Petrovietnam nhắm mục tiêu mỗi tháng vận hành 1 công trình mới

Bất chấp những biến động khó lường của thị trường toàn cầu trong tháng 4/2025, Petrovietnam vẫn giữ vững nhịp sản xuất ổn định, tiến độ đầu tư được đảm bảo với mục tiêu 'mỗi tháng vận hành ít nhất một công trình mới', đóng góp cho phát triển.

Vững tay lái giữa cơn sóng lớn

Trong bối cảnh chỉ số PMI toàn cầu giảm xuống dưới 50 điểm, giá dầu sụt 25% còn quanh mức 65 - 67 USD/thùng và những căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vẫn ghi nhận kết quả khả quan.

Tính đến hết tháng 4, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất chính của Tập đoàn đạt và vượt kế hoạch từ 3,8 – 19,5%, một số chỉ tiêu tăng trưởng từ 13 – 66% so với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2024.

Nhơn Trạch 3 là nhà máy điện LNG đầu tiên tại Việt Nam đang hoàn thiện công tác chuẩn bị để sẵn sàng vận hành trong thời gian tới.

Nhơn Trạch 3 là nhà máy điện LNG đầu tiên tại Việt Nam đang hoàn thiện công tác chuẩn bị để sẵn sàng vận hành trong thời gian tới.

Đó là khai thác dầu thô đạt 3,16 triệu tấn (vượt 12,8% kế hoạch 4 tháng); khai thác khác khí đạt 1,98 tỷ m3 (vượt 10,4% kế hoạch); sản xuất điện đạt 11,06 tỷ kWh (vượt 9,9% kế hoạch); sản xuất xăng dầu (tính cả sản lượng từ Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn) đã đạt 5,39 triệu tấn (vượt 12,7% kế hoạch); sản xuất phân bón NPK đạt 187.300 tấn (vượt 19,5% kế hoạch).

Tổng doanh thu lũy kế 4 tháng đạt 323.300 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 45.600 tỷ đồng. Đầu tư cũng tăng mạnh, đạt 10.230 tỷ đồng - tăng 22,5% so với cùng kỳ.

Vận hành liên tục, đầu tư không ngơi nghỉ

Dự án mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 là điểm nhấn đầu quý II khi hoàn thành sớm 20 ngày và do 100% kỹ sư Việt thực hiện - không chỉ tăng sản lượng khai thác mà còn kịp thời cung ứng nguyên liệu cho cao điểm cấp điện mùa khô hiện nay.

Một công trình khác cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Petrovietnam và đang chuẩn bị đi vào vận hành chính thức là Nhà máy điện chạy khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4.

 Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trao đổi văn kiện hợp tácvới lãnh đạo Zarubezhneft (Nga).

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng trao đổi văn kiện hợp tácvới lãnh đạo Zarubezhneft (Nga).

Từ thành công của Đại Hùng 3, Petrovietnam đặt mục tiêu cao: mỗi tháng vận hành thương mại một công trình mới từ nay đến cuối năm 2025, vừa tạo dư địa tăng trưởng, vừa hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững.

Tập đoàn cũng đang đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như Dự án khí Lô B, Dự án khí Cá Voi Xanh, BK-24, Kình Ngư Trắng… phấn đấu hoàn thành sớm hơn kế hoạch, đồng thời, thực hiện kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh hoạt động sản xuất trong nước, công tác mở rộng dư địa cũng được Tập đoàn đẩy mạnh thông qua hợp tác quốc tế khi gia hạn Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA thêm 20 năm với Petronas; ký văn kiện Thỏa thuận hợp tác với Công ty Dầu khí Quốc gia Kazakhstan.

Ở trong nước, Petrovietnam cũng đã hợp tác chiến lược với các “ông lớn” như Viettel, Vinachem, ACV, Hòa Phát...

Đây là minh chứng cho vai trò tiên phong, dẫn dắt của một doanh nghiệp nhà nước chủ lực.

Sản xuất - Dịch vụ - Xuất khẩu: cùng bứt tốc

Mảng đạm của Petrovietnam đã ghi dấu ấn với sản lượng vượt kế hoạch, không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn mở rộng xuất khẩu. Đáng chú ý, sản phẩm của Công ty Phân bón Cà Mau vừa đạt chứng nhận tiêu chuẩn xuất khẩu cao nhất vào thị trường Australia, góp phần mở rộng thị phần quốc tế.

Phân bón Cà Mau được Australia công nhận đạt chuẩn cao nhất về xuất khẩu phân bón.

Phân bón Cà Mau được Australia công nhận đạt chuẩn cao nhất về xuất khẩu phân bón.

Ở khối khí - điện duy trì hoạt động ổn định, an toàn. PV GAS chủ động kiến nghị làm đầu mối nhập khẩu LNG từ Mỹ, đón đầu xu hướng dịch chuyển năng lượng sạch.

Khối Lọc – Hóa dầu tập trung kiểm soát tồn kho, tiết giảm chi phí, hướng tới phát triển sản phẩm xanh.

Khối Dịch vụ là hậu phương vững chắc với các hoạt động khoan, vận tải, điện gió triển khai theo tiến độ; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt các kỳ nghỉ lễ dài ngày.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn khẳng định, kế hoạch tháng 5 và quý II đặt ra áp lực lớn. Tập đoàn phải chủ động quản trị rủi ro, đẩy mạnh đầu tư, tăng sản lượng, mở rộng thị trường, đồng thời triển khai hiệu quả chuyển đổi số để hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh.”

Bởi vậy thời gian tới Petrovietnam triển khi hàng loạt giải pháp nhằm tăng công suất, tối ưu tài sản, giảm chi phí.

Trong thời gian tới, Petrovietnam lên kế hoạch tăng cường hiệu suất vận hành tại các nhà máy, tối ưu tài sản, giảm chi phí, gia tăng sản lượng và mở rộng thị trường.

Để tăng doanh thu, Tập đoàn sẽ tăng sản lượng và mở rộng dịch vụ ngoài, dịch vụ mới trong phần thương mại, nhất là ở các đơn vị thành viên như PV GAS, PVOIL, BSR…, xây dựng kế hoạch quản trị, đảm bảo doanh thu, lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục mở rộng thị trường thông qua rà soát hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty khu vực nhà nước và khối tư nhân, nhằm thực hiện Nghị quyết 68 và các chỉ đạo của Chính phủ, để mở rộng dư địa, gia tăng doanh thu, lợi nhuận.

Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai nghiêm túc đề án ERP, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản trị hiện đại.

Hoàng Nam

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/petrovietnam-nham-muc-tieu-moi-thang-van-hanh-1-cong-trinh-moi-d288796.html
Zalo