PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Báo Công Thương vượt qua khuôn khổ một tờ báo ngành

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá Báo Công Thương trở thành kênh thông tin chính sách về kinh tế, vượt qua khuôn khổ một tờ báo ngành, có sức lan tỏa cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Báo Công Thương (2/10/1945 - 2/10/2024), Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - cho rằng, với bề dày truyền thống, Báo Công Thương đã đạt nhiều kết quả trong công tác tuyên truyền, trở thành kênh thông tin chính sách về kinh tế của đất nước cũng như của ngành Công Thương, vượt qua khuôn khổ một tờ báo ngành và có sức lan tỏa cao.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Xuất phát từ một tờ báo in truyền thống nhưng tới nay Báo Công Thương đã vào Top 30 tờ báo tiếng Việt có lượng truy cập cao nhất với hệ sinh thái trên nhiều nền tảng. Với vị thế đó, Báo Công Thương đã tham gia chuyển tải nhanh chóng, hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, vào cuộc sống. Đồng thời, Báo Công Thương cũng là diễn đàn phản ánh chân thực ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

"Tờ báo đã từng bước khẳng định vị thế, tham gia cổ vũ, động viên các lực lượng xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân, xây dựng và hưởng ứng công cuộc đổi mới và hội nhập, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, có thể nói, Báo Công Thương là một nhân tố có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của ngành Công Thương nói riêng và đất nước nói chung. Những câu chuyện về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề liên quan tới chính sách vĩ mô được phản ánh rất chân thực, đầy đủ và khách quan. Những tin bài với phân tích chuyên sâu, hữu ích đăng tải trên các ấn phẩm của Báo đã giúp bạn đọc cập nhật chính xác và có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc về kinh tế Việt Nam.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh và các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong buổi tọa đàm trực tuyến của Báo Công Thương. Ảnh: Báo Công Thương

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh và các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong buổi tọa đàm trực tuyến của Báo Công Thương. Ảnh: Báo Công Thương

Đặc biệt, trong quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia, chi tiết diễn biến của thị trường, các quy định, cơ chế, chính sách... đều được Báo khai thác sâu ở mọi khía cạnh, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, có định hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa phù hợp.

"Cùng với đó, các chương trình Chính sách và Đối thoại về kinh tế, đầu tư... Báo tổ chức trong suốt nhiều năm qua là nguồn thông tin quan trọng, giúp ích cho việc các cơ quan chức năng, Bộ, ngành phân tích, xây dựng các chính sách kinh tế phù hợp trong từng giai đoạn; thúc đẩy văn hóa kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Kể từ sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp, kinh tế của Việt Nam thực sự đang trải qua khoảng thời gian rất khó khăn. Doanh nghiệp dù đã phục hồi nhưng vẫn còn nhiều thách thức, vị chuyên gia mong rằng, Báo Công Thương với lượng độc giả lớn, nhiều người quan tâm, yêu mến sẽ tiếp tục có các bài viết với nội dung tốt, đề tài, lĩnh vực phong phú hơn, cổ vũ, khích lệ để cộng đồng doanh nghiệp về đích với kết quả sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Đồng thời, Báo cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao trải nghiệm của bạn đọc, cập nhật các xu hướng mới.

"Tạo điều kiện để độc giả tương tác và đóng góp ý kiến cũng là một phương thức giúp tờ báo luôn bám sát cuộc sống, đồng hành cùng người dân, cộng đồng và doanh nghiệp xây dựng một tương lai bền vững", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pgsts-dinh-trong-thinh-bao-cong-thuong-vuot-qua-khuon-kho-mot-to-bao-nganh-349760.html
Zalo