Pakistan cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí

Pakistan, quốc gia ô nhiễm thứ ba thế giới, cần áp dụng chính sách mạnh mẽ như siết chặt khí thải giao thông, thực thi các tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu nghiêm ngặt... và cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tác động tiêu cực đến mọi mặt xã hội

Các chỉ số chất lượng không khí ở Pakistan liên tục vượt ngưỡng nguy hiểm, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe. Năm 2024, nồng độ hạt vật chất trung bình (PM2.5) ở mức 73,7 microgam/mét khối, tăng 14% so với năm 2019. Tại thành phố lớn thứ hai của đất nước - Lahore, chất lượng không khí chỉ đạt tiêu chuẩn PM2.5 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 7 ngày suốt 5 năm qua. Điều này khiến Pakistan trở thành quốc gia ô nhiễm thứ ba trên toàn cầu.

Pakistan là quốc gia ô nhiễm thứ ba trên thế giới. Ảnh: Foreign Policy

Pakistan là quốc gia ô nhiễm thứ ba trên thế giới. Ảnh: Foreign Policy

Tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra những thách thức đáng kể đến mọi mặt đời sống của người dân Pakistan. Chất lượng không khí kém làm gia tăng số ca nhập viện, đặc biệt là trong mùa khói bụi - chỉ riêng trong tháng 11.2024, đã có 70.000 trường hợp liên quan đến đường hô hấp được báo cáo.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, ô nhiễm không khí ngoài trời ở Pakistan gây ra 22.000 ca tử vong sớm. Ô nhiễm trong nhà gây ra 40 triệu ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và 28.000 ca tử vong mỗi năm. Chỉ số chất lượng không khí năm 2024 báo cáo rằng, chất lượng không khí kém làm giảm tuổi thọ trung bình từ 3,9 năm lên tới 7 năm ở các thành phố ô nhiễm cao như Lahore, Peshawar, Gujranwala và Rawalpindi. Các bệnh viện đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gây thêm căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải của Pakistan.

Không những vậy, ô nhiễm không khí còn gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Theo WB, chi phí y tế do ô nhiễm không khí và tổn thất năng suất khiến Pakistan mất khoảng 6,5% GDP hàng năm. Chất lượng không khí kém làm giảm năng suất làm việc của người lao động, tăng tình trạng nghỉ việc do bệnh tật và làm suy yếu chức năng nhận thức, ảnh hưởng đến người lao động.

Vào mùa sương mù hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 2, càng làm gián đoạn vụ mùa nông nghiệp, chặn ánh sáng mặt trời và lắng đọng các chất ô nhiễm có hại vào cây trồng, làm giảm năng suất và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Gánh nặng kinh tế đổ lên vai những người nông dân và lao động không chính thức trong nền kinh tế việc làm tự do, những người không có đủ nguồn lực tài chính để tự bảo vệ mình khỏi ô nhiễm.

Thêm vào đó, ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng bất bình đẳng xã hội. Phụ nữ và trẻ em phải chịu gánh nặng không cân xứng, đặc biệt là từ ô nhiễm không khí trong nhà. Nhiều phụ nữ ở vùng nông thôn chỉ có thể phụ thuộc vào củi, viên nén sinh khối hoặc khí đốt tự nhiên để nấu ăn, khiến họ tiếp xúc với các chất ô nhiễm có hại. Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ mới biết đi trong các hộ gia đình có thu nhập thấp, có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn do tiếp xúc lâu với khói sinh khối.

Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng sang cả ngành giáo dục. Những học sinh theo học tại các trường gần khu vực có lưu lượng giao thông cao, tiếp xúc hàng ngày với lượng ô nhiễm không khí nặng nề đã bị ảnh hưởng cả về sức khỏe thể chất và thành tích học tập. Ở Punjab, tình trạng khói bụi ngày càng trầm trọng thường dẫn đến việc đóng cửa trường học, tác động thêm đến các gia đình.

Cần một cách tiếp cận đa chiều

Các chuyên gia nhận định, Pakistan cần một cách tiếp cận đa chiều để giải quyết tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Dữ liệu chất lượng không khí phải được cung cấp miễn phí để có thể xác định chính xác nguồn ô nhiễm và can thiệp có mục tiêu. Việc người dân được dễ dàng tiếp cận dữ liệu này sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình và trao quyền cho cộng đồng yêu cầu không khí trong lành hơn.

Ngành giao thông - tác nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí đô thị, cần có hành động quản lý khẩn cấp. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, khí thải từ phương tiện chiếm từ 5% đến hơn 80% tổng lượng ô nhiễm, nhưng sự không nhất quán của dữ liệu cản trở việc hoạch định chính sách hiệu quả. Pakistan phải thực thi các tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu chặt chẽ hơn, triển khai thử nghiệm khí thải thường xuyên và thiết lập các chương trình kiểm tra xe toàn diện. Việc tăng cường thu thập dữ liệu và nghiên cứu phân bổ nguồn sẽ hỗ trợ các quyết định chính sách dựa trên bằng chứng và kiểm soát ô nhiễm lâu dài.

Chính sách "Không khí Sạch Quốc gia 2023" đặt mục tiêu nâng cấp các tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu lên Euro-6 vào năm 2030. Thành công của chính sách này phụ thuộc vào việc thực thi nghiêm ngặt hơn là các mục tiêu chất lượng không khí. Việc đặt giới hạn PM2.5 ở mức 35 microgam/mét khối - cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị 5 microgam trên mét khối của WHO - sẽ làm suy yếu các nỗ lực cải thiện chất lượng không khí và có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

Việc điều chỉnh các mốc thời gian tạm thời theo các tiêu chuẩn của WHO là điều cần thiết để đạt được những tiến bộ có ý nghĩa. Các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu giúp giảm ô nhiễm không khí có thể cứu sống hàng triệu người. Hiện Pakistan vẫn chưa chính thức cam kết thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0.

Việc cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ hạn chế phát thải khí nhà kính và giảm phát thải các chất ô nhiễm khác từ các lĩnh vực chính bao gồm công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp.

Pakistan cũng cần triệt để về việc đốt mùa màng ở Punjab. Các chiến dịch nâng cao nhận thức, trợ cấp cho máy móc nông nghiệp và tiếp cận hành chính có thể làm giảm sự phụ thuộc vào việc đốt mùa màng. Giám sát vệ tinh theo thời gian thực và hình phạt nghiêm khắc đóng vai trò răn đe. Thiết kế chính sách hiệu quả phải cân bằng giữa các biện pháp khuyến khích và thực thi, bảo đảm khả năng mở rộng, hiệu quả về chi phí và sự tuân thủ của người nông dân. Sự hợp tác giữa các cơ quan và quản trị thích ứng có thể tăng cường quản lý khí thải dài hạn.

Cách tiếp cận của Pakistan đối với quản lý chất thải cũng cần được tái phát triển. Chính phủ phải thu hút khu vực tư nhân cải thiện các cơ sở tái chế và thực hiện các chiến lược xử lý chất thải bền vững. Cấm đốt tàn dư cây trồng mà không đưa ra các giải pháp thay thế khả thi là không hiệu quả. Thay vào đó, Pakistan phải đầu tư vào các hệ thống quản lý chất thải nông nghiệp hiện đại cho phép nông dân chuyển đổi rơm rạ thành các sản phẩm phụ hữu ích, thay vì phải đốt.

Việc dựa vào các tháp làm sạch khói bụi hoặc mưa nhân tạo ở các khu vực đông dân cư của Pakistan là không đủ để ngăn chặn ô nhiễm. Chính vì vậy, Chính phủ phải thực hiện các biện pháp chính sách mạnh mẽ: thắt chặt các quy định về khí thải giao thông, thực thi các tiêu chuẩn chất lượng nhiên liệu chặt chẽ hơn, cải thiện quản lý chất thải, giảm sự phụ thuộc vào việc đốt cây trồng và cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, từ đó sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí, mang lại cuộc sống mạnh khỏe cho người dân cũng như phát triển nền kinh tế.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pakistan-cai-thien-tinh-trang-o-nhiem-khong-khi-10372808.html
Zalo