PAN của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng rót hơn 11.755 tỷ vào chứng khoán

PAN Group cho biết các mảng kinh doanh có đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2025 gồm khử trùng và nông dược, giống cây trồng và gạo đóng gói, cá tra xuất khẩu, bánh kẹo.

CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, HoSE: PAN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 với doanh thu đạt gần 4.120 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt 16,8%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt gần 694 tỷ đồng, tăng 72 tỷ so với cùng kỳ.

PAN Group cho biết các mảng kinh doanh có đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận gồm khử trùng và nông dược, giống cây trồng và gạo đóng gói, cá tra xuất khẩu, bánh kẹo.

Doanh thu hoạt động tài chính của công ty trong kỳ đạt 187,6 tỷ đồng, tăng gần 52% so cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng 35% lên 141,6 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 115 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 21,5% lên mức 348 tỷ đồng; còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 1 tỷ, ở mức 156,2 tỷ đồng.

Khép lại quý 1/2025, PAN Group mang về 194,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi ròng đạt 107,7 tỷ đồng, tăng 29%.

Năm 2025, Tập đoàn PAN đặt kế hoạch doanh thu 17.256 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.210 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 672 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và mức cổ tức tối thiểu 5% nếu đạt kế hoạch.

Như vậy sau 3 tháng, PAN đã thực hiện được 23,8% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận năm.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại thời điểm cuối quý 1/2025, quy mô tài sản của PAN Group đạt hơn 25.871 tỷ đồng, tăng hơn 2.031 tỷ đồng so với đầu năm. Tăng mạnh là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với gần 12.594 tỷ đồng, tăng hơn 1.989 tỷ đồng và chiếm 49% tổng tài sản.

Trong đó, doanh nghiệp rót hơn 11.755 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, tăng 1.860 tỷ đồng so với đầu năm. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Tập đoàn PAN cho biết, khoản chứng khoán kinh doanh trên bao gồm chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng và không quá 12 tháng tại các ngân hàng thương mại và hưởng lãi suất áp dụng.

Nợ phải trả của công ty cũng tăng hơn 1.888 tỷ đồng trong 3 tháng, ở mức hơn 16.868 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2025. Trong đó, vay nợ ngắn hạn chiếm hơn 14.062 tỷ đồng, tăng hơn 2.569 tỷ đồng so với đầu năm. Vay dài hạn hơn 108 tỷ đồng. Các khoản vay của PAN chủ yếu là từ ngân hàng.

Mới đây, tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 23/4, khi được hỏi về sự tác động của chính sách thuế quan của Mỹ đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN chia sẻ: “Tôi có thể khẳng định rằng tác động của thuế quan Mỹ đối với chúng tôi hiện tại là không lớn. Thực tế, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, ngay cả trong ngành tôm của Tập đoàn, cũng rất nhỏ. Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thì ảnh hưởng trực tiếp chủ yếu chỉ có xuất khẩu tôm. Mặc dù chúng tôi đã nhận thức vấn đề thuế quan Mỹ trong nhiều năm, nhưng đã chủ động chuẩn bị trước cho tình huống này.”

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết thêm: “Từ sau đại dịch Covid-19, Công ty đã tái cấu trúc lại thị trường, sản phẩm, tập trung vào sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong đó, tại Khang An, Công ty tập trung xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt ở Anh. Tại Thực phẩm Sao Ta (FMC), nhà nhập khẩu Mỹ đã thúc đẩy Công ty xuất khẩu nhanh, nhưng mất 45 ngày vận chuyển trên đường, Công ty chỉ có 45 ngày để sản xuất, sản lượng xuất khẩu đạt 80% kế hoạch và sản lượng sản xuất chỉ còn 20% trong ba quý còn lại".

“Tác động thuế ở kịch bản xấu nhất cũng không tác động tới Tập đoàn PAN trong năm 2025, từ năm 2026, Tập đoàn sẽ tăng cường cao cấp sản phẩm, đồng thời hướng tới các thị trường gần hơn”, bà My cho biết thêm.

Minh Vy

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/pan-cua-chu-tich-nguyen-duy-hung-rot-hon-11755-ty-vao-chung-khoan-245958.html
Zalo