PGS. TS Hà Duy Trường: Cây chè cổ trên núi Bóng rất quý hiếm
Sau khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo cần sớm đưa chè cổ thành cây di sản quốc gia, vấn đề này được dư luận đặc biệt quan tâm. Năm 2024, một số nhà khoa học của Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) đã đề xuất và được Hội đồng Khoa học tỉnh Thái Nguyên thông qua đề tài 'Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ núi Bóng, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên'. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) – đơn vị chủ trì, thực hiện đề tài.
P.V: Thưa PGS. TS Hà Duy Trường, xin ông cho biết rõ hơn về chuyến khảo sát cây chè cổ của một số nhà khoa học trong năm 2024?
PGS. TS Hà Duy Trường: Tháng 3-2024, chúng tôi thành lập đoàn đi khảo sát, trong đó có Hội Nông nghiệp hữu cơ của Nhà trường, Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi, Hội Chè Thái Nguyên và huyện Đại Từ. Đoàn khảo sát gần 100 người, trong đó có GS. Đào Thanh Vân, một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Sau đó, chúng tôi tổ chức một chuyến khảo sát nữa để sát hơn với thực tiễn.
Chúng tôi đánh giá ban đầu đây là cây chè cổ thụ rất quý và hiếm bởi những đặc điểm sinh học của cây. Cụ thể, chúng tôi đã thu thập mẫu hoa, lá, quả và đánh giá ban đầu: Hoa của cây chè cổ này rất giống với chè trung du của chúng ta. Tuy nhiên, đặc điểm mẫu lá thì hơi có sự khác biệt. Răng cưa và bản của lá to và dày hơn lá chè trung du của Thái Nguyên.
Tuy nhiên về mặt khoa học, khi chưa xác định nguồn gen, chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận. Vậy nên, chúng tôi đề xuất nội dung nghiên cứu xác định đây là giống gì. Đồng thời, đánh giá xem giống chè này có phù hợp để phát triển mở rộng tại vùng chè Thái Nguyên hay không.

PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên).
P.V: Thưa PGS, tôi đã từng 2 lần lên đỉnh núi Bóng để tìm hiểu về cây chè cổ và được nghe nhiều người cho rằng cây chè này đã hàng trăm tuổi, ông nhận định như thế nào về tuổi của cây?
PGS. TS Hà Duy Trường: Chúng tôi đã khảo sát, tìm hiểu nhưng chưa thể đánh giá chính xác tuổi của cây chè cổ. Qua kinh nghiệm của các nhà khoa học cũng như thu thập thông tin từ người dân địa phương, chúng tôi nhận thấy cây chè có cả trăm năm nay. Theo đánh giá ban đầu, cây chè khoảng trên 200 tuổi.
P.V: Ông nhận định những cây chè cổ như nào là cây trên 200 tuổi?
PGS. TS Hà Duy Trường: Đó là những cây lớn nhất ở trên núi Bóng với chiều cao 20-25m, chu vi gốc khoảng 100cm, còn những cây nhỏ hơn sẽ có tuổi thấp hơn.
P.V: Trên cơ sở khoa học, các nhà nghiên cứu có cách nào xác định tuổi của cây chè cổ này chính xác hơn, thưa ông?
PGS. TS Hà Duy Trường: Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, các nhà khoa học có phương pháp sử dụng mũi khoan trực tiếp vào thân cây. Cách này là một trong những cách đánh giá chính xác tuổi cây.
P.V: Phương pháp khoan này có ảnh hưởng đến cây không, thưa PGS?
PGS. TS Hà Duy Trường: Mũi khoan rất nhỏ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, thực hiện phương pháp này rất nhiều và nhận thấy không ảnh hưởng đến cây.

PGS. TS Hà Duy Trường trao đổi với phóng viên về các sản phẩm được nghiên cứu, sản xuất từ cây chè.
P.V: Vâng, quay trở lại với đề tài nghiên cứu, xin ông cho biết cụ thể, chi tiết hơn về đề tài này?
PGS. TS Hà Duy Trường: Hoạt động nghiên cứu tập trung vào đánh giá đặc điểm nông sinh học và đa dạng di truyền. Đầu tiên là đánh giá đặc điểm nông sinh học. Chúng tôi thu thập mẫu cây, trong đó tập trung vào mẫu lá, mẫu hoa và mẫu quả để đo đếm, phân tích, sau đó đối sánh với các chỉ tiêu thu thập được từ các giống chè của Việt Nam và thế giới.
Thứ hai, về đánh giá đa dạng di truyền, chúng tôi dùng công nghệ sinh học phân tử để phân tích ADN của cây chè cổ thụ này. Quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đi thu thập các loại cây chè cổ: Chè cổ thụ Hà Giang, chè cổ thụ của tỉnh Yên Bái, chè Bắc kạn; thu thập mẫu 3 loại chè trung du là: chè trung du búp xanh, chè trung du búp tím và chè trung du búp vàng của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời lấy một số mẫu chè khác của Thái Nguyên để đánh giá nguồn gen. Sau khi có kết quả phân tích AND của cây chè cổ thụ trên núi Bóng, chúng tôi sẽ so sánh nguồn gen với các giống chè để có kết luận chính xác nhất.

Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn PGS. TS Hà Duy Trường.
P.V: Trong thời gian tới, nhất là năm 2025, nhóm nghiên cứu có các công việc gì để bảo tồn những cây chè cổ thụ trên đỉnh núi Bóng?
PGS. TS Hà Duy Trường: Mục tiêu của đề tài là đánh giá, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây chè cổ thụ Núi Bóng. Sau khi đánh nguồn gen, chúng tôi tiếp tục bảo tồn cây chè với 2 hình thức là bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ. Bảo tồn tại chỗ là bảo vệ, phát triển cây chè tại nơi vốn có của nó. Bảo tồn chuyển chỗ là lựa chọn các cây có chất lượng tốt nhất, nhân giống, phục vụ mở rộng giống chè này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
P.V: Xin cảm ơn PGS!