Đề xuất nhiều giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết 68
Các nhà khoa học cho rằng, để triển khai hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngày 15/5, tại TP.HCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị quyết 68 là một dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng trong việc phát triển kinh tế tư nhân, một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
“Nghị quyết không chỉ tiếp nối tinh thần đổi mới, hội nhập, mà còn mở ra một hành lang chính sách rộng lớn nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, phát huy tiềm năng sáng tạo và sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh mới khi Việt Nam chuẩn bị những tiền đề trong kỷ nguyên phát triển mới, phồn thịnh và hùng cường”, ông Hưng nhận định.

Các chuyên gia và nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 - Ảnh: Lê Minh
Theo ông, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các mục tiêu, định hướng mà Nghị quyết 68 đã đề ra, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng đang tạo ra cả cơ hội và thách thức chưa từng có.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính- Marketing, nhận định khu vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản như thể chế chưa hoàn thiện, môi trường kinh doanh còn bất cập, khó khăn trong tiếp cận nguồn lực và hạn chế về năng lực cạnh tranh.
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính- Marketing đánh giá, Nghị quyết 68 đưa ra định hướng chiến lược rõ ràng như hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng. Nghị quyết là tiền đề để phát triển đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần phụng sự Tổ quốc.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhà khoa học, thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và triển khai hiệu quả Nghị quyết 68.
PSG.TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng, để sớm đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống thì các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo hướng hội nhập, đảm bảo minh bạch, ổn định, bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân theo đúng pháp luật.
“Khi thực hiện các giải pháp đồng bộ, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sẽ là chìa khóa quan trọng để khuyến khích, tạo hào khí phát triển kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới”, ông Hưng nhấn mạnh
Còn PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đề xuất việc cần làm ngay hiện nay là cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng và thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Trong đó, cần kiên quyết loại bỏ các loại “giấy phép con”, xử lý triệt để tình trạng chồng chéo, bất cập giữa các văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân phát triển, tham gia bình đẳng vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm.
“Trong từng giai đoạn, cần ban hành các chính sách có tác động tức thời, hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân tăng tốc phát triển, thích ứng với bối cảnh mới”, ông Cường đề xuất.
Tại hội thảo, một số nhà khoa học cũng đồng tình rằng, cần mở rộng và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, thị trường vốn, khoa học, công nghệ cho khu vực tư nhân. Đồng thời, khuyến khích mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng và dịch vụ công.