phạm Văn Giản đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, trong phong trào mặt trận Bình dân. Lúc đầu làm liên lạc cho các đồng chí cán bộ thoát ly đi hoạt động cách mạng, sau ông vào Đoàn thanh niên dân chủ và được giao nhiệm vụ dự thảo điều lệ Hội Nông dân tương tế và lập ban vận động Hội Nông dân tương tế ở làng Cẩm Bào, đồng thời vận động mở lớp học ban đêm cho con em trong làng học chữ Quốc ngữ.

Sau khi chính phủ Bình dân Pháp sụp đổ, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đế quốc Pháp và chính quyền tay sai ở thuộc địa điên cuồng tiến công Đảng Cộng sản và các tổ chức cách mạng. Trước tình hình mới, Đảng bộ Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo phong trào các địa phương chuyển hướng hoạt động. Mặt trận phản đế cứu quốc ở các nơi được thành lập, phong trào đánh Pháp đuổi Nhật, phát triển các lực lượng (tự vệ) vũ trang ngày càng lớn mạnh. Đội tự vệ của làng Cẩm Bào được thành lập, Phạm Văn Giản đã tham gia với nhiệm vụ canh gác bảo vệ làng, bảo vệ cán bộ cách mạng thoát ly đến làng hoạt động.

Chính tại ngôi nhà của ông đã diễn ra hội nghị thành lập Ban cán sự phản đế vùng Đông Bắc Thanh Hóa lập Huyện ủy phản đế hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành, tiến tới thành lập căn cứ khu du kích.

Tháng 7/1941 Phạm Văn Giản được Huyện ủy phản đế điều động thoát ly gia đình, gia nhập đội du kích chiến khu Ngọc Trạo. Với bí danh Sơn, ông là một trong 21 chiến sĩ du kích đầu tiên của chiến khu Ngọc Trạo. Sau một thời gian luyện tập, chiến khu Ngọc Trạo bị địch phát hiện; chúng tổ chức bao vây chẹn đường tiếp tế lên chiến khu, tiến tới tấn công vào Ngọc Trạo. Trước tình thế ấy, ban lãnh đạo chiến khu đã quyết định chuyển quân về khu vực làng Cẩm Bào, nơi đây là cơ sở cách mạng vững chắc mà như đồng chí Đặng Văn Hỷ đã viết: “Cẩm Bào một làng mà lúc đó chúng tôi coi là chính quyền đã về tay cách mạng. Toàn dân đều tham gia hội phản đế”.

Trong cuộc hành quân này, Phạm Văn Giản đã đóng góp một phần rất quan trọng. Ông luôn đi trước dẫn đường, có những điếm canh của tuần đinh, ông đàng hoàng đi thẳng vào điếm nói thẳng với họ có đoàn quân du kích cách mạng qua đây. Giải thích về tình hình, chính nghĩa đánh giặc cứu nước cho họ biết, yêu cầu phải giữ kín việc này đến ngày cách mạng thành công. Các tuần đinh biểu lộ đồng tình, không ai nói năng gì. Phạm Văn Giản còn nắm chặt tay người tuần đinh cao tuổi nhất cho đến khi đoàn du kích đã khuất xa mới chào tạm biệt rồi rượt theo. Tới địa điểm rậm Bái Trời, để đánh lạc hướng địch, Phạm Văn Giản còn giả đánh rớt xà cạp, ống đựng thuốc... về phía Sóc Sơn, Cù Đong để cho đội du kích nhằm hướng Tây mà vượt qua Bái Trời về Vĩnh Lộc. Nhân dân làng Cẩm Bào đã che chở cho toàn đội du kích an toàn khi tập kết ở làng.

Địch điên cuồng lùng sục khắp nơi để tìm tiêu diệt đội quân du kích Ngọc Trạo, các cơ sở quần chúng lần lượt bị chúng khám xét bắt bớ liên tiếp. Ban lãnh đạo thống nhất chủ trương tạm thời phân tán đội du kích về các vùng có phong trào để bảo toàn lực lượng qua cơn bão táp, chờ thời cơ sẽ tập hợp lại. Tối ngày 25/10/1941, tại nghè làng Cẩm Bào, đồng chí Đặng Văn Hỷ thay mặt lãnh đạo, tập hợp toàn đội tuyên bố quyết định và thông qua kế hoạch phân tán đội du kích.

Ở Cẩm Bào, địch huy động đến 500 phu và lính bao vây Cẩm Bào để bắt du kích. Nhưng không còn du kích ở đây, chúng lại bao vây tiếp hai lần nữa, vào từng nhà, lục soát mọi nơi. Cuối cùng chúng bắt 14 người Cẩm Bào về giam ở Vĩnh Lộc. Phạm Văn Giản và một số người khác bị Pháp giam tại nhà lao Thanh Hóa.

Trong thời gian ở lao tù, Phạm Văn Giản đã nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Để bảo vệ an toàn cho các đồng chí cốt cán, Phạm Văn Giản đã xung phong vào ban đại diện lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh trực diện với kẻ thù, đòi quyền lợi cho tù nhân. Bọn cai tù tra tấn dã man, gọt da chân ông hòng lung lạc tinh thần. Nhưng Phạm Văn Giản và các đồng chí cách mạng không bị khuất phục.

Với những đóng góp cho mảnh đất Thạch Thành, tên tuổi của Phạm Văn Giản, người chiến sĩ cách mạng đã được khắc vào bia đá đặt ở khu du kích Ngọc Trạo. Ảnh: Ngọc Huấn

Với những đóng góp cho mảnh đất Thạch Thành, tên tuổi của Phạm Văn Giản, người chiến sĩ cách mạng đã được khắc vào bia đá đặt ở khu du kích Ngọc Trạo. Ảnh: Ngọc Huấn

Ngày 9/3/1945, Nhật làm cuộc đảo chính Pháp, quân Pháp đầu hàng nhục nhã. Sau ngày 9/3, núp dưới chiêu bài độc lập giả hiệu do Nhật đạo diễn, chính phủ Trần Trọng Kim phải thả tù chính trị. Ra tù, Phạm Văn Giản bắt liên lạc ngay với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ngày 17/5/1945, Huyện bộ Việt Minh Thạch Thành chính thức được thành lập, Phạm Văn Giản được phân công làm chủ nhiệm. Đến ngày 17/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa của huyện Thạch Thành được thành lập, đồng chí Phạm Văn Giản được cử là phó chủ tịch, lãnh đạo Nhân dân trong huyện tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, yêu cầu phải có tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong huyện ngày 10/11/1945, đồng chí Phạm Văn Giản được công nhận là đảng viên và được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy lâm thời huyện Thạch Thành. Huyện ủy lâm thời đã lãnh đạo chính quyền và Nhân dân thực hiện những công việc cấp bách: phát động quần chúng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để cứu đói. Củng cố Mặt trận Việt Minh và các tổ chức quần chúng. Phát triển đảng viên mới, tiến tới thành lập chi bộ ở các tổng. Giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp bọn phản động ngóc đầu dậy. Đẩy mạnh phong trào “bình dân học vụ”, bài trừ hủ tục, những thói hư tật xấu của chế độ cũ để lại, xây dựng cuộc sống mới văn minh tiến bộ.

Năm 1946, Phạm Văn Giản được Khu ủy Khu IV điều động đi làm Bí thư Huyện ủy huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1949 Phạm Văn Giản được Trung ương điều ra chiến khu Việt Bắc, công tác tại Ban Nông vận Trung ương (tiền thân của Trung ương Hội Nông dân). Phạm Văn Giản được cử làm Bí thư chi bộ cơ quan Nông vận, Ban Nông vận Trung ương đã tập hợp giai cấp nông dân Việt Nam thành một khối thống nhất nhằm xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, tạo ra khí thế mới, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi hoàn toàn.

Từ năm 1952 đến năm 1954, Phạm Văn Giản được Nhà nước cho đi học Trường Mác-Lê Nin ở Bắc Kinh, nước CHND Trung Hoa. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, đồng chí về nước được nhận công tác tại Ban Công tác Nông thôn Trung ương. Khi thành lập Trường HTX nông nghiệp, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng Phòng Giáo vụ. Thành lập Trường Đại học Nông nghiệp đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Khoa Kinh tế. Từ năm 1970, đồng chí được về nhận công tác tại Ủy ban Thanh tra Chính phủ làm Vụ phó Vụ Nông nghiệp.

Bản sơ yếu lý lịch ấy đã thể hiện và chứng minh về một cuộc đời cách mạng kiên trung của Phạm Văn Giản. Kể cả sau khi nghỉ hưu năm 1979, về thôn Cẩm Bào, xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), ông vẫn tham gia viết lịch sử cho Đảng bộ huyện. Cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của Phạm Văn Giản đã tròn vẹn, luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Đúng như ông đã tự nhận xét: “Cả đời hoạt động cách mạng liên tục. Trung thành với Đảng, phục tùng tổ chức, có ý thức đảng viên nên làm công tác gì, làm ở đâu cũng không so đo, kêu ca thoái thác. Tích cực công tác, tác phong cần cù giản dị. Không sợ khó, sợ khổ, vì vậy với dân dễ gần gũi, dễ thông cảm. Đối với bạn bè luôn thành thật, thẳng thắn. Đối với cấp trên, không xu nịnh. Được giao nhiệm vụ gì thì làm đến nơi đến chốn. Có khuyết điểm thì thẳng thắn nhận lỗi để sửa chữa”.

Do có công lao trong công cuộc cách mạng, giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, Phạm Văn Giản đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng II; truy tặng Huân chương Độc lập hạng III; được hưởng chế độ lão thành cách mạng. Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Tên ông được khắc vào bia đá đặt ở khu du kích Ngọc Trạo huyện Thạch Thành.

(*) Bài viết có tham khảo và sử dụng tư liệu: Lịch sử Đảng bộ huyện Thạch Thành 1930-1995; Hồi ức của đồng chí Đặng Văn Hỷ: “Chiến khu Ngọc Trạo thuở ấy”, và các tư liệu khác.

Nguyễn Huy Miên (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/pham-van-gian-nbsp-nguoi-chien-si-cach-mang-trung-kien-34822.htm
Zalo