PGS trẻ nhất ngành Cơ khí 2024: Đủ đam mê, kiên trì, ai cũng có thể thành công

TS Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Văn Lang trở thành tân phó giáo sư trẻ nhất ngành Cơ khí năm 2024.

Trong đợt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1989), quê ở huyện Châu Thành, thành phố Cần Thơ, hiện là Phó Trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Văn Lang trở thành tân phó giáo sư trẻ nhất ngành Cơ khí.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành bày tỏ: "Trở thành phó giáo sư trẻ tuổi nhất ngành Cơ khí năm 2024 là một niềm tự hào, đồng thời cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình.

Để đạt được kết quả này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ tận tình từ gia đình, đồng nghiệp và đặc biệt là ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang. Tôi tin rằng, chỉ cần có đam mê và kiên trì, ai cũng có thể đạt được thành công".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành - Phó Trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành - Phó Trưởng khoa Thương mại, Trường Đại học Văn Lang. Ảnh: website trường.

Theo bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, vị này đã tốt nghiệp đại học ngành Quản lý công nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ vào năm 2012.

Năm 2015, thầy Thành được cấp bằng thạc sĩ ngành Kỹ thuật công nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau thời gian học tập và nghiên cứu trong nước, thầy Thành đến Đài Loan học lên tiến sĩ. Năm 2019, thầy được cấp bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Cao Hùng.

Quá trình công tác của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành cụ thể như sau:

Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013, thầy Thành là giảng viên tập sự, Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ (nay là Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ).

Từ tháng 01/ 2014 đến tháng 11/2019, thầy là giảng viên, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Đồng thời, trong khoảng thời gian đó, thầy được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng bộ môn Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (ngày 01/4/2017).

Từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2020, thầy Thành là giảng viên, Phó Trưởng bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, đồng thời là Phó Trưởng khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Từ tháng 11/2020 đến nay, thầy Nguyễn Văn Thành là giảng viên, Phó Trưởng khoa Thương mại, Trưởng bộ môn Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Văn Lang.

Hơn 10 năm nghiên cứu trong ngành Cơ khí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành theo đuổi 3 hướng nghiên cứu chủ yếu bao gồm:

Hướng nghiên cứu 1: Mô hình MCDM và ứng dụng trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng;

Hướng nghiên cứu 2: Mô hình MCDM và ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển bền vững;

Hướng nghiên cứu 3: Kỹ thuật hệ thống và ứng dụng trong quản trị sản xuất và dịch vụ.

Chia sẻ với phóng viên, vị phó giáo sư giải thích về "mô hình MCDM" trong các công trình nghiên cứu của mình: "Khoa học ra quyết định (decision science) là một lĩnh vực quan trọng trong kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Khoa học ra quyết định kết hợp các kỹ thuật, phương pháp và công cụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau như toán học, thống kê, kinh tế và khoa học máy tính để hỗ trợ quá trình ra quyết định trong các tình huống phức tạp và không chắc chắn.

Mô hình ra quyết định đa tiêu chí (Multi-Criteria Decision Making Model - MCDM) là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng thuộc lĩnh vực khoa học ra quyết định, giúp giải quyết các vấn đề ra quyết định phức tạp khi phải xem xét nhiều tiêu chí khác nhau.

MCDM đã được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như quản lý chuỗi cung ứng, quản lý môi trường và năng lượng, tài chính, y tế,… Ưu điểm của mô hình MCDM cho phép ra quyết định dựa trên nhiều tiêu chí, đảm bảo rằng tất cả các yếu tố quan trọng đều được xem xét và đánh giá. Từ những ưu điểm vượt trội nêu trên, tôi đã nghiên cứu và ứng dụng các mô hình này trong nhiều lĩnh vực khác nhau".

Vị tân phó giáo sư cũng đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, với vai trò chủ nhiệm đề tài (trong đó, có 2 đề tài đã được nghiệm thu trong năm 2024).

 Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã nghiệm thu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành. Ảnh chụp màn hình.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã nghiệm thu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành. Ảnh chụp màn hình.

Bên cạnh đó, suốt quá trình nghiên cứu, thầy Nguyễn Văn Thành đã công bố 37 bài báo khoa học, trong đó, 30 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, 4 bài đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước có chỉ số ISBN, 3 bài đăng trên các kỷ yếu hội nghị quốc tế có chỉ số ISBN/ISSN.

Trong số đó, có 24 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín mà thầy Thành là tác giả chính sau tiến sĩ.

 Một số bài báo khoa học của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành đã công bố sau khi được công nhận tiến sĩ. Ảnh chụp màn hình.

Một số bài báo khoa học của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành đã công bố sau khi được công nhận tiến sĩ. Ảnh chụp màn hình.

Ngoài ra, vị tân phó giáo sư đã xuất bản 1 giáo trình với vai trò chủ biên (thuộc nhà xuất bản có uy tín trong nước).

Trong công tác đào tạo, thầy Thành cũng đã ghi được một số dấu ấn. Cụ thể, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, thầy đã hướng dẫn thành công 7 học viên cao học bảo vệ thành công và có bằng thạc sĩ (trong đó, hướng dẫn chính 4 học viên và hướng dẫn phụ 3 học viên).

Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, tạo môi trường nghiên cứu khoa học thực chất, hiệu quả cho sinh viên luôn được vị tân phó giáo sư xem trọng.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thành chia sẻ thêm: "Với vai trò là một người thầy, tôi luôn coi việc tạo môi trường nghiên cứu khoa học cho sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng. Một môi trường tốt không chỉ khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo mà còn giúp sinh viên rèn luyện tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn.

Tôi tin rằng, việc khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu không chỉ giúp các em phát triển năng lực chuyên môn, mà còn xây dựng sự tự tin và tinh thần làm việc nhóm. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ từ nhà trường, đội ngũ giảng viên và sự kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức để sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế".

Đặc biệt, thầy Thành đã chủ trì xây dựng, phát triển chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học (đã được đưa vào áp dụng thực tế). Cụ thể:

Sau nhiều năm cống hiến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành đã có một số thành tích tại Trường Đại học Văn Lang: Giảng viên có thành tích vượt trội (outstanding) trong năm học 2020-2021; Giảng viên có thành tích xuất sắc (excellent) trong hai năm học 2021-2022 và 2022-2023.

Bật mí về định hướng sắp tới, thầy Thành chia sẻ: "Trong tương lai, tôi sẽ tập trung vào các hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực kỹ thuật hệ thống công nghiệp, đặc biệt là những giải pháp bền vững.

Tôi cũng mong muốn phát triển các dự án kết nối giữa nghiên cứu và thực tiễn, hợp tác với doanh nghiệp để đưa các ý tưởng khoa học vào ứng dụng thực tế. Đồng thời, tôi rất quan tâm đến việc hỗ trợ và định hướng cho sinh viên, giúp các em không chỉ học tập tốt, mà còn tự tin tham gia nghiên cứu và phát triển những sáng kiến phục vụ cộng đồng".

Xem thêm chi tiết hồ sơ ứng viên tại đây.

Anh Tú

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pgs-tre-nhat-nganh-co-khi-2024-du-dam-me-kien-tri-ai-cung-co-the-thanh-cong-post247276.gd
Zalo