PGS.TS.BS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam: Nhiều chuyện trớ trêu, day dứt và ám ảnh tôi

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam kể những buồn vui, trăn trở của cuộc đời làm nghề y vào trang sách, qua đó lan tỏa giá trị sống tích cực đến mọi người.

Lời tòa soạn

Một bác sĩ mồ côi mẹ từ 5 tuổi hiện là tác giả của rất nhiều cuốn sách hấp dẫn. Một bác sĩ có hai bằng Tiến sĩ tại Mỹ luôn tâm nguyện tìm ra những phương pháp giúp người Việt phát triển năng lực và tinh thần mạnh mẽ. Một bác sĩ từng bị trầm cảm nặng, muốn bỏ nghề đã tìm ra phương pháp trị liệu tâm hồn bằng những trang sách. Một bác sĩ vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt. Mỗi câu chuyện của họ đều có những tình tiết và cách gợi mở riêng, giúp độc giả hiểu sâu về những người thầy thuốc không hề khô khan, lạnh lùng mà luôn đau đáu nỗi niềm nhân sinh. Mời các bạn đón đọc tuyến bài về những bác sĩ viết sách.

Văn chương giúp truyền tải nỗi niềm của người thầy thuốc

- Ông chia sẻ gì về “Bác sĩ phẫu thuật” - đứa con tinh thần vừa ra mắt của mình?

Bác sĩ phẫu thuật là cuốn sách thứ 9 tôi viết. 47 chương của tác phẩm gồm truyện ngắn, tự sự của tôi về cuộc sống làm nghề y, các câu chuyện vui buồn, nỗi lòng khó nói của người thầy thuốc qua việc thăm khám, chăm sóc bệnh nhân. Đó còn là lời gửi gắm của tôi về nhân thế cuộc đời, trước lằn ranh của sự sống và cái chết.

Chúng tôi quan niệm chữa người bệnh không dừng ở bệnh lý, mà bao gồm nhiều thứ như tâm lý, gia đình... Làm sao để bệnh nhân trở về trạng thái gần như bình thường là điều tôi mong mỏi.

Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam.

Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam.

- Có hay không sự tương quan giữa công việc bác sĩ và nhà văn, theo góc nhìn của ông?

Tôi nghĩ văn chương và y học đôi khi có những thứ đồng điệu nhất định. Đó là sự nhân văn, gần gũi với con người, để cùng nhau xoa dịu, chữa trị bệnh nhân cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.

Người thầy thuốc thường đứng giữa lằn ranh sinh tử, nên nhờ có văn chương tôi cân bằng được mọi thứ, lại cảm thấy yêu cuộc đời và yêu nghề hơn. Có lẽ, chính văn chương đã giúp tôi và nhiều đồng nghiệp truyền tải nỗi niềm của những bác sĩ đến mọi người.

- Cả đời gắn với y khoa, viết sách cho ông trải nghiệm gì?

Tôi hay nói đùa mình là nhà văn làm bác sĩ, chứ không phải bác sĩ viết văn. Đến giờ tôi viết được 600 bài báo, là cộng tác viên thường xuyên của báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sức khỏe và Đời sống... Cứ có thời gian rảnh là tôi viết như một thói quen, một thú vui cuộc sống.

Tôi biết nhiều người đặt nghi vấn bác sĩ Nam có nhờ ai viết hộ không. Có thể họ không tin, hoặc hoài nghi bác sĩ như chúng tôi khô khan, không đủ năng lực viết sách chăng?

Ngành y có nhiều người viết rất tốt như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Trần Sỹ Tuấn, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng… Tất nhiên mỗi người một góc nhìn, ngòi bút khác nhau song tất cả chúng tôi đã sống trọn vẹn với nghề và hết lòng với câu chữ.

Tôi đi nhiều nơi, cả châu Á lẫn châu Âu, trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Tôi từng sống và làm việc, học tập ở Pháp 2 năm, trải nghiệm gần như khắp các lĩnh vực. Tôi tìm kiếm mọi chất liệu để tích góp cho vốn từ, câu chữ của mình. Những bệnh nhân, đồng nghiệp, hay nơi thoáng đi qua trong đời làm dày dặn thêm nguồn cảm hứng cho người viết sách.

Tôi muốn gửi gắm đến độc giả, hay các đồng nghiệp rằng ngành y phải dấn thân, khi cứu chữa bệnh nhân là hết lòng, đặt y đức lên hàng đầu. Dù có thể sau này có người không hiểu, quay lại trách móc, ta cứ an lòng vì đã làm đúng lương tâm.

Bác sĩ Hoài Nam hiện là Phó Giáo sư, giảng viên cao cấp ĐH Y Dược TPHCM.

Bác sĩ Hoài Nam hiện là Phó Giáo sư, giảng viên cao cấp ĐH Y Dược TPHCM.

Đôi lúc nản chí, nhưng không muốn bỏ nghề y

- Chặng đường làm nghề y, đã bao giờ ông chạnh lòng, suy nghĩ rời ngành vì một biến cố nào đó?

Chuyện trái khoáy, nỗi buồn nghề này không ít. Có bệnh nhân cứ nghĩ trả tiền đầy đủ thì việc chữa bệnh là nghĩa vụ bắt buộc của chúng tôi, thành ra chuyện chào hỏi, cư xử đôi lúc thiếu tình cảm. Khi cần nhờ vả, họ niềm nở, nhiệt tình, đến khi khỏe rồi lại ngó lơ bác sĩ.

Đôi lúc nản chí, nhưng ý chí và nghị lực làm cho tôi không bao giờ muốn bỏ nghề. Vì tôi luôn suy nghĩ nếu không làm y biết làm gì bây giờ, mặc dù tôi rất có năng lực trong nhiều lĩnh vực khác kể cả làm doanh nhân. Thôi cứ tiếp tục công việc với động lực duy nhất là cứu chữa được thêm nhiều người.

Tôi chọn bài hát Và con tim đã vui trở lại của nhạc sĩ Đức Huy phát mỗi sáng trong bệnh viện. Cứ đều đặn 7 giờ sáng là mọi người hát vang ca khúc để lan tỏa cho nhau điều tích cực. Ca từ “Tìm một con đường - tìm một lối đi…” có lẽ đúng, phù hợp với tất cả chúng ta - dù là bác sĩ hay bệnh nhân, hoặc rất nhiều mảnh đời ngoài xã hội.

- Trải nghiệm hay câu chuyện nào về bệnh nhân đắt giá khiến ông muốn đưa vào sách?

Tôi từng gặp trường hợp một cặp vợ chồng lấy nhau 7-8 năm không có con, trong khi gia đình rất quyền quý, muốn có con nối dõi.

Khi khám bệnh tổng quát, cô vợ phát hiện bị ung thư tuyến giáp. Trong điều trị, nếu cắt hết bướu và tuyến giáp, sau đó xạ trị thì bệnh nhân sẽ khỏi bệnh, nhưng đổi lại không thể có con. Chồng cô ấy có gặp riêng tôi trao đổi và quyết định đồng ý chỉ cắt một phần tuyến giáp và không xạ trị để có thể mang thai. Người chồng nói rằng thà có một đứa con để giữ hạnh phúc gia đình nếu không là tan vỡ ngay.

Khoảng 3 năm sau, họ đón con chào đời, gia đình rất vui mừng, hạnh phúc. Tuy vậy, 9 năm sau bệnh của cô vợ tái phát. Không hiểu vì lý do nào đó cô ấy không hề nghe tôi tư vấn và giải thích mà tin vào mấy tay bác sĩ nước ngoài rồi quay sang chê bai. Cô ấy liên tục gọi tôi tra tấn, chê trách sao trình độ kém cỏi, trong khi người chồng lại chọn im lặng, không dám nói lên sự thật.

Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện trớ trêu. Có buồn, có suy tư, day dứt, thậm chí ám ảnh... Tất cả là nỗi niềm của cuộc đời người thầy thuốc.

Ông là người sáng lập và đứng đầu Bệnh viện quốc tế Minh Anh.

Ông là người sáng lập và đứng đầu Bệnh viện quốc tế Minh Anh.

- Nhìn lại sự nghiệp của mình, điều ông tự hào nhất là gì?

Cuộc sống tôi vất vả từ bé, năm 5 tuổi đã mồ côi mẹ, đi học sớm, vào đại học năm 16 tuổi, tốt nghiệp năm 22 tuổi và làm Tiến sĩ y học năm 35 tuổi, trở thành Phó Giáo sư năm 40 tuổi.

Cuộc đời luôn có ngã rẽ bất ngờ, tôi không bao giờ nghĩ làm nghề y, giờ lại còn là giảng viên cao cấp Đại học Y dược TPHCM, bác sĩ chuyên khoa lồng ngực tim mạch và không ngờ mình viết văn cũng khá hay để trở thành hội viên của Hội Nhà văn TPHCM.

Trong sự nghiệp giảng dạy, tôi tự hào vì có hàng trăm học trò giỏi. Tôi đào tạo 21 tiến sĩ, hơn 200 bác sĩ nội trú, thạc sĩ, chuyên khoa cấp II… Tôi hãnh diện rằng ít nhất ngoài công tác chuyên môn, vẫn có thể đóng góp cho y khoa bằng một đội ngũ kế thừa giỏi nghề, y đức trong sáng.

- Gia đình có ý nghĩa ra sao trong cuộc đời ông?

Gia đình tôi về cơ bản êm ấm, nề nếp. Tất nhiên cuộc sống mà, đôi lúc có sóng gió sau cùng vẫn ổn thỏa.

Phần lớn các cặp vợ chồng sống với nhau 10 - 20 năm hay lục đục vì chuyện kinh tế, may mắn chúng tôi không mắc phải điều này. Bà xã tôi là bác sĩ, xuất thân gia giáo nên mọi chuyện lớn bé trong nhà cô ấy đều quán xuyến chu toàn.

Tôi có 2 người con, con trai lớn đã cưới vợ, cháu nhỏ còn đi học. Gia đình tôi 3 đời đều theo nghề y, từ bố vợ tôi, tôi và nay là các con. Tôi muốn bọn trẻ nhìn vào bố, từ thành công lẫn thất bại - như cách tôi học hỏi từ bố vợ mình trước đây. Ông là thầy của tôi, và tôi cũng chính là thầy của vợ mình.

Bác sĩ quan niệm sống vui, có ích là chìa khóa sức khỏe tốt của mỗi người.

Bác sĩ quan niệm sống vui, có ích là chìa khóa sức khỏe tốt của mỗi người.

- Niềm vui cuộc sống của ông ở tuổi này là gì?

Tôi tìm niềm vui trong khám chữa bệnh, giảng dạy học trò, các buổi gặp gỡ bạn bè, hàn huyên bên vài ly rượu và viết lách. Quan trọng là phải luôn vận động, làm việc để thấy rằng cuộc sống còn giá trị. Mỗi buổi chiều tan làm trở về nhà, tôi hay suy nghĩ hôm nay đã làm gì có ích cho cuộc đời, xã hội hay chưa.

Nhiều người khuyên tôi nên nghỉ hưu để tận hưởng tuổi xế chiều. Thú thật lúc này tôi chưa thể thôi việc hay dừng lại mọi thứ. Trách nhiệm xã hội và ham muốn làm việc không cho phép bản thân làm điều đó.

Tôi sống chậm, cố gắng tận hưởng cuộc sống bằng nhiều cách nhưng không cho phép mình nghỉ ngơi quá lâu.

- Là một bác sĩ, ông ý thức chăm lo sức khỏe thế nào?

Tôi 63 tuổi, mắc Parkinson 7 năm nay nên đi lại hơi khó khăn, tay chân run. Ngày trước tôi hay lên truyền hình, về sau phải từ chối hết vì sợ ảnh hưởng hình ảnh người thầy thuốc. Tôi từng buồn, chạnh lòng vì cả đời cứu chữa nhiều người tới khi bản thân mắc bệnh lại không thể khỏi.

Tuy nhiên nhờ văn chương tôi luôn an ủi rằng cuộc đời sinh lão bệnh tử là không tránh khỏi, chỉ khác người mắc bệnh này hay bệnh kia. Tôi sợ nhất bệnh có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ. Do đó tôi uống thuốc đều đặn, thể dục thể thao nhẹ để kiểm soát bệnh tình mỗi ngày.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam sinh năm 1961 tại Hà Nội. Sau thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài, ông đã chọn TPHCM lập nghiệp, mở bệnh viện. Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề y và đặc biệt là chuyên gia trong lĩnh vực Tim mạch - Lồng ngực, ông hiện là Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam...

Bác sĩ Hoài Nam còn là người sáng lập và đứng đầu Bệnh viện đa khoa quốc tế Minh Anh. Không chỉ là bác sĩ giỏi nghề, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam còn có khả năng viết lách (ông là hội viên Hội Nhà văn TPHCM), là tác giả của nhiều cuốn sách về y khoa hấp dẫn.

Ảnh: NVCC

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-si-nguyen-hoai-nam-tim-niem-vui-nho-viet-van-2321684.html
Zalo