Cơ giới hóa trong chăn nuôi
Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, thời gian qua, các gia trại, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất. Từ đó, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trang trại chăn nuôi lớn tại xã Quý Lộc (Yên Định) xây dựng chuồng kín cùng hệ thống cho gà ăn, uống tự động.
Trang trại chăn nuôi gà của chị Lê Thị Huế, xã Yên Phú (Yên Định) luôn duy trì tổng đàn hơn 12 nghìn con/lứa. Trước đây, với tổng đàn lớn cùng khối lượng công việc nhiều, như cho gà ăn, uống đúng giờ, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại... nên trang trại của chị luôn có 7 nhân công luân phiên nhau làm việc cả ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm diễn biến phức tạp cùng với giá thức ăn tăng cao, chị Huế đã mạnh dạn cải tạo hệ thống chuồng trại, lắp đặt máng ăn, uống tự động theo giờ. Nhất là, chị đầu tư máy trộn thức ăn để chủ động nguyên liệu, tận dụng nông sản tại địa phương để giảm giá thành sản xuất; điều chỉnh khẩu phần dinh dưỡng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Theo đánh giá của chị Huế, sử dụng thức ăn tự trộn thay thế thức ăn công nghiệp có thể tiết kiệm 10 - 20% chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CGH không những giảm được chi phí thuê nhân công mà còn hạn chế thức ăn rơi vãi, bảo đảm vệ sinh chuồng trại; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra nhiều cơ hội để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
Tại huyện Thọ Xuân, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, toàn huyện hiện có 85% các trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học - công nghệ để xử lý chất thải trong chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm men vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; 90% các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô chuồng kín hiện đại, nuôi các giống lợn có năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Ông Trịnh Ngọc Dũng, người chăn nuôi gia súc, gia cầm xã Xuân Lai, cho biết: Do chăn nuôi cả lợn và gà nên tôi đặt vấn đề vệ sinh môi trường lên hàng đầu; tôi đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải để tập trung về khu xử lý bằng men vi sinh và bể biogas; không thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung của thôn; tránh gây ô nhiễm môi trường không khí, phát tán các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, tôi chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi bằng các loại máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, máy cọ rửa chuồng trại vừa bảo đảm hiệu suất, vừa tiết kiệm nhân công”.
Có thể nói, với thực tế phát triển chăn nuôi của tỉnh, việc đầu tư ứng dụng CGH được xem là giải pháp quan trọng để chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hạn chế rủi ro do dịch bệnh; chủ động quản lý, theo dõi được quá trình sử dụng thức ăn, sinh sản, sức khỏe vật nuôi... Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 5.060 máy nghiền trộn thức ăn chăn nuôi, 96 máy vắt sữa bò, 113 máy dọn vệ sinh chuồng trại, 42 máy xới đệm lót sinh học, 164 máy phát điện chạy bằng khí sinh học, 531 máy ấp, nở trứng gia cầm, 570 các loại máy chế biến thức ăn chăn nuôi, 2.723 hệ thống thiết bị cấp nước thức ăn chăn nuôi tự động, 1.050 hệ thống sưởi ấm và làm mát chuồng trại, 421 hệ thống giết mổ dây chuyền bán tự động; tỉ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gà có hệ thống chuồng kín, chuồng mát, điều hòa ẩm độ, máng ăn uống tự động đạt 65%...
Tuy nhiên, việc ứng dụng CGH trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế nên tỷ lệ còn thấp. Nguyên nhân do phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ở nhiều địa phương còn nhỏ lẻ nên việc đưa CGH vào còn chậm, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, vốn đầu tư còn hạn chế nên CGH còn thiếu đồng bộ; nhiều hộ phải đầu tư từng phần; giá một số máy móc, thiết bị còn cao, thị trường cung cấp chưa nhiều, khó tìm mua. Ngoài ra, thợ vận hành, sửa chữa các loại máy móc thiết bị có tay nghề còn ít, dẫn đến việc vận hành, bảo dưỡng máy móc kém hiệu quả; làm giảm chất lượng và tuổi thọ máy móc, thiết bị, thiệt hại cho người chăn nuôi...
Để khuyến khích người dân áp dụng CGH vào chăn nuôi, các địa phương cần hoàn thiện hạ tầng nông thôn, hệ thống tiêu, thoát nước; hình thành các khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung tạo thuận lợi cho việc áp dụng CGH; khuyến khích người dân chủ động đầu tư mua sắm các loại máy móc, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, chú trọng đào tạo trang bị kỹ thuật cho cán bộ chuyên môn và người chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu sử dụng trang thiết bị hiệu quả; tăng cường thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi...