Đại học Quốc gia TPHCM: Triển khai đào tạo liên ngành, liên trường
Trong nhiều năm liền, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) khẳng định thế mạnh là hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều chương trình đạt chuẩn quốc tế. Đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực có khả năng giải quyết các vấn đề liên ngành trong thực tế, ĐHQG TPHCM mạnh dạn triển khai mô hình đào tạo liên ngành, liên trường.
Mô hình đào tạo mới
Mô hình đào tạo liên ngành, liên trường được ĐHQG TPHCM áp dụng thí điểm đối với ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, do Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cùng Trường ĐH Kinh tế - Luật phối hợp thực hiện. Sinh viên theo học ngành này sau 4 năm học có thể lấy được 2 bằng cử nhân.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM, chương trình đào tạo ngành này có 140 tín chỉ, học trong 4 năm. Các học phần về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử Hàn Quốc sẽ do trường phụ trách; các học phần kinh tế, quản trị kinh doanh sẽ do Trường ĐH Kinh tế - Luật giảng dạy. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn xét tuyển 50 chỉ tiêu đối với ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc ở năm đầu tiên triển khai.
Nói về mô hình mới này, TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Ban Đào tạo, ĐHQG TPHCM, cho biết, mô hình liên ngành, liên trường là sự kết hợp 2 ngành đào tạo từ 2 đơn vị thành viên để tạo thành 1 ngành đào tạo mới. Khối lượng học tập từ 130-140 tín chỉ trong thời gian đào tạo khoảng 4 năm, đầu vào sẽ tham gia tuyển sinh giống như các chương trình bình thường. Ngoài ra, có sự phối hợp kế hoạch đào tạo của 2 trường phụ trách 2 ngành xuyên suốt trong vòng 4 năm, và học kỳ cuối cùng sẽ có luận văn hoặc luận án mang tính liên ngành để thực hiện. TS Dương Tôn Thái Dương nhận định, xu hướng liên ngành, liên trường đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả rất tốt.
Thời gian tới, ĐHQG TPHCM sẽ mở rộng số lượng ngành liên ngành, liên trường. Đến năm 2025 dự kiến sẽ có thêm một số ngành liên ngành mới, như ngành Công nghệ giáo dục (phối hợp đào tạo giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) hay ngành Kinh tế đất đai (phối hợp đào tạo giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với Trường ĐH Kinh tế - Luật).
“Nội dung chương trình là sự phối hợp của 2 ngành, tích hợp thành các môn học phù hợp với bối cảnh thay đổi nhanh chóng từ nhu cầu thị trường lao động đối với nguồn nhân lực có kiến thức đa ngành để giải quyết các vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực trong thực tế. Học phí tương đương mức học phí các ngành đang đào tạo của cơ sở đào tạo. Lực lượng giảng viên đến từ cả 2 cơ sở đào tạo. Thời khóa biểu sẽ được tổ công tác chung tiến hành xây dựng phù hợp với đặc thù triển khai, nhằm tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy và khả năng học tập của sinh viên. Việc sắp xếp cho sinh viên thực hành, thực tập hoặc trải nghiệm thực tế cũng sẽ có sự phối hợp giữa các bên tham gia đào tạo”, TS Dương Tôn Thái Dương thông tin.
Chiến lược phát triển ĐHQG TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu có 20 chương trình đào tạo mới liên ngành, liên trường đáp ứng nhu cầu xã hội, do 2 đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM cùng cấp bằng, ưu tiên khối ngành Khoa học xã hội, Kinh tế - Luật và Sư phạm.
Đào tạo nguồn nhân lực đa ngành
Quan tâm theo dõi thông tin tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của ĐHQG TPHCM về đào tạo liên ngành, liên trường, em Nguyễn Ngọc Hải Phong (18 tuổi, ngụ TPHCM) bày tỏ: “Đây là điểm rất mới trong đào tạo, có ích cho sinh viên. Tham gia học ngành được mở theo mô hình này, sinh viên sau khi hoàn thành khóa học có thể có đến 2 hoặc 3 bằng cử nhân. Nếu vậy, cơ hội việc làm và cả kỹ năng, năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được mở rộng, nâng cao hơn so với những sinh viên chỉ học 1 ngành. Em nghĩ đây là cách để đào tạo ra nguồn nhân lực đa ngành nghề, có thể thích ứng với nhiều công việc khác nhau”.
Theo các chuyên gia giáo dục, mô hình đào tạo mới này giúp mở rộng cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường, từ đó đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động chuyển dịch theo hướng mới. Đối với đời sống hiện đại, thị trường lao động đòi hỏi người lao động được đào tạo kiến thức tích hợp hơn là kiến thức đơn ngành. Vì vậy, liên ngành là trọng điểm tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, anh Tùng Lâm (giám đốc một doanh nghiệp chuyên mảng truyền thông, quan hệ công chúng tại TPHCM) cho rằng, để đáp ứng cuộc sống hiện đại hóa thì nguồn nhân lực có kiến thức đa ngành sẽ có lợi thế lớn về vị trí việc làm. “Với xu hướng hiện đại thì khi tuyển dụng, chúng tôi cần người lao động có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau. Ví dụ, một người tốt nghiệp cử nhân Báo chí truyền thông nhưng có thể làm cả về quay, dựng, viết kịch bản hay làm tốt cả mảng PR - Marketing là lợi thế rất lớn”, anh Tùng Lâm nói.
“Một ngành nghề hay một vị trí việc làm có thể không theo chúng ta mãi. Thử nghĩ đến một ngày, chúng ta sẽ phải thay đổi vị trí việc làm, vậy chúng ta đã chuẩn bị tâm thế cho việc đó hay chưa? Chính vì vậy, cơ sở đào tạo sẽ phải chuẩn bị cho các bạn kiến thức nền tảng đủ rộng để có khả năng chuyển đổi ngành nghề chủ động và linh hoạt hơn”, TS Dương Tôn Thái Dương chia sẻ.
Tăng cường giải pháp chống gian lận trong thi chứng chỉ ngoại ngữ
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (gọi tắt là dự thảo). Điểm mới của dự thảo là tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình của các đơn vị tổ chức thi hoặc liên kết tổ chức thi. Dự thảo chỉ quy định khung, các yêu cầu, tiêu chí tối thiểu đối với các đơn vị tổ chức, không quy định chi tiết quy định và quy trình tổ chức thi như trước đây. Căn cứ tiêu chí, các đơn vị tự xây dựng quy trình tổ chức thi, quy chế phối hợp, liên kết và công bố công khai cũng như gửi về Bộ GD-ĐT thông qua Cục Quản lý chất lượng để quản lý, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải có đủ 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí.
Dự thảo cũng tăng cường các giải pháp công nghệ để công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ đảm bảo an ninh, an toàn, tin cậy, công bằng, đặc biệt là chống thi thay, thi hộ. Trong đó, bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ. Đồng thời, quy định rõ quy trình xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, quy định về mức độ trùng lặp câu hỏi thi giữa các đợt thi. Ngân hàng câu hỏi thi phải bảo đảm có đủ số lượng câu hỏi để tạo ra tối thiểu 70 đề thi. Các câu hỏi đã sử dụng để tổ chức thi chỉ được xem xét dùng lại sau tối thiểu 2 năm. Ngân hàng đề thi mỗi năm bổ sung tối thiểu 10% đề thi so với quy định tối thiểu...