PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang - người lặng lẽ vun bồi cho tiếng Việt phương Nam

1. PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang nguyên là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Trong suốt cuộc đời nghiên cứu, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang dành hết tâm huyết cho Việt ngữ, đặc biệt là phương ngữ học và phương ngữ Nam bộ. Ở lĩnh vực này, có thể nói đó là sự hiếm hoi cho đến thời điểm hiện tại. Sự khác biệt, "lệch chuẩn" trong âm sắc, ngữ điệu hay cách sử dụng từ ngữ, cấu trúc của một cộng đồng nói năng ở mỗi vùng miền là những "trầm tích" tạo nên dấu ấn riêng biệt. Thứ "trầm tích" đó hẳn không dễ phát hiện, không dễ miêu tả nếu không được trang bị chu đáo về ngữ âm học, ngữ nghĩa học; và quan trọng hơn nữa là tình yêu tiếng Việt, yêu tiếng phương Nam. Chỉ có thể là như vậy mới đủ sức phát hiện những khu biệt đầy thú vị và đặc sắc vốn được nâng từ cái cơ cấu ngữ âm lên thành ý nghĩa biểu đạt. Tiếng phương Nam, một dòng chảy rẽ theo từ những lưu dân đàng ngoài vượt đèo Ngang vào khai sơn lập ấp, mở mang bờ cõi, hòa cùng các dân tộc anh em tạo nên bức tranh rực rỡ, đầy màu sắc. Trang sử trăm năm trong bộ sử ngàn năm của dân tộc là sự hòa quyện độc đáo, phong phú trong một chỉnh thể thống nhất. Đạt được ranh giới đó, không còn là ngôn ngữ nữa. Mà đó là Văn hóa. Suốt một đời nghiên cứu lặng lẽ, khiêm nhường và nghiêm túc, Trần Thị Ngọc Lang đã làm được điều đó.

Thì đây, tác giả nữ duy nhất được tôn vinh từ Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của Nxb Trẻ năm 2024 là PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang. Với công trình Tiếng Việt phương Nam, tác giả đã chỉ ra những đặc trưng khác biệt của phương ngữ Nam Bộ với tiếng toàn dân. Ở công trình này, bằng kinh nghiệm và tri thức ngữ âm học, tác giả đã vận dụng, kiến giải những nét đặc trưng cơ bản của Tiếng Việt phương Nam được hình thành trong hơn 300 năm khi có sự chuyển dịch cư dân từ vùng Ngũ Quảng vào Nam Bộ. Trong đó đặc biệt PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang cũng cho biết, trong vốn từ vựng của phương ngữ Nam Bộ đã dung hợp một số lượng các đơn vị có nguồn gốc từ tiếng Khmer, tiếng Hoa, tiếng Chăm mà đến nay người dân vẫn còn đang sử dụng phổ biến.

Nghiên cứu kỹ và quan sát liên tục quá trình tiếp xúc giữa các dân tộc trên vùng đất phương Nam, quá trình giao thoa văn hóa, ngôn ngữ đã tạo ra một bản sắc riêng biệt, đặc trưng hiếm có so với các phương ngữ khác. Trong bối cảnh đó, tiếng Sài Gòn là một phát hiện mới mẻ và độc đáo mà tác giả công trình đã mang lại cho người đọc. Một sự dung hợp kỳ lạ giữa người dân của các dân tộc cộng cư trên vùng đất này đã tạo ra một bức tranh ngôn ngữ hài hòa, đặc sắc, dung hợp giữa cái chung và cái riêng, ôm lấy tất cả những dị biệt để hòa thành một tổng thể trong tiếng Sài Gòn. Phải chăng, cũng như vậy mà vùng đất này luôn có một sự quảng đại để dung hòa những nét riêng biệt thành cái chung nhất.

Tại buổi giao lưu, tôn vinh tác giả Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của Nxb Trẻ 2024

Tại buổi giao lưu, tôn vinh tác giả Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của Nxb Trẻ 2024

PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang là một nhà khoa học bình dị, lặng lẽ, từng có nhiều đóng góp trên lĩnh vực Việt ngữ học trong mấy chục năm qua, từ khi bà còn làm công tác nghiên cứu ở Viện Văn hóa vùng Nam Bộ.

2. Nghiêng mình nghe tiếng phương Nam là tập hợp một số bài viết của PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang chuẩn bị ra mắt. Nội dung cuốn sách thể hiện rất rõ tình cảm mà tác giả dành cho tiếng nói của quê hương. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những công trình, từ trước tác đầu tiên Phương ngữ Nam Bộ: những khác biệt về từ vựng - ngữ nghĩa do Nhà xuất bản Khoa học xã hội in vào năm 1995, Tiếng Việt phương Nam (Nxb. Trẻ, 2021)..., cho đến tập sách này, phương ngữ Nam Bộ luôn là mối quan tâm chủ yếu của bà. Nghiêng mình nghe tiếng phương Nam không chỉ là một cách nói mang tính tu từ. Tâm huyết, thái độ của bà trong tiếp cận đối tượng nghiên cứu này bộc lộ rõ qua tiêu đề của cuốn sách. Có lẽ hiếm có nhà nghiên cứu nào lại có sự trân trọng - vừa thương vừa kính - đối với tiếng Việt, đặc biệt là với tiếng nói của vùng đất phương Nam, đến như vậy!

PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang với con trai Nguyễn Đức Duy - Giáo sư Đại học Durham, Anh quốc

PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang với con trai Nguyễn Đức Duy - Giáo sư Đại học Durham, Anh quốc

Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc trẻ

Tác giả ký tặng sách cho bạn đọc trẻ

Tập sách có nội dung gắn với những chuyện hết sức gần gũi với người dân như tên các loại bánh, hoa quả mà người phương Nam thường thờ cúng, chưng bày... trong dịp Tết như: bánh chuối, bánh ít, bánh bò, bánh tai heo, bánh kẹp, bánh tráng, hoa mai, (mãng) cầu, dừa, đủ, xài (xoài)...; từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng sông nước, cách gọi tên địa hình như: vàm, búng, bùng binh, cù lao, bưng, rạch, mương, bàu, đìa, nước ròng, nước ương, nước đứng, nước rọt... trong đời sống và tâm thức của người Nam Bộ; đến tiếng rao của những người mua, bán hàng rong tại Sài Gòn: Ai... chè đậu đen, đậu đỏ, bánh lọt... hôn?, Bánh chưng, bánh giò, ...đây!, Ve chai... bán hôn?,... Hoặc về đặc điểm ngôn ngữ của những cây bút thành danh ở vùng đất này như các đại thụ Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, như cây bút nữ trẻ được xem là điểm sáng nhất của Nam Bộ hiện nay - Nguyễn Ngọc Tư.

Những nhận định, phát hiện tinh tế của bà góp phần vào việc nghiên cứu phương ngữ Nam Bộ, xác định đặc điểm, vai trò, cũng như những đóng góp to lớn của phương ngữ này trong hoạt động giao tiếp, truyền thông, sáng tác...; để cùng với các phương ngữ khác đưa tiếng Việt xứng tầm ngôn ngữ quốc gia, công cụ giao tiếp của trên 100 triệu người Việt Nam.

Lối viết của PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang thể hiện trong các bài báo, công trình khoa học hay trong lúc giảng dạy, nhận xét, trao đổi với sinh viên, học viên sau đại học suốt hơn 30 năm qua vẫn thế, dung dị, nhẹ nhàng mà sâu sắc, chân tình - như phong cách sống của bà. Tập sách cung cấp những thông tin thú vị về tiếng nói, về con người, về văn hóa của người dân Nam Bộ - những câu chuyện vẫn tha thiết chảy trong máu mỗi người dân Việt, ngay cả trong cuộc sống hiện đại vốn dĩ đầy những bộn bề, lo toan. Và quan trọng không kém, phía sau những dòng chữ là cả tấm chân tình của một người con Nam Bộ đối với tiếng nói của cha ông - những người "mang gươm đi mở cõi" từ thuở hoang sơ vùng đất, để nay nó trở thành vựa lúa, động lực phát triển của đất nước.

Tấm chân tình đó trong cuộc hành trình không mệt mỏi gieo tình yêu tiếng Việt đến với cộng đồng của PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang gợi nhớ ca từ rất xúc động về tiếng Việt của chúng ta:

Tiếng Việt ru bên nôi

Tiếng mẹ thương vô bờ

Đưa con vào đời bằng vần thơ

Những cánh cò bay rợp mộng mơ.

(Thương ca tiếng Việt - Hà Quang Minh, Đức Trí) TP.Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2025

Như những giọt phù sa âm thầm bồi đắp cho miền châu thổ, để dâng cho đời trái ngọt cây lành, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang suốt một đời lặng lẽ vun xới, tìm tòi trong miền đất ngôn ngữ những hạt ngọc lấp lánh ẩn trong tiếng nói bình dị của người dân xứ sở Nam Bộ. Dù trong nghiên cứu, giảng dạy hay trong sinh hoạt thường ngày, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang luôn giữ nét đôn hậu, giản dị của người phụ nữ phương Nam, vẫn nụ cười hiền lành luôn nâng đỡ bao lứa học trò.

Nhưng khu vườn Việt ngữ học từ nay vắng bóng một nhà nghiên cứu, một nhà giáo dành suốt đời mình cho tiếng phương Nam, như tàng cây đến ngày về với đất, mà hương thơm còn dịu dàng lan tỏa.

Hôm nay, ngày 19/5/2025 người thân, đồng nghiệp và học trò nghiêng mình tiễn đưa PSG.TS Trần Thị Ngọc Lang - nhà ngữ học phương Nam, một đoạn trên chuyến hành trình về miền xa vô tận.

PGS.TS LÊ KHẮC CƯỜNG - P.Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giao-duc-huong-nghiep/pgsts-tran-thi-ngoc-lang-nguoi-lang-le-vun-boi-cho-tieng-viet-phuong-nam_178182.html
Zalo