Pakistan đóng không phận với máy bay Ấn Độ, nhiều chặng bay bị ảnh hưởng nặng

Cuối ngày 24/4, chính quyền Pakistan tuyên bố đóng không phận đối với các hãng hàng không Ấn Độ, khiến nhiều chặng bay từ Ấn Độ đi về hướng Tây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đóng cửa không phận, đình chỉ thương mại

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Pakistan tuyên bố đóng không phận đối với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành.

Bên cạnh đó, Pakistan tuyên bố ngừng mọi hoạt động thương mại với Ấn Độ, bao gồm cả hoạt động thông qua quốc gia trung gian, đình chỉ cấp thị thực cho công dân Ấn Độ và sẽ xem xét lại tất cả các hiệp định song phương, bao gồm cả Thỏa thuận Simla năm 1972, vốn là văn kiện định hình nguyên tắc quan hệ giữa hai bên sau chiến tranh.

Các hãng bay Ấn Độ sẽ bị cấm vào không phận Pakistan. (Ảnh: Business Standard)

Các hãng bay Ấn Độ sẽ bị cấm vào không phận Pakistan. (Ảnh: Business Standard)

Islamabad cũng bác quyết định đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nước sông Indus, gọi đó là hành động xâm phạm chủ quyền và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng nước sẽ bị coi là hành động gây chiến xứng đáng bị đáp trả mạnh mẽ.

Văn phòng Thủ tướng Pakistan khẳng định sẽ tạm dừng mọi hiệp định song phương đến khi Ấn Độ chấm dứt những hành động mà phía Pakistan coi là gây bất ổn bên trong Pakistan.

Động thái trên được coi là phản ứng của Pakistan sau khi New Delhi cáo buộc có yếu tố xuyên biên giới liên quan đến vụ tấn công khiến 26 du khách thiệt mạng tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 23/4 và thực hiện biện pháp ngoại giao mạnh mẽ với Pakistan.

Cụ thể, Ấn Độ cũng đồng thời hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan, trục xuất một số nhà ngoại giao,đình chỉ hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Indus từ năm 1960, đóng cửa khẩu chính kết nối hai quốc gia và đình chỉ, thu hồi thị thực với công dân Pakistan.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ truy đuổi đến cùng đối với những kẻ đứng sau vụ thảm sát tại Kashmir, nhưng không nhắc đến Pakistan.

Nhiều hãng hàng không bị ảnh hưởng

Theo báo Indian Express, quyết định của Pakistan về việc đóng không phận đối với hãng bay Ấn Độ gây khó khăn trong công tác vận hành, làm gia tăng chi phí cho các chuyến bay quốc tế hướng Tây, đặc biệt là những chuyến bay khởi hành từ miền Bắc Ấn Độ.

Ngay sau lệnh cấm được công bố, nhiều hãng bay đã thông báo tới hành khách về những bất tiện có thể phát sinh.

"Do lệnh cấm bay qua không phận Pakistan, một số chuyến bay của Air India đến Bắc Mỹ, châu Âu, Anh và Trung Đông phải đổi hướng và bay vòng xa hơn. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này và nhấn mạnh rằng an toàn của hành khách và phi hành đoàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", hãng hàng không Air India cho biết trên mạng xã hội X.

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng khiến ít nhất 26 người thiệt mạng ở vùng Kashmir. (Ảnh: AFP)

Hiện trường vụ xả súng kinh hoàng khiến ít nhất 26 người thiệt mạng ở vùng Kashmir. (Ảnh: AFP)

IndiGo, hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ hiện nay, cũng đã thông báo đến hành khách về việc một số chuyến bay quốc tế của hãng bị ảnh hưởng. Trong đó nhiều chuyến bay của IndiGo đến khu vực Caucasus phải điều chỉnh thời gian bay tăng thêm 1,5 tiếng.

Lệnh đóng cửa không phận ảnh hưởng trực tiếp đến các chuyến bay của nhiều hãng bay Ấn Độ đến Trung Á, khu vực Caucasus, Tây Á, châu Âu, Anh và Bắc Mỹ. Các chuyến bay này buộc phải bay vòng xa hơn về phía Nam Ấn Độ, kéo dài thời gian và làm tăng lượng nhiên liệu tiêu thụ, có thể khiến giá vé tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, các hãng hàng không quốc tế không liên quan đến Ấn Độ vẫn có thể bay qua không phận Pakistan, tạo ra lợi thế cạnh tranh về chi phí so với các hãng bay do Ấn Độ sở hữu hoặc vận hành.

Hiện chưa có đánh giá tài chính cụ thể liên quan đến lệnh đóng cửa không phận từ phía Pakistan đối với hãng bay Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong đợt đóng không phận gần nhất, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7/2019, các hãng hàng không Ấn Độ đã thiệt hại khoảng 7 tỷ rupee (hơn 2.100 tỷ đồng) do chi phí nhiên liệu tăng và những trở ngại trong vận hành khi phải đổi hướng bay. Nhiều chặng bay phải kéo dài thời gian thêm ít nhất 70-80 phút.

Hãng bị ảnh hưởng nặng nhất khi đó là Air India do có mạng lưới bay quốc tế xa rộng nhất trong các hãng của Ấn Độ, đặc biệt đến châu Âu và Bắc Mỹ. Air India hiện cũng là hãng duy nhất của Ấn Độ vận hành các chuyến bay đường dài và siêu dài đến các khu vực này.

Lưu Gia Huy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/pakistan-dong-khong-phan-voi-may-bay-an-do-nhieu-chang-bay-bi-anh-huong-nang-192250425022153407.htm
Zalo