Cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông (1442 - 1497) nổi tiếng là một vị vua anh minh, tài giỏi của triều đại Lê sơ. Chủ trương trị vì đất nước của ông được thể hiện như: 'Đất đai bờ cõi ngày nay so với ngày trước đã khác nhiều, cần phải tự mình giữ quyền chế tác, hết đạo biến thông...'. Quan điểm đó đã trở thành kim chỉ nam, quyết định công cuộc cải cách của ông trong khoảng hơn 30 năm trị vì đất nước.

Năm 1460, Lê Thánh Tông lên ngôi, được thừa hưởng di sản từ các triều vua trước, nhưng ông thấy được những hạn chế của nền hành chính cũ, và đã quyết định cuộc cải cách hành chính. Trong việc xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền, việc cải cách hành chính là đòi hỏi cấp thiết. Cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Lê Thánh Tông diễn ra trên quy mô lớn, toàn diện. Cuộc cải cách này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mô hình tổ chức chính quyền dưới thời kỳ quân chủ.

Cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông diễn ra từ bộ máy nhà nước trung ương đến chính quyền địa phương. Sự thay đổi căn bản cuộc cải cách này nhằm xây dựng một bộ máy trung ương mạnh với vai trò và quyền lực tuyệt đối của hoàng đế. Sự thay đổi hành chính ở địa phương mang diện mạo mới về cơ cấu tổ chức cũng như đảm bảo sự giám sát của chính quyền trung ương. Cuộc cải cách này diễn ra trên phương diện chính là cải tổ bộ máy chính quyền trung ương, thiết lập cơ chế giám sát để đảm bảo sự ràng buộc lẫn nhau, tổ chức lại các đơn vị hành chính địa phương, thiết lập và hoàn thiện chế độ.

Không chỉ chú ý khuyến nông, vua Lê Thánh Tông còn chú ý tới các nghi lễ nông nghiệp nơi thôn dã. Ảnh: VOV.VN

Không chỉ chú ý khuyến nông, vua Lê Thánh Tông còn chú ý tới các nghi lễ nông nghiệp nơi thôn dã. Ảnh: VOV.VN

Ngày 9/10/1471, Lê Thánh Tông ban hành “Hoàng triều quan chế”, bắt đầu cuộc cải cách hành chính. Lê Thánh Tông cho biết mục đích của cuộc cải cách này là “Để hoàn thành chí hướng của đức thánh tổ thần tông ta, và giữ mãi bình yên thịnh trị tới cùng, chứ không phải là ta cố ra vẻ thông minh biến đổi phép cũ mà buộc miệng thiên hạ đâu”. Lê Thánh Tông cải tổ, kiện toàn bộ máy chính quyền trung ương. Ông xác lập quyền lực tuyệt đối của hoàng đế đến các công việc của chính quyền trung ương. Lê Thánh Tông bỏ các quan chức, cơ quan trung gian giữa hoàng đế và cơ quan thừa hành như Tướng quốc, Đại hành khiển, Tả hữu bộ xạ, Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, Khu mật viện... Hoàng đế là người nắm quyền lực tối cao liên quan trực tiếp đến các cơ quan thừa hành như các chức tả, hữu tướng quốc, bình chương, đại hành khiển, tả, hữu bộc xạ. Đây là những trọng thần có quyền lực lớn, giúp vua bàn bạc các “quân quốc trọng sự”.

Lê Thánh Tông tổ chức bộ máy nhà nước trung ương theo mô hình Lục bộ gồm: Bộ Binh, Bộ Hình (Khâm hành viện đổi thành Bộ Hình), Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Lại. Lục bộ này được tổ chức thành cơ quan riêng biệt đảm nhiệm các công việc trên cả nước. Đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư, dưới là Tả hữu Thị Lang.

Lê Thánh Tông đặt Lục tự gồm Đại lý, Thái thường Quang lộc, Thái lộc, Hồng lô và Thượng bảo cùng các cơ quan chuyên môn khác như Quốc sử viện, Thái y viện, Thông chính ty, Quốc tử giám, Tư thiên giám... Lục tự và các cơ quan chuyên môn trên đảm nhận các công việc ngoài chức trách của Lục bộ. Đối với chính quyền địa phương, nhận thức được sự bất cập của cải cách đơn vị hành chính địa phương, Lê Thánh Tông đã có những thay đổi căn bản. Năm 1466, Lê Thánh Tông thành lập 12 đạo thừa tuyên và 1 phủ Trung Đô ở Kinh thành. Sau cuộc chiến tranh với Chămpa năm 1471, Lê Thánh Tông lập đạo thừa tuyên thứ 13 là Quảng Nam. Đứng đầu mỗi đạo thừa tuyên có 3 ti là Đô ti, Thừa ti và Hiến ti có quyền ngang nhau, cùng quản lý công việc chung.

Từ năm 1471, thông qua cải cách, Lê Thánh Tông đã tạo được hệ thống hành chính thống nhất trong phạm vi cả nước. Hệ thống khá gọn gàng với chức trách phân minh, bảo đảm sự chỉ đạo và tập trung quyền lực của trung ương. Đây là mô hình tiên tiến nhất của chế độ quân chủ phong kiến đương thời, trong đó trung ương và địa phương gắn kết nhau, quyền lực của vua được đảm bảo từ trên xuống dưới. Những thành công của cuộc cải cách hành chính do Lê Thánh Tông thực hiện thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Lê Thánh Tông quản lý làng xã theo địa vực, chia quy mô cấp xã theo hộ chứ không phải theo đinh như trước. Những người làm xã trưởng phải biết chữ, có kinh nghiệm, và để tránh tệ kéo bè phái, ông có quy định nếu là anh em ruột, anh em con chú, con bác, cậu cháu, con cô, thông gia... thì không được cùng làm trong một xã. Xã quan chịu trách nhiệm trước nhà nước về thuế khóa, hộ tịch, lý lịch. Đặc biệt, Lê Thánh Tông rất coi trọng việc xác minh hộ tịch đối với quan lại, do vậy trách nhiệm đối với Xã trưởng rất nặng nề.

Lê Thánh Tông ban hành quan chế chặt chẽ để quản lý, giám sát quan lại theo nguyên tắc lớn nhỏ cùng ràng buộc lẫn nhau. Việc thăng bổ, thuyên chuyển quan lại được thực hiên quy củ. Lê Thánh Tông mạnh tay với các hành vi tham nhũng, sách nhiễu của quan lại. Tất cả các biện pháp ấy đã duy trì một đội ngũ quan lại có năng lực điều hành, quản lý đất nước. Lê Thánh Tông rất nghiêm khắc với trường hợp tiến cử sai người. Ông trừng trị mạnh tay với cả người tiến cử sai và người được tiến cử nhằm răn đe và đảm bảo việc tiến cử chọn đúng người hiền tài. Lê Thánh Tông cho rằng: “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng chức hay bãi chức. Nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng”, người được bảo cử, nếu có kẻ bỉ ổi, tham nhũng sẽ không làm việc, làm quan không công trạng gì, thì phải tra xét viên quan nào đã bảo cử bậy người ấy, tâu hặc lên để tra xét. Năm 1461, Lê Thánh Tông cách chức Thượng thư Bộ Lại là Nguyễn Như Đồ vì tiến cử người xấu. Lương Như Hộc tiến cử người sai liền bị bắt giam, kẻ được tiến cử bị thu lại văn bằng. Đối với người chạy vạy, xiểm nịnh để được tiến cử cũng bị trị tội để “ngăn chặn thói cầu may của kẻ sĩ”.

Để giám sát năng lực làm việc của đội ngũ quan lại, Lê Thánh Tông chú trọng việc khảo khóa, vì “phép khảo khóa cốt để phân biệt người hay kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước”. Năm 1484, nhà nước định lệ khảo khóa rất chi tiết, theo đó 3 năm tổ chức một kỳ sơ khảo, 6 năm tái khảo, 9 năm thông khảo rồi sau đó mới tiến hành thăng hay giáng chức, những trường hợp đặc biệt để đặc cách, trọng dụng nhân tài là “Nếu người có tài năng kì lạ, được lệnh thăng bổ thì không câu nệ vào lệ này”. Những trường hợp tham quan, ăn hối lộ hay vô trách nhiệm trong công việc đều bị Lê Thánh Tông trừng trị nghiêm khắc.

Lê Thánh Tông răn dạy các quan rằng: “Nếu quả là có lòng chăm nom yêu thương, được nhân dân yêu mến, và trong nơi cai quả ít kẻ trốn tránh, thì mới là xứng chức. Nếu vơ vét, quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì không xứng chức”.

TRƯƠNG NGỌC THƠI

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/cai-cach-hanh-chinh-cua-vua-le-thanh-tong-52738.htm
Zalo