Đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội
Với tinh thần đổi mới, chủ động, tích cực trong mọi hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tại Kỳ họp thứ 8 để cùng Quốc hội quyết nghị những quyết sách quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp, với sự tín nhiệm tuyệt đối, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công làm Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trải qua 29,5 ngày làm việc với khối lượng công việc lớn, cường độ làm việc cao. Tham dự kỳ họp, các vị ĐBQH Đoàn Tuyên Quang đã tham gia đầy đủ các phiên họp, các hoạt động của các cơ quan Quốc hội và của đoàn tổ chức với 41 buổi thảo luận hội trường, 14 buổi thảo luận tổ, 4 buổi thảo luận đoàn.
Đã có 28 lượt ý kiến của các vị ĐBQH trong đoàn phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng các dự án luật, nghị quyết cũng như giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật. Các ý kiến đã được chủ tọa kỳ họp đánh giá cao, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri Tuyên Quang về các vấn đề được dư luận quan tâm.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật và 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật. Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, qua đó nghiên cứu, tổng hợp và gửi văn bản góp ý tất cả các dự án luật và nghị quyết trình kỳ họp. Đồng thời, tích cực đóng góp ý kiến trực tiếp tại các phiên thảo luận, nhất là các dự án luật có sự tác động lớn như: Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị quyết về 2 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, về phòng, chống ma túy; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…
Các đại biểu Quốc hội Tuyên Quang đã tích cực, chủ động phát biểu thảo luận, ghi dấu ấn trên nghị trường Quốc hội với những nội dung kiến nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và ý nguyện của cử tri. Đơn cử như trước những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra ở Tuyên Quang và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá bổ sung tác động của thiên tai để có các giải pháp giảm nghèo khả thi, hiệu quả sát với thực tế các tháng cuối năm 2024 và năm 2025. Bước sang giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết, đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện Chương trình giai đoạn tới với phương châm đổi mới mạnh mẽ giúp các địa phương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh cũng như khơi dậy sự vươn lên thoát nghèo của người dân.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi ý kiến tại các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, với sự sâu sát, nắm rõ thực tế, các ĐBQH tỉnh đã tham gia tích cực vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Trong đó, liên quan đến khắc phục hậu quả cơn bão số 3, đại biểu Âu Thị Mai đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới. Đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3...
Ngoài việc tham gia các hoạt động chính trong nội dung Kỳ họp thứ 8, các vị ĐBQH của tỉnh còn dành thời gian tham dự các hoạt động khác, như: tham dự các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội mà các vị đại biểu là thành viên và nhiều hội nghị, hội thảo khác. Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ trao đổi, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành và trao đổi kinh nghiệm với một số lãnh đạo và Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành bạn để thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục lan tỏa kết quả thành công của kỳ họp và nội dung hoạt động của Đoàn ĐBQH tại kỳ họp, những ngày tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri. Qua đó, tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.