PAPI 2024: Gió đổi chiều và kỳ vọng từ cú hích cải cách
Khi tiếng nói của người dân được ghi nhận trong từng chỉ số, kết hợp với một cú hích cải cách thể chế sâu rộng và tinh gọn bộ máy hành chính đang được triển khai mạnh mẽ trong năm 2025, tất cả cho thấy kỳ vọng về một nền hành chính công hiệu quả và bao trùm hơn, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.
Vượt qua lối mòn nhiệm kỳ, hướng đến phục vụ bền vững
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (PAPI 2024) đã khép lại với những địa phương lên hoặc tụt hạng. Nhưng câu chuyện thực sự không nằm ở thứ hạng mà nằm ở điều người dân cảm nhận được: Sự chuyển mình của bộ máy công quyền, cách các cấp chính quyền đang dần lắng nghe và phục vụ tốt hơn. Mỗi năm một lần, Chỉ số PAPI lại “lên tiếng”, như một tấm gương phản chiếu cảm nhận của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Năm 2024, tiếng nói ấy vang lên với sắc thái “vừa quen vừa lạ”: Quen ở cách tiếp cận đặt người dân làm trung tâm, nhưng lạ ở những tín hiệu tích cực mới xuất hiện.
Một chi tiết khá thú vị tại buổi công bố Chỉ số PAPI 2024 vừa qua là câu hỏi đến từ Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Johan Ndisi. Ông hỏi nhóm tác giả xây dựng báo cáo: “Điều gì khiến các bạn ngạc nhiên nhất từ kết quả PAPI 2024?”. Trả lời câu hỏi này, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP Việt Nam cho biết, điều gây ngạc nhiên nhất là xu hướng điểm số tiếp tục tăng vào năm gần cuối nhiệm kỳ, thay vì giảm xuống như trước đây.
“Từ đầu tiên cho đến nay, chúng ta đã chứng kiến 16 năm chỉ số PAPI được công bố. Trong hai giai đoạn nhiệm kỳ trước (2011-2015 và 2016-2020), chúng ta thấy một mô hình lặp lại: Vào giữa nhiệm kỳ, tức năm thứ hai hoặc thứ ba, các địa phương làm tốt hơn, nhưng sau đó đến năm thứ tư, thứ năm thì điểm số PAPI lại giảm xuống. Tuy nhiên, năm 2024 là năm thứ tư của nhiệm kỳ hiện tại (2021-2026), vậy mà điểm số vẫn tiếp tục tăng. Đó là điều khiến tôi thật sự ngạc nhiên, cho thấy các chính quyền địa phương đã và đang lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời có những hành động cụ thể để giải quyết những vấn đề mà người dân kỳ vọng và mong đợi từ phía chính quyền”, bà Huyền nói và khẳng định, đây là “một sự ngạc nhiên tích cực”.
Kết quả khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công có những bước cải thiện đáng kể ở phạm vi toàn quốc. Người dân hài lòng hơn với điều kiện kinh tế quốc gia và hộ gia đình trong năm 2024 so với năm 2023, và có thể vì vậy đã đánh giá tích cực hơn về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Các chỉ số đo lường hiệu quả quản trị, hành chính công và dịch vụ công cho thấy sự chuyển biến khá tích cực ở hầu hết các chiều cạnh Chỉ số PAPI đo lường. Đáng chú ý nhất là mức độ cải thiện rõ rệt trong hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở cấp địa phương, phạm vi phủ sóng internet cũng như hiệu quả cung ứng dịch vụ công điện tử.
Tuy nhiên, đằng sau các chỉ số cải thiện, vẫn còn những khoảng “trống cần lấp đầy”. Khoảng cách cảm nhận giữa các nhóm dân cư vẫn là vấn đề trăn trở. Phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người tạm trú và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và dịch vụ công thấp hơn so với các nhóm dân cư khác. Chuyển đổi số dù đang được thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng rào cản về hạ tầng, thiết bị, kỹ năng và chi phí vẫn khiến không ít người dân khó tiếp cận. Bên cạnh đó, mặc dù đã có những bước tiến trong thực hiện chính quyền điện tử, tỉ lệ người dùng các cổng dịch vụ công cấp quốc gia và cấp tỉnh vẫn còn thấp so với các mục tiêu đặt ra. Chênh lệch trong điều kiện tiếp cận công nghệ và tính phức tạp của hệ thống thanh toán trực tuyến trên các cổng dịch vụ công tiếp tục cản trở người dân nghèo và người dân tộc thiểu số tiếp cận và khai thác dịch vụ hành chính công trực tuyến…

Trải nghiệm của người thực hiện thủ tục hành chính công trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, 2023-2024 (Nguồn: PAPI 2024)
Kỳ vọng trải nghiệm “hài lòng” hơn từ người dân
Để cải thiện và vượt qua những thách thức như vậy, PAPI 2024 nhấn mạnh rằng cần một cách tiếp cận đa chiều. Trong đó, để thu hẹp khoảng cách số đòi hỏi các giải pháp có mục tiêu cụ thể để đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ và kiến thức chuyển đổi số công bằng tới mọi người dân. Điều này không chỉ bao gồm việc chú trọng vào mở rộng hạ tầng, mà còn phải đầu tư cho đào tạo kỹ năng số, thiết kế lại quy trình dịch vụ công đơn giản, dễ tiếp cận với người sử dụng. Đặc biệt, cần có những chương trình hướng đến các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, không chỉ để họ được sử dụng dịch vụ công, mà còn để họ thực sự trở thành một phần trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh chuyển đổi số, một nội dung được đặc biệt nhấn mạnh trong PAPI 2024 là cải cách trong lĩnh vực quản trị đất đai. Đây là lĩnh vực vẫn thường xuyên bị đánh giá có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao. Việc cải thiện công tác công khai quy hoạch, minh bạch trong cấp quyền sử dụng đất là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả quản trị.
Nhưng có lẽ, thử thách lớn nhất, đồng thời cũng là cơ hội lớn nhất trong năm 2025, lại đến từ một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt: Công cuộc tinh gọn bộ máy; giảm số lượng tỉnh, thành phố (từ 63 xuống còn 34) và thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là những thay đổi rất lớn và tất yếu sẽ tác động sâu sắc đến phương thức cung cấp dịch vụ công, phân quyền, giám sát, cũng như cả cách đo lường hiệu quả quản trị như PAPI đang đo đếm. Đơn cử sắp tới đây, khoảng 1/3 công việc hành chính sẽ được chuyển lên cấp tỉnh và 2/3 chuyển về cấp xã. Điều này đồng nghĩa với việc xã sẽ không chỉ còn là cấp “thừa hành” như trước, mà sẽ trở thành đầu mối thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.
Sự thay đổi này đòi hỏi PAPI phải rà soát lại cấu trúc câu hỏi, có thể phải điều chỉnh các chỉ báo, thậm chí là xây dựng lại hệ thống phân tích để phù hợp hơn với thực tiễn. Đó cũng là lý do vì sao nhiều chuyên gia kỳ vọng PAPI 2025 sẽ là một phiên bản “đột phá” nhất từ trước đến nay, không chỉ phản ánh một thời điểm chuyển giao lớn, mà còn vì khả năng phát hiện những vấn đề sâu hơn, gắn với thực tế hậu sáp nhập đơn vị hành chính và trải nghiệm của người dân.
“Những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy nhu cầu cấp thiết và cơ hội to lớn của việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng thông qua các cải cách quản trị đang được triển khai trong năm 2025. Những phát hiện này gợi mở một lộ trình dựa trên bằng chứng thực tiễn hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị công lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam”, theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ để phát triển đất nước, Chỉ số PAPI, với vai trò là tấm gương phản chiếu tiếng nói người dân, sẽ tiếp tục là nguồn dữ liệu không thể thiếu để đo lường hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công ở cấp địa phương. Và nếu PAPI 2024 đã có những tín hiệu “ngạc nhiên tích cực”, thì năm 2025 sẽ là năm của kỳ vọng - kỳ vọng về một chính quyền không chỉ đổi mới từ trên xuống, mà còn chuyển động từ dưới lên.
PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
PAPI góp phần thay đổi nhận thức và hành động của hệ thống chính trị

Trong những năm qua, Chỉ số PAPI đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị hướng tới đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân, phục vụ phát triển bền vững đất nước… Năm 2025, Đảng và Nhà nước đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng một hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đã được Đảng chỉ ra, trong đó có bỏ cấp huyện, loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới một chính quyền gần dân hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Cuộc cải cách lần này chắc chắn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng đây là quyết định tất yếu, không thể không làm nếu muốn Việt Nam phát triển bứt phá, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra. Cuộc cải cách lần này chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc và phương thức hoạt động của các cấp chính quyền. Do đó, với vai trò là một tấm gương phản chiếu hoạt động của chính quyền, đề nghị UNDP tại Việt Nam cần nghiên cứu, thay đổi, bổ sung nội dung tiêu chí và cách thức điều tra cho phù hợp với bối cảnh mới.