'Pây tái' - mỹ tục của người Tày vào dịp rằm tháng Bảy

Vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Tày có một tục lệ đặc biệt và đầy ý nghĩa, đó là 'Pây tái'.

Nếu người Kinh thường gọi rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu lan báo hiếu, thì với người Tày, ngày rằm tháng Bảy còn được gọi bằng một cái tên khác là Tết “Pây tái”. Với người Tày, "Pây tái" - là một trong hai cái Tết quan trọng nhất của năm, cùng với Tết Nguyên đán.

"Pây tái" trong tiếng Tày có nghĩa là "về nhà ngoại". Tục lệ này diễn ra vào ngày 14/7 âm lịch, một ngày trước rằm tháng Bảy. Đây là ngày lễ báo đáp công ơn của con cái đối với cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình - một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc của bà con dân tộc Tày.

 Một gia đình người Tày ở Bắc Kạn chuẩn bị đồ lễ trong dịp Tết “Pây tái”. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Một gia đình người Tày ở Bắc Kạn chuẩn bị đồ lễ trong dịp Tết “Pây tái”. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Vào ngày này, con cháu thường mang theo lễ vật như vịt, "pẻng tải" (bánh nếp), xôi, cùng các loại hoa quả, bánh trái khác đến nhà ngoại. Những lễ vật này thể hiện tấm lòng của con cháu đối với ông bà ngoại, mong cầu sự bình an, may mắn.

Tục lệ này phản ánh sự coi trọng mối quan hệ gia đình, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thế hệ. Trước đây, người phụ nữ Tày sau khi lấy chồng thường ở cùng gia đình nhà chồng.

Do đường sá khó khăn và điều kiện kinh tế không cho phép, mỗi năm họ chỉ được về thăm nhà vào dịp lễ Tết. Tết tháng Giêng thì phụ nữ Tày thường bận rộn với việc cúng lễ tổ tiên bên nhà chồng nên tháng Bảy chính là dịp thuận lợi nhất để về thăm nhà ngoại.

 Cả gia đình trên đường về ông bà ngoại. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Cả gia đình trên đường về ông bà ngoại. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Tùy từng địa phương, đồ lễ trong ngày Tết "Pây tái" có thể sẽ có sự khác nhau chút ít nhưng mâm cỗ cúng ngày lễ "Pây tái" không thể thiếu con vịt quay, các loại bánh gai, bánh nếp.

Mỗi cô con gái sau khi đi lấy chồng sẽ mang một đôi vịt về để làm lễ "Pây tái" tại nhà bố mẹ đẻ. Sau khi kết thúc ngày lễ, bố mẹ sẽ hồi lại cho con gái một con vịt.

Người Tày, Nùng thường có câu cửa miệng khi nói về các món ăn thuộc về phong tục của dân tộc mình: "Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chất kin nựa Pết" nghĩa là Tết tháng giêng ăn thịt gà, Tết tháng bảy ăn thịt vịt.

Theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, Nùng, vì vịt là vị sứ giả của Mường trần gian với Mường trời. Con vịt đó có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ Mường trời vào ngày rằm tháng bảy hằng năm.

 Bà ngoại vui mừng đón con cháu về thăm. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Bà ngoại vui mừng đón con cháu về thăm. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Trong bối cảnh hiện đại, khi xã hội ngày càng phát triển và các giá trị truyền thống dần bị mai một, "Pây tái" trở thành một biểu tượng văn hóa quan trọng, nhắc nhở mỗi người về nguồn cội, về tình cảm gia đình và lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình.

Đây là dịp để con cháu học hỏi, hiểu biết thêm về truyền thống, phong tục của dân tộc, đồng thời cũng là cơ hội để củng cố, phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pay-tai--my-tuc-cua-nguoi-tay-vao-dip-ram-thang-bay-post308156.html
Zalo