Petrovietnam trụ cột kinh tế quốc gia

Trao đổi với Tạp chí Năng lượng Mới, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã phát triển các lĩnh vực mũi nhọn như hóa dầu, điện, cơ khí… trở thành trụ cột kinh tế quan trọng, có thời kỳ đóng góp tới 1/4 ngân sách quốc gia.

PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về những đóng góp quan trọng của Petrovietnam đối với nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian qua?

TS Nguyễn Đức Kiên

TS Nguyễn Đức Kiên

TS Nguyễn Đức Kiên: Petrovietnam được thành lập cách đây 50 năm, gắn liền với thành quả của công cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự kiện đất nước thống nhất năm 1975. 50 năm qua, Petrovietnam đã đóng góp rất lớn vào nền kinh tế quốc gia. Từ con số 0, Petrovietnam đã xây dựng và phát triển được công nghiệp dầu khí cùng các mũi nhọn hóa dầu, điện, cơ khí… trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của đất nước. Có những thời kỳ, Petrovietnam đóng góp tới 1/4 ngân sách quốc gia. Điều này giúp Việt Nam vượt qua các đợt phong tỏa, cấm vận và hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, Petrovietnam còn góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển và phát triển năng lượng mới, như phát điện từ khí. Trước đây, chúng ta chủ yếu đầu tư vào thủy điện và nhiệt điện chạy than, nhưng hiện nay đã có thêm các nhà máy phát điện từ khí, là một bước tiến mới. Petrovietnam cũng đi đầu trong việc phát triển công nghiệp hóa chất, chuyển đổi từ dầu mỏ sang các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau.

Trong 50 năm qua, Petrovietnam đã hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín, từ thăm dò, khai thác, vận chuyển, đến chế biến và tiêu thụ các sản phẩm.

Bên cạnh đó, Petrovietnam còn tham gia sâu rộng vào công tác bảo vệ an sinh xã hội thông qua các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều vùng dân cư khó khăn.

PV: Vậy theo ông, đâu là dấu ấn, thành tựu đáng chú ý của Petrovietnam trong những năm qua?

TS Nguyễn Đức Kiên: Một trong những thành tựu đáng chú ý là Petrovietnam đã nắm vững các công nghệ hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Tập đoàn đóng góp to lớn vào việc tìm kiếm thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt là ở các mỏ dầu khí ngoài khơi. Việc phát hiện và khai thác các mỏ dầu khí lớn như Bạch Hổ, Rồng, Sư Tử và một số mỏ khác đã giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trong những quốc gia sản xuất dầu khí lớn trong khu vực.

Bên cạnh đó, Petrovietnam đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia giỏi, có khả năng làm việc cả trong nước và quốc tế. Tập đoàn cũng đã thành công trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực lọc dầu, như việc triển khai các dự án lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Ngoài ra, Petrovietnam cũng xây dựng được đội ngũ cán bộ trong hệ thống sản xuất điện. Hiện nay, Petrovietnam cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là ba trụ cột chính trong chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Petrovietnam đã phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng vững mạnh, bao gồm các nhà máy lọc dầu, các cảng xuất khẩu, các đường ống dẫn dầu khí và các cơ sở hạ tầng phụ trợ. Một thành tựu đáng chú ý khác là việc Petrovietnam đã và đang triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo, chứng minh được sự chủ động và đổi mới trong phát triển năng lượng sạch và bền vững cho tương lai.

Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ

Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Petrovietnam trong lĩnh vực năng lượng và các dự án trọng điểm đã triển khai trong thời gian qua?

TS Nguyễn Đức Kiên: Petrovietnam xuất phát là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và chế biến dầu khí. Hiện tại, Petrovietnam rất chú trọng phát triển khâu sau, là lĩnh vực chế biến dầu khí, trong đó có mảng lọc hóa dầu. Hiện nay, sản lượng từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn hiện chiếm khoảng 70% sản lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Trong tương lai, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được triển khai, đưa vào hoạt động, sức ảnh hưởng của Petrovietnam sẽ tăng lên nhiều.

Về sản xuất điện, Petrovietnam đã từ con số 0 vươn lên chiếm khoảng 13% tổng sản lượng điện sản xuất trong nước. Ưu điểm của Petrovietnam là sản xuất điện rất ổn định nhờ các nhà máy sử dụng khí.

Petrovietnam cũng có đội ngũ cơ khí phục vụ cho sản xuất dầu khí, đặc biệt là cụm công nghiệp dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Những giàn khoan và các thiết bị nội địa này không chỉ phục vụ cho hoạt động khai thác dầu khí mà còn bảo đảm an ninh quốc phòng.

Nếu nói về sự đóng góp của Petrovietnam, chúng ta có thể tự hào về hệ thống giàn khoan, các trung tâm dịch vụ kỹ thuật và các khu vực trên Biển Đông. Tất cả những thành quả đó đều là công sức của cán bộ Petrovietnam. Đây là một trong những đóng góp nổi bật của Petrovietnam cho đất nước.

PV: Trong suốt quá trình phát triển, Petrovietnam gặp không ít khó khăn và thách thức. Theo ông, những thách thức lớn mà Tập đoàn phải đối mặt là gì?

TS Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, một trong những thách thức lớn nhất mà Petrovietnam phải đối mặt là sự biến động mạnh mẽ của thị trường dầu khí toàn cầu, đặc biệt là khi giá dầu lên xuống bất ổn. Những thay đổi này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác và tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn. Khi giá dầu giảm mạnh, các dự án khai thác có thể trở nên kém khả thi về mặt kinh tế.

Thứ hai là xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững. Việc chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường là một xu hướng toàn cầu và tất yếu. Điều này đặt ra thách thức cho Petrovietnam trong việc thích ứng và đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Thứ ba là những thách thức trong việc tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu mới. Việc tìm kiếm các mỏ dầu mới ngày càng khó khăn hơn do các mỏ dầu truyền thống đã được khai thác gần hết. Việc mở rộng các hoạt động khai thác ở các khu vực ngoài khơi hay trong các vùng biển xa xôi cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và công nghệ tiên tiến.

Thứ tư là về vấn đề tài chính và quản lý rủi ro. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều các thách thức, việc duy trì ổn định tài chính và quản lý rủi ro một cách hiệu quả là một vấn đề lớn. Các yếu tố như lạm phát, tỉ giá hối đoái và tình hình chính trị có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Petrovietnam.

Thứ năm là vấn đề chính sách và quy định từ Chính phủ. Việc điều chỉnh chính sách và các quy định liên quan đến ngành Công nghiệp - Năng lượng cũng có thể tạo ra thách thức đối với Petrovietnam, đặc biệt trong việc tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, khai thác bền vững và sự thay đổi trong các điều khoản hợp đồng.

Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển các dự án lớn trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt cũng là một thử thách lớn.

Trong khoảng 5-10 năm qua, môi trường quốc tế đã thay đổi rất nhanh, môi trường và yêu cầu nhiệm vụ của đất nước cũng thay đổi. Tất cả đòi hỏi hệ thống quản trị và tổ chức của Petrovietnam phải thay đổi theo. Với chiến lược phát triển bền vững và sự đổi mới trong công nghệ, Petrovietnam đã và đang nỗ lực vượt qua các thách thức này, tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Sản lượng từ NMLD Dung Quất và Nghi Sơn chiếm khoảng 70% sản lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước

Sản lượng từ NMLD Dung Quất và Nghi Sơn chiếm khoảng 70% sản lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước

PV: Thưa ông, mới đây Petrovietnam được định danh là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, ông nhận định vấn đề đó thế nào?

TS Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, đây là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia, tương tự mô hình của Viettel trong lĩnh vực viễn thông. Mục tiêu là nâng cao năng lực công nghệ và chất lượng sản phẩm của Petrovietnam, đồng thời tạo điều kiện để Tập đoàn dẫn đầu ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam.

Vì thế, Petrovietnam cần phải vươn lên để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt khi năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng mới.

Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ định hướng phát triển của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Petrovietnam cần phải thay đổi phương thức quản trị nội bộ, từ đó xây dựng một mô hình quản lý phù hợp với yêu cầu mới. Đồng thời, Petrovietnam cần tham gia sâu sát vào việc sửa đổi Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, nhằm tạo ra một bộ luật thông thoáng nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ và hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Điều này sẽ giúp Petrovietnam tự chủ hơn trong việc triển khai các chiến lược và nhiệm vụ phát triển trong tương lai.

Cùng với đó, Petrovietnam cần phải đi đầu trong việc phát triển các công nghệ mới như điện gió ngoài khơi, lưu trữ điện và truyền tải điện. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân khó tham gia, do đó Petrovietnam cần tập trung phát triển các dự án năng lượng sạch và thân thiện với môi trường. Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), một trong các công ty thành viên của Petrovietnam, hiện đã có đủ năng lực tham gia các dự án điện gió ngoài khơi.

Trong 50 năm qua, Petrovietnam đã hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín, từ thăm dò, khai thác, vận chuyển, đến chế biến và tiêu thụ các sản phẩm. Petrovietnam còn tham gia sâu rộng vào công tác bảo vệ an sinh xã hội, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều vùng dân cư khó khăn.

PV: Vậy theo ông, để đạt được mục tiêu như Kết luận số 76 của Bộ Chính trị giao, Petrovietnam cần phải có những cơ chế, chính sách gì?

TS Nguyễn Đức Kiên: Để thực hiện các dự án như nói ở trên, Petrovietnam cần có cơ chế huy động vốn và phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị trong nội bộ.

Một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển điện gió ngoài khơi, kết hợp với các công nghệ lưu trữ điện để truyền tải điện từ ngoài khơi vào đất liền. Việc xác định giá bán điện hợp lý là yếu tố quyết định để thu hút nhà đầu tư. Nếu không có chính sách giá điện hợp lý, sẽ rất khó để huy động vốn và triển khai các dự án quy mô lớn.

Petrovietnam cũng cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, đơn vị, như Viện Dầu khí Việt Nam để nghiên cứu và phát triển các giải pháp năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát triển hydro và amoniac - những công nghệ tiên tiến, tiềm năng trong ngành năng lượng sạch tương lai.

Ưu điểm của Petrovietnam là sản xuất điện rất ổn định nhờ có các nhà máy sử dụng khí

Ưu điểm của Petrovietnam là sản xuất điện rất ổn định nhờ có các nhà máy sử dụng khí

Việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi hiện nay gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII đề ra là đạt 600 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, nhưng nhiều vấn đề cần được tháo gỡ để hoàn thành mục tiêu này. Nếu không có các chính sách hỗ trợ kịp thời, việc đạt được mục tiêu này sẽ rất khó khăn.

Một lộ trình rõ ràng từ Nhà nước về hỗ trợ giá điện cho các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió và điện hạt nhân, là điều cần thiết. Nhà nước có thể hỗ trợ bù lỗ trong giai đoạn đầu để thu hút đầu tư, nhưng cần có sự chuyển tiếp dần dần khi nền kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Điều này giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước và tạo ra một thị trường năng lượng bền vững.

Mặc dù điện gió ngoài khơi vẫn chưa được triển khai thí điểm hiệu quả, do rủi ro thua lỗ cao, nhưng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ là cần thiết để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là Petrovietnam triển khai các dự án năng lượng quan trọng như điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân. Đây sẽ là những bước đi quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các chính sách khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ là cần thiết để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là Petrovietnam triển khai các dự án năng lượng quan trọng như điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân. Đây sẽ là những bước đi quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững.

Mạnh Tưởng

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/petrovietnam-tru-cot-kinh-te-quoc-gia-726954.html
Zalo