PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Quỳnh Dao không phải 'tự tử'... mà là cái chết duy lý?!

'Tôi là 'hoa lửa', và tôi đã cố gắng cháy sáng hết mình. Giờ đây, khi ngọn lửa sắp tàn, tôi chọn cách này để rời đi', nữ văn sĩ Quỳnh Dao giải thích cho sự 'lựa chọn cái chết' của mình.

Ngày 4/12, nhà văn Quỳnh Dao - "bà hoàng dòng truyện ngôn tình", tác giả của "Xóm vắng", "Dòng sông ly biệt"… được cho là đã “lựa chọn qua đời” ở tuổi 86, dù gia đình chưa xác nhận tin này.

Nữ văn sĩ Quỳnh Dao đã để lại một bức di thư, trong đó, nói rõ lý do đã “lựa chọn qua đời” của mình. Trong thư, nữ văn sĩ gửi tới những người “bạn thân yêu, những người bạn tri kỷ” của bà hãy “đừng khóc, đừng buồn, đừng đau lòng” vì bà.

“Tôi đã rời đi rất ‘nhẹ nhàng’. Đó là hai từ tôi yêu thích nhất, đại diện cho sự ‘tự chủ, tự tại, tự do’ mà ‘bay lên’, vừa uyển chuyển vừa ‘nhẹ nhàng’. Tôi đã thoát được khỏi thân xác đang dần khiến tôi đau đớn, ‘nhẹ nhàng’ hóa thành bông tuyết và bay đi”, bà viết.

Trong di thư, văn sĩ Quỳnh Dao cho biết, "cái chết" là con đường mà ai cũng phải đi qua, cũng là chuyện lớn cuối cùng trong đời. Bà không muốn để số phận định đoạt, không muốn từ từ héo úa và tàn lụi, mà muốn tự làm chủ chuyện lớn cuối cùng này.

Thượng đế đã không tạo ra được một bản thiết kế sinh mệnh hoàn hảo. Khi con người già đi, đều phải trải qua những giai đoạn "suy yếu, thoái hóa, bệnh tật, ra vào bệnh viện, điều trị, rồi không qua khỏi". Giai đoạn này có thể ngắn hoặc dài, nhưng đối với người tất yếu sẽ chết già, đó là một sự giày vò lớn. Nếu không may mắn, họ còn có thể trở thành những "người già nằm liệt giường" sống phụ thuộc vào "ống thở duy trì sự sống". Bà đã từng chứng kiến cảnh tượng bi thảm đó. Bà không muốn một cái chết như vậy.

“Tôi là ‘hoa lửa’, và tôi đã cố gắng cháy sáng hết mình. Giờ đây, khi ngọn lửa sắp tàn, tôi chọn cách này để rời đi. Những gì tôi muốn nói, tôi đều đã nói hết trong video ‘Khi bông tuyết rơi’. Mong các bạn của tôi hãy xem video đó nhiều lần để hiểu hết những gì tôi muốn gửi gắm”, bức thư viết.

Tuy chủ động lựa chọn cái chết, nhưng nữ văn sĩ cũng gửi gắm tới các bạn trẻ, rằng “đừng bao giờ dễ dàng từ bỏ mạng sống”. Những thất bại hay cú sốc nhất thời có thể chỉ là "sự rèn luyện" cho một cuộc sống tươi đẹp. Bà mong các bạn sẽ vượt qua sự rèn luyện đó, sống đến sáu, bảy mươi tuổi, khi thể lực cạn kiệt rồi hãy nghĩ đến cách đối diện với cái chết như bà. Bà cũng hy vọng, lúc đó, nhân loại đã tìm ra một phương pháp nhân đạo hơn để giúp những "người già" ra đi một cách vui vẻ.

“Các bạn thân yêu, hãy dũng cảm, hãy sống với ‘cái tôi’ mạnh mẽ, đừng uổng phí chuyến dạo chơi nhân gian này. Dù thế giới này không hoàn hảo, nhưng vẫn có đủ loại hỷ nộ ái ố bất ngờ. Đừng bỏ lỡ những điều tuyệt vời thuộc về bạn”, bà nhắn nhủ.

Cách lựa chọn rời bỏ thế giới của nữ văn sĩ Quỳnh Dao đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến thể hiện sự đồng tình, tôn trọng quyết định của bà, nhưng cũng không ít người phản đối, vì dù thế nào, mạng sống cũng là quý giá, dù bất kỳ là ai cũng không có quyền chấm dứt.

Trò chuyện với PV Khoa học & đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên giảng viên Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, bà ủng hộ tinh thần dân chủ của cái chết.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, con người khác các con vật ở chỗ là “một cây sậy có tư tưởng”, có tư duy. Bà cho rằng, con người là sinh vật biết chắc chắn mình phải chết, và có quyền chết theo ý mình. Do đó, nữ văn sĩ Quỳnh Dao cũng có quyền đó.

Lý do lựa chọn cái chết đã được nữ văn sĩ giải thích rất rõ, đó là làm xong hết việc ở đời và không muốn rơi vào trạng thái bi thảm của những ngày ốm đau, bệnh tật, sự sống duy trì chỉ nhờ vào máy móc. Bà cũng nhắn nhủ các bạn trẻ đừng bao giờ dễ dàng từ bỏ cuộc sống, mà chỉ lựa chọn, đối diện với nó khi đã đến một ngưỡng tuổi mà sức lực cạn kiệt, và đã sống một cuộc đời ý nghĩa.

“Như vậy, có thể thấy, đây là một cái chết có lý trí, có ý thức, được hoạch định và có tinh thần dân chủ. Hiện nay, trên thế giới, một số nước cũng đã cho phép con người có ‘quyền được chết’ như vậy. Tất nhiên, dư luận cũng có quyền đưa ra những nhận định của mình, nhất là khi nữ văn sĩ có nhiều người hâm mộ, là người của công chúng. Còn với tôi, đây là một cái chết đẹp. Nữ văn sĩ Quỳnh Dao không khuyên ai cũng nên chết khi bệnh tật và tuổi già kéo đến, mà chỉ giải thích cho lựa chọn của mình ”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ, mẹ của bà cũng bị ngã, chết não, từng phải nằm nhiều năm liền ở trạng thái thực vật, không thể nói, dù chỉ một câu. Một người bác nữa của bà cũng phải nằm trong trạng thái duy trì sự sống như vậy trong 7 năm liền. Bà tin rằng, mẹ và người bác của mình, nếu có thể lựa chọn, chắc chắn, họ sẽ chọn ra đi ngay khi sức khỏe gặp biến cố, chứ không phải kéo dài sự sống trong ở tình trạng như vậy.

“Cho nên, tôi có thể thông cảm, hiểu và ủng hộ quyết định có phần lý trí của văn sĩ Quỳnh Dao. Nếu là tôi, tôi cũng mong mình được quyền như vậy”, TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.

Trong video cáo biệt gia đình, người thân và khán giả, văn sĩ Quỳnh Dao đã lựa chọn 3 hình ảnh: Ngọn lửa, hoa hồng đỏ và hoa tuyết.

Những hình ảnh này cũng xuất hiện nhiều trong những trang viết của bà, từ tác phẩm đến những trạng thái trên mạng xã hội. Bà từng viết: “Khi còn sống, nguyện là ánh lửa cháy đến phút cuối cuộc đời. Chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho hay, với một con người đã lao động, đã cống hiến hết mình như Quỳnh Dao, thì lựa chọn ra đi ở độ tuổi 86, sẽ không gọi là “tự tử”, mà đó là “một cái chết có tính chất duy lý”. Và cái duy lý đó thể hiện vẻ đẹp nhất của trí tuệ khi để lại các tác phẩm có giá trị.

Tin bài liên quan
Biệt thự nghìn tỷ nữ sĩ Quỳnh Dao ở ẩn trước khi qua đời
“Hồi ký Quỳnh Dao - Chuyện đời tôi”, tác phẩm tự truyện đầy cảm xúc

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/pgsts-nguyen-thi-minh-thai-quynh-dao-khong-phai-tu-tu-ma-la-cai-chet-duy-ly-2061853.html
Zalo