Vì dân và hợp lòng dân

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 (Yagi). Ngay sau khi công bố, dự thảo đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong cả nước và cho rằng, đây là chủ trương, chính sách vì dân, kịp thời, hợp lòng dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã làm 353 người chết, mất tích; 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập. Cùng với các thiệt hại khác về sản xuất nông nghiệp, hệ thống điện, thông tin liên lạc, hạ tầng y tế, giáo dục, sự cố đê điều, thủy lợi, giao thông, ước tính ban đầu hơn 81.503 tỷ đồng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại. Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, ngày 17-9-2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, trong đó có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực tế cho thấy, sau bão lụt, công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn người mất tích cũng cần nhiều thời gian. Do đó có thể phát sinh những khoản nợ quá hạn trên 10 ngày và không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Điều này sẽ gây khó khăn cho cả tổ chức tín dụng và người vay. Vì vậy, trong dự thảo thông tư này, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn và phục hồi trở lại, đặc biệt là các địa phương nơi tâm bão đi qua. Cụ thể, xem xét và quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc hoặc lãi của khoản nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng.

Nội dung nêu trên nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bão, lũ. Tuy nhiên, khách hàng sau bão, lũ tập trung vào các ngành nghề và lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng. Vì vậy, NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ mới cho các khách hàng bị ảnh hưởng, mức giảm từ 0,5-1%/năm. Đồng thời, ban hành chính sách về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Qua đó tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay.

Một vấn đề nữa đặt ra là nội dung của dự thảo thông tư nêu trên chưa điều chỉnh ở diện rộng mà mới chỉ áp dụng đối với những người vay ngân hàng ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng sau bão số 3. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung và miền Nam hằng năm có không ít gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do mưa, lốc xoáy, lũ ống, lũ quét. Ví dụ, tại tỉnh Bình Phước trong 2 ngày 29 và 30-9, mưa lớn đã gây ngập lụt, thiệt hại về người, tài sản, vật nuôi, hoa màu của người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng huyện Phú Riềng đã có 1 người bị lũ cuốn trôi, 40 căn nhà và nhiều vườn cao su của người dân bị ngập nước, 10 ha ao cá cùng nhiều tài sản khác bị cuốn trôi. Vì vậy, dự thảo thông tư này cần sớm được điều chỉnh để người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong cả nước được hưởng chính sách ưu việt nêu trên.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163666/vi-dan-va-hop-long-dan
Zalo