'Pandora Papers' – Cơn sóng thần dữ liệu tài chính toàn cầu
Một kho dữ liệu 2,94 terabyte đã tiết lộ những bí mật của giới thượng lưu đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những người sử dụng các 'thiên đường trốn thuế' và công ty bình phong để mua rồi cất giấu tài sản, trốn thuế.
Họ bao gồm hơn 330 chính trị gia cùng 130 tỷ phú trong danh sách bình chọn của Forbes và những người nổi tiếng, những kẻ lừa đảo, buôn bán ma túy, các thành viên Hoàng gia và lãnh đạo các nhóm tôn giáo trên khắp thế giới.
Nhà báo, công nghệ và thời gian
Theo CNN, “Pandora Papers” là một cuộc điều tra quy mô lớn với sự tham gia, hợp tác của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia, đã làm sáng tỏ thế giới mờ mịt của ngân hàng nước ngoài và việc giới tinh hoa quyền lực cao sử dụng hệ thống này vì lợi ích của họ. "Pandora Papers" cho thấy cách người giàu trên thế giới che giấu tiền và tài sản của họ với chính quyền, chủ nợ và công chúng bằng cách sử dụng mạng lưới luật sư và tổ chức tài chính bí mật.
Hồ sơ này được xây dựng dựa trên 11,9 triệu hồ sơ bị rò rỉ cho Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Sau đó, ICIJ đã chia sẻ chúng với các phương tiện truyền thông đối tác như The Washington Post và The Guardian để giúp tiến hành điều tra. ICIJ đã dành hơn một năm để cấu trúc, nghiên cứu và phân tích lại các hồ sơ này. Nhiệm vụ của họ liên quan đến ba yếu tố chính: nhà báo, công nghệ và thời gian.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
"Đây là những tài liệu bí mật, bí mật từ các “thiên đường trốn thuế” và các chuyên gia nước ngoài, những người làm việc để giúp các cá nhân giàu có, quyền lực và đôi khi là tội phạm tạo ra các công ty vỏ bọc hoặc quỹ tín thác giúp che giấu tài sản hoặc trong một số trường hợp thậm chí giúp tránh nộp thuế", phóng viên cấp cao của ICIJ Will Fitzgibbon nói trong chương trình cuối tuần All Things Considered của đài NPR.
Cuộc điều tra dựa trên vụ rò rỉ hồ sơ bí mật của 14 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho các cá nhân và tập đoàn giàu có đang tìm cách kết hợp các công ty vỏ bọc, quỹ tín thác, quỹ và các tổ chức khác trong các khu vực pháp lý thấp hoặc không có thuế. Các thực thể cho phép chủ sở hữu che giấu danh tính của họ với công chúng và đôi khi với các cơ quan quản lý. Thông thường, các nhà cung cấp giúp họ mở tài khoản ngân hàng ở các quốc gia có quy định tài chính nhẹ nhàng hoặc không rõ ràng.
“Pandora Papers” đang làm rung chuyển thế giới.
2,94 terabyte dữ liệu bị rò rỉ cho ICIJ có nhiều định dạng khác nhau như dưới dạng tài liệu, hình ảnh, email, bảng tính… Hồ sơ cũng bao gồm một lượng lớn thông tin chưa từng có về những người được gọi là chủ sở hữu có lợi của các thực thể được đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles, Hong Kong, Belize, Panama, Nam Dakota và các khu vực pháp lý bí mật khác. Chúng cũng chứa đựng thông tin về các cổ đông, Giám đốc, CEO… Ngoài những người giàu có, nổi tiếng và khét tiếng, những người bị rò rỉ thông tin còn bao gồm chủ doanh nghiệp nhỏ, bác sĩ và những người giàu có.
Quốc vương Jordan Abdullah II.
Cách mới để tích lũy tiền
Trong khi một số tệp trong kho dữ liệu đến từ những năm 1960-1970 thì hầu hết các tệp được ICIJ xem xét đều được tạo từ năm 1996 đến năm 2020. Chúng bao gồm nhiều vấn đề: thành lập các công ty vỏ bọc, cơ sở và quỹ tín thác; việc sử dụng các thực thể đó để mua bất động sản, du thuyền, máy bay phản lực và bảo hiểm nhân thọ; việc sử dụng chúng để đầu tư và chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng; lập kế hoạch di sản và các vấn đề thừa kế khác; và việc tránh thuế thông qua các chương trình tài chính phức tạp. Một số tài liệu bị ràng buộc với tội phạm tài chính, bao gồm rửa tiền.
“Hệ thống tài chính offshore là vấn đề mọi cá nhân tuân thủ pháp luật trên thế giới cần quan tâm", Sherine Ebadi, cựu quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và từng lãnh đạo điều tra nhiều vụ án tài chính, nhận định và cho biết thêm rằng, công ty luật hàng đầu của Mỹ Baker McKenzie là một trong số những thực thể đứng đằng sau hệ thống “thiên đường trốn thuế” ở nước ngoài.
Danh sách “thiên đường trốn thuế” bao gồm một số địa điểm mà không ai có thể ngờ tới. Các công ty dịch vụ tài chính xuất hiện trong Pandora Papers hoạt động kinh doanh ở Belize, quần đảo Virgin của Anh, Cyprus, Thụy Sĩ, cũng như ở các bang của Mỹ gồm Nam Dakota và Delaware…
Công chúa Lalla Hasna của Morocco.
Và những cái tên
Hiện các cơ quan thuế ở Australia và Anh xác nhận rằng họ đang phân tích kho tài liệu bí mật mà ICIJ công bố để xem liệu có bằng chứng nào cho thấy một số cá nhân giàu có có tên trong này đã vi phạm luật thuế hay không.
Các tỷ phú và các nhà lãnh đạo thế giới hiện tại và cựu lãnh đạo thế giới có tên trong hồ sơ bao gồm cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc vương Jordan Abdullah II, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis, Tổng thống Cộng hòa Dominica Luis Abinader, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky…
Một số nhân vật nổi tiếng cũng xuất hiện như Shakira, Elton John, Ringo Starr và Claudia Schiffer đều bị ICIJ phanh phui việc thành lập các công ty bình phòng tại các “thiên đường trốn thuế” như quần đảo Virgin của Anh, Panama hoặc Bahamas.
Theo đó, Quốc vương Jordan Abdullah II đã chi hơn 100 triệu USD cho các bất động sản xa hoa ở Mỹ và châu Âu trong khi đất nước của ông rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị sâu sắc hơn. Tờ The Washington Post đưa tin, ba biệt thự bên bờ biển ở Malibu đã được Quốc vương Jordan mua thông qua 3 công ty nước ngoài với giá 68 triệu USD trong những năm sau cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab”.
Ngoài ra, vị vua 59 tuổi này cũng sở hữu ba căn hộ sang trọng trong một khu phức hợp ở thủ đô Washington D.C với tầm nhìn toàn cảnh ra sông Potomac và một ngôi nhà ở Ascot, một trong những thị trấn đắt đỏ nhất nước Anh, cùng với những căn hộ trị giá hàng triệu USD ở trung tâm thủ đô London.
Cuộc điều tra cũng cho thấy các cố vấn đã giúp Quốc vương Jordan Abdullah II, thành lập ít nhất 30 công ty bình phong từ năm 1995 đến năm 2017 để hỗ trợ ông mua 14 căn nhà trị giá hơn 106 triệu USD ở Mỹ và Anh. Các cố vấn này được xác định là một kế toán người Anh ở Thụy Sĩ và luật sư ở quần đảo Virgin thuộc Anh”. Tuy nhiên, cho đến nay, Quốc vương Abdullah II vẫn phủ nhận bất kỳ thông tin nào liên quan đến “Pandora Papers”.
Trong khi đó, Thủ tướng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Rashid Al Maktoum thì bị phát hiện là cổ đông của 3 công ty được đăng ký tại các khu vực pháp lý bí mật trong khi Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani thường xuyên sử dụng các công ty nước ngoài để đầu tư, quản lý tài sản. Trong một cuộc điều tra khác của ICIJ, có thông tin cho rằng, chiếc du thuyền sang trọng trị giá 300 triệu USD của Tiểu vương Tamim bin Hamad Al Thani được các công ty nước ngoài đứng tên.
Tại châu Âu, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair được xác nhận trở thành chủ sở hữu của một tòa nhà thời Victoria trị giá 8,8 triệu USD vào năm 2017 bằng cách mua một công ty ở quần đảo Virgin của Anh. Công ty luật của vợ ông là bà Cherie Blair cũng đã mua lại công ty từ gia đình Bộ trưởng Du lịch và công nghiệp Bahrain, Zayed bin Rashid al-Zayani. Cuộc điều tra cho thấy việc mua cổ phần của công ty thay vì tòa nhà ở London đã tiết kiệm cho vợ chồng ông Blair hơn 400.000 USD tiền thuế bất động sản.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis cũng rơi vào tình thế bất lợi trước thềm tổng tuyển cử toàn quốc, khi “Pandora Papers” cho thấy ông dùng công ty nước ngoài để mua bất động sản trị giá 22 triệu USD ở Pháp. Còn công chúa của Marocco Lalla Hasna thì bị phát hiện là chủ sở hữu của công ty bình phong để mua một ngôi nhà với giá 11 triệu USD tại trung tâm thủ đô London, gần cung điện Kensington. Theo các tài liệu, công chúa Lalla Hasna đã mua lại ngôi nhà bằng tiền của Hoàng gia.
Công ty của tỷ phú Erman Ilicak chịu trách nhiệm xây dựng Phủ Tổng thống mới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, một số tỷ phú cũng được “điểm danh” trong báo cáo bao gồm ông trùm xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ Erman Ilicak của Tập đoàn Ronesans Holding và Robert T. Brockman, cựu CEO của nhà sản xuất phần mềm Reynolds & Reynolds... Erman Ilýcak, người sáng lập Ronesans Holding đã thành lập hai công ty ở Thụy Sĩ dưới tên mẹ ông là Ayþe Ilýcak.
Một trong hai công ty này mang tên Covar Trading Ltd., đã nhận được 105,52 triệu USD vào năm 2015 và trong cùng năm đó, 104,48 triệu USD đã được chuyển từ tài khoản công ty đến một quỹ bí mật với danh nghĩa khoản “quyên góp”. Công ty còn lại, Dolmine International Ltd., đã nhận được 105,2 triệu USD vào năm 2015 và số tiền này được gửi vào tài khoản của ngân hàng Thụy Sĩ Banque Picet & Cie. Đáng chú ý, cả hai công ty đều không có hoạt động kinh tế nào trong năm 2016 và 2017.
Đặc biệt, Erman Ilýcak đã giành được những hợp đồng béo bở để xây dựng các nhà máy điện và bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ theo các dự án đối tác công-tư (PPP), cũng đã đạt được các hợp đồng xây dựng lớn ở Libya và tham gia vào công việc chuẩn bị để xây dựng một con kênh qua Istanbul với chi phí hàng chục tỷ USD. Deutsche Welle tính toán, nếu hai công ty này nộp thuế 210,7 triệu USD thì Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được 750 triệu liras Thổ Nhĩ Kỳ, đủ để trả lương hàng tháng cho 115.000 giáo viên ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc để xây dựng 25 trường học hoặc 8 bệnh viện…