Lần đầu tiên giải trình tự toàn bộ gene của loài Sao la quý hiếm

Các nhà khoa học đã giải trình tự toàn bộ bộ gene, và lần đầu tiên xác lập được đặc điểm di truyền quan trọng của loài Sao la đặc biệt quý hiếm, mở ra cơ hội bảo tồn, phục hồi loài này trong tương lai.

Giải trình tự toàn bộ gene loài Sao la quý hiếm

Ngày 6/5, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhóm nghiên cứu có sự tham gia của PGS.TS Lê Đức Minh, giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố nghiên cứu quốc tế quan trọng về loài Sao la – loài động vật quý hiếm và bí ẩn bậc nhất thế giới trên Tạp chí Cell, một trong những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) là loài thú móng guốc thuộc họ trâu bò, đặc hữu của dãy Trường Sơn, khu vực biên giới Việt Nam – Lào. Được phát hiện lần đầu vào năm 1992 tại Vũ Quang (Hà Tĩnh), Sao la ngay lập tức gây chấn động giới khoa học quốc tế khi là loài thú lớn đầu tiên được phát hiện tại khu vực sau hơn 50 năm. Đây cũng là loài thú lớn cuối cùng được phát hiện trên thế giới. Với những đặc điểm hình thái đặc biệt – đặc biệt là cặp sừng cong giống loài linh dương Oryx – Sao la được xếp vào một giống hoàn toàn mới là Pseudoryx.

PGS.TS Lê Đức Minh, giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cùng đồng nghiệp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang).

PGS.TS Lê Đức Minh, giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cùng đồng nghiệp tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang).

Tuy nhiên, kể từ khi được phát hiện, Sao la vẫn là một trong những loài động vật có vú bí ẩn nhất thế giới do quần thể phân bố rất nhỏ và cực kỳ khó quan sát trong tự nhiên. Lần cuối cùng ghi nhận Sao la bằng bẫy ảnh là năm 2013 tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam.

Trước thực trạng đó, nhóm các nhà khoa học quốc tế – dẫn đầu là các giáo sư từ Đại học Tổng hợp Copenhagen (Đan Mạch) – đã tiến hành nghiên cứu hệ gen hoàn chỉnh của loài Sao la, với sự cộng tác của các nhà khoa học Việt Nam, trong đó có PGS.TS Lê Đức Minh đến từ Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Nghiên cứu được thực hiện trên 26 mẫu Sao la quý giá được thu thập và lưu giữ trong hơn 30 năm – bao gồm cả xương và mô mềm từ các mẫu vật do người dân địa phương cung cấp. Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự toàn bộ bộ gene, và lần đầu tiên xác lập được đặc điểm di truyền quan trọng của loài thú này.

Hy vọng mới trong bảo tồn Sao la

Phân tích di truyền cho thấy Sao la là một loài thú cổ, có họ hàng xa với các loài trâu bò. Mặc dù phạm vi phân bố rất nhỏ, nhưng Sao la có sự phân hóa di truyền thành hai quần thể chính: một ở phía Bắc (Hà Tĩnh – Quảng Bình) và một ở phía Nam (Huế – Quảng Nam). Sự phân hóa này được ước tính xảy ra cách đây khoảng 5.000–20.000 năm, trùng với thời kỳ băng hà cuối cùng.

PGS.TS Lê Đức Minh cho biết, một điểm đáng chú ý là Sao la mang tải trọng di truyền cao do có các vùng bộ gen dài thiếu đa dạng – đặc trưng của các loài nguy cấp. Tuy nhiên, các biến thể có hại chủ yếu tập trung ở các vùng không mã hóa, và không được chia sẻ giữa hai quần thể, cho thấy khả năng kháng chịu và cơ chế tự loại bỏ gen lặn có hại của loài này vẫn đang tồn tại.

Sao la là loài đặc biệt quý hiếm và bí ẩn bậc nhất thế giới.

Sao la là loài đặc biệt quý hiếm và bí ẩn bậc nhất thế giới.

Nghiên cứu cũng chứng minh rằng việc kết hợp các cá thể từ hai quần thể trong các chương trình nhân nuôi sinh sản sẽ giúp tăng đáng kể khả năng sống sót và phục hồi của loài cả trong ngắn và dài hạn. Đây là căn cứ khoa học quan trọng để triển khai các kế hoạch bảo tồn, phục hồi quần thể Sao la trong tương lai.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lan-dau-tien-giai-trinh-tu-toan-bo-gene-cua-loai-sao-la-quy-hiem-169250506170211865.htm
Zalo