Sau sinh 2 con bị sạm da phải làm sao?

Tôi năm nay 40 tuổi, là nhân viên văn phòng. Năm 2013, tôi sinh bé đầu và da mặt bắt đầu sạm, thâm đen một bên mặt. Tôi uống thuốc bắc một thời gian thì ngưng sạm, không thâm sạm sang một bên mặt còn lại và da sáng từ từ. Năm 2021, tôi sinh bé thứ 2 tình trạng thâm sạm tái phát và khi bé được một tuổi, da mặt tôi thâm toàn bộ, ngoại trừ trán. Tôi đã uống thuốc bắc 1 tháng nay mà tình trạng sạm vẫn tiến triển, sạm hết mặt. Tôi khám sức khỏe định kỳ, công thức máu thì không thấy tăng đường, không cholesterol xấu, gan bình thường, phụ khoa bình thường. Bác sĩ tư vấn giúp trường hợp như tôi cần khám gì để cải thiện tình trạng da sạm ạ?
(Chị Lê Kim Ngân, ngụ phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa)
Bác sĩ trả lời
Chào chị Kim Ngân!
Tình trạng sạm da của chị bắt đầu xuất hiện sau khi sinh con và ngày càng trở nên rõ rệt. Đây là một vấn đề thẩm mỹ phổ biến ở nhiều phụ nữ, đặc biệt trong nhóm tuổi sinh sản. Nám da có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể.
Nguyên nhân bên trong có thể do di truyền, sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai hoặc một số bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc cũng có thể góp phần gây nám.
Nguyên nhân bên ngoài bao gồm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp hoặc gây kích ứng da.
Việc điều trị nám da cần kiên trì và phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Điều trị hiệu quả thường bao gồm sự kết hợp giữa các phương pháp uống thuốc, bôi thoa và có thể cần đến các phương pháp công nghệ cao như laser, ánh sáng sinh học hay peel da để cải thiện tình trạng da.
Chị cần thăm khám thêm tại các cơ sở chuyên khoa da liễu để bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng da và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị, sự theo dõi và tư vấn liên tục từ bác sĩ là rất quan trọng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Chúc chị sớm phục hồi và có làn da khỏe mạnh!
BS CKI Trần Thị Vinh,
Chuyên khoa Da liễu - thẩm mỹ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai
