Pagan, Myanmar huyền bí

Ngược dòng sông Irrawaddy, trên bờ phía Đông là một cánh đồng trải đầy bụi vàng đưa ta đến vùng Pagan, một trong những nơi linh thiêng, huyền bí nhất trên thế giới. Một bầu không khí tĩnh lặng bao trùm khu rừng với nhiều ngôi chùa Phật giáo đã được xây dựng trải qua hàng thế kỷ.

Sáng sớm tinh mơ ở Pagan, cây cỏ đan xen nhau trong ánh bình minh đặc trưng của vùng vành đai Myanmar. Các vị tu sĩ, với những chiếc bình bát phủ một lớp sơn màu vàng nhẵn bóng, đi ra khỏi khu rừng theo một hàng dài, lớp lớp các bình bát xen lẫn với những chiếc áo nhà tu màu son thắm đỏ. Họ đi vào làng khất thực, nhận phẩm vật từ những người dân trong làng hiến cúng. Bao trùm lấy họ là ánh nắng mặt trời không ngừng chiếu sáng xuống ngôi làng nhỏ tĩnh lặng, bên một cánh đồng trồng lạc, vừng chấm phá bởi những cây xương rồng cùng với âm thanh kẽo kẹt của những chiếc xe bò hòa âm với tiếng chim hót líu lo giữa bình minh rực rỡ.

Xung quanh làng, xa xa là những lùm cây, nối liền bởi những con đường cát với hàng trăm, hàng ngàn ngôi chùa, đền và tháp, được làm bằng sa thạch, gạch đỏ hoặc được phủ vàng, thường có tuổi thọ hàng ngàn năm. Có thể nói rằng đây là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới mà chúng ta nên du thưởng (...), nơi đã làm cháy bỏng tâm hồn nhà thám hiểm người Ý Marco Polo trong cuốn biên niên sử của ông (năm 1928), mà ông chẳng thể đặt chân tới được. Và khi mặt trời lên, chúng ta có thể nhìn thấy từ xa một thứ ánh sáng óng ánh tuyệt diệu. Bởi lẽ, đó là một cánh đồng rộng của vùng Phật giáo hoang sơ tồn tại trên thế giới, nơi cuốn hút tất cả mọi người Đông Nam Á, và là một nơi đặc biệt của lòng tín ngưỡng cổ xưa... “Không thể có sự tương đồng, không thể có bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới mà người ta có thể tìm thấy một sự tập hợp các công trình tôn giáo nhiều như vậy. Ngay ở Pháp, người ta cũng không thể quyết định xây tất cả các nhà thờ cái này kề bên cái kia!”, Jacque Leider - sử gia Trường tiếng Pháp Viễn Đông (EFEO) ở Rangoon - giải thích.

So với Angkor đương đại, Pagan ít được nhiều người biết đến hơn; đến nỗi cảm thức thẩm mỹ của du khách trong sự khám phá giữa hai nơi hầu như không có gì khác biệt. Ngày nay, Pagan vẫn không bao giờ ruồng bỏ những khu rừng rậm, dù nơi đó hiện có hàng trăm ngàn cư dân. Jacques Leider nói thêm: “Chính sự bền vững lâu dài, sự tiếp nối trong lịch sử kể từ lúc hình thành đã làm nên một Pagan quyến rũ”.

Pagan được xem như là cái nôi của nền văn minh Myanmar. Thành phố cổ này hiện có khoảng 2.826 ngôi chùa, lăng tẩm, tu viện và các đền đài khác.

Trước tiên là phong cảnh: sự uốn khúc mềm mại của dòng Irrawaddy nổi tiếng, được ví như sông Nil ở Myanmar, với màu mê-tan chảy dài từ Bắc đến Nam, suốt từ biên giới Tây Tạng cho đến bờ biển Andaman hơn 2.200km, không có bất kỳ một cái đập nào. Ôi! Ở Myanmar, chỉ có sông là bình yên. Trung tâm Pagan, nơi “Chén bụi” của cả nước, là một thành phố thiên đường được hình thành khoảng năm 849. Đó là kinh đô của vương quốc đầu tiên của người Myanmar (từ thế kỷ XI đến XIII). Phố buôn bán, khu quân sự và tôn giáo nằm trên bờ hướng Đông của dòng Irrawaddy, là cửa ngõ giao thương với Ấn Độ, Trung Quốc và Malaysia.

Pagan được xem như là cái nôi của nền văn minh Myanmar. Thành phố cổ này hiện có khoảng 2.826 ngôi chùa, lăng tẩm, tu viện và các đền đài khác. Theo yêu cầu của UNESCO, Pierre Pichard, một giáo sư nghiên cứu ở EFEO, đã thực hiện một công trình nghiên cứu đặc biệt từ năm 1982 đến 1992, ông nghiên cứu toàn bộ kiến trúc của những công trình nghệ thuật này. Đáng lưu ý, trong 230 năm trị vì, các vua chúa Pagan đã xây dựng mỗi năm khoảng 20 ngôi chùa, và trong khoảng thời gian đó, số lượng đền chùa đạt được một con số ấn tượng là 4.440! Những ngôi chùa này mang đậm nét đặc trưng của Myanmar: không một đất nước châu Á nào lưu lại những lời dạy của Đức Phật nhiều như ở Pagan, không có thành phố nào của Myanmar thiêng liêng và được tôn sùng bằng Pagan.

Tiếp theo là sự sắp xếp và cảnh quan. Có thể bắt đầu bằng chùa Shwezigon, được xem như là khuôn mẫu của chùa tháp Myanmar. Du khách bước vào chùa theo hướng Đông, vì tượng Phật được tôn trí theo hướng này dưới cây bồ-đề. Chạm nhẹ bằng chân trần, người ta có thể cảm nhận được một cảm giác nóng và ẩm dưới từng viên gạch lát nền. Vòm cao của ngôi chùa được bao phủ bởi những tấm ngói hình chiếc lá mạ vàng. Đây đó bên trong chùa còn có các báu vật, chẳng hạn như một mảnh xương trán hay một bản sao xá-lợi răng Phật. Đây cũng là nơi mà vị hoàng đế đầu tiên của Pagan, Anawrahta, cùng thời với Guillaume le Conquérant, xây dựng kinh đô.

Trong bầu không khí nóng ấy là hình ảnh Đức Phật điềm nhiên tĩnh tọa, những vòng hoa nhài, các vị tu sĩ, người hành hương, cũng như sự di chuyển nhẹ nhàng của các chú dơi, tiếng ngân vang của ve sầu, tiếng loong coong nhẹ nhàng của những chiếc chuông vàng, chuông bạc được treo ở các lăng hình chuông khi làn gió nhẹ lướt qua; cũng không thể quên những con sóc nhỏ màu xám rất dễ thương, và cũng rất thiêng liêng ở những nơi này...

Gần cửa vào chùa là một tòa nhà nhỏ màu vàng, nơi có 37 vị thần dân gian được công nhận chính thức trong chùa Myanmar, bắt đầu từ thần Anawrahta. Người ta cũng có thể thấy các vị thần này ở nhiều nơi linh thiêng khác của cả nước, như ở núi Popa, gần Pagan. Những pho tượng vua núi nổi tiếng Grand Montagne, Bà Popa, hoàng đế chín thành phố Neuf Villes, Bà núi vàng Franc D’or, hoàng hậu Courge Doreé... khoác những tấm vải màu rực rỡ với những đồ trang sức lộng lẫy. Họ có vẻ rất gần gũi và quen thuộc đối với người dân Pagan. Sự tôn thờ các vị thần linh là đạo gốc của người Myanmar, đã phát triển ở thời kỳ tiền Phật giáo trong lúc thuyết linh vật ngự trị hoàn toàn lãnh thổ. Nhận thấy không thể kiềm chế sự phát triển của niềm tôn sùng phổ biến này, nhà vua Anawrahta đã chính thức cho thờ cúng các vị thần dân gian trong những ngôi chùa Phật giáo - một chuyên gia thế giới về thần dân gian, Bénédicte Brac de la Perrìere, phụ trách nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu CNRS và là Phó Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, đã cho biết như vậy. Ngay cả những người sùng đạo Phật nhất cũng bị thuyết phục và thờ cúng thần linh ở khắp nơi. Vì vậy, người Myanmar chia sẻ sự thành kính của họ với Đức Phật và với các vị thần: họ gởi gắm tương lai của họ ở Đức Phật, còn những vấn đề tồn tại của cuộc sống hiện tại thì ở các vị thần.

Ở Pagan, ngôi chùa Ananda rất được dân chúng sùng bái. Nơi đây có một bộ sưu tập độc nhất trên thế giới về Jakatas bằng gạch vuông tráng men, minh họa cho 547 câu chuyện về tiền thân của Đức Phật. Chùa Cheuve cũng là một nơi hết sức đặc biệt. Shwesandaw, một nữ tu coi giữ nơi tôn nghiêm này cho biết: người ta cố gắng leo lên 5 sân thượng nơi đây để theo dõi và ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn. Còn Gubyaukgyi là ngôi chùa hang vĩ đại với những bức tranh tường lộng lẫy, được làm cùng lúc với thời gian xây dựng ngôi chùa - năm 1113. Cuối cùng là chùa Payathonthonzu với một tập hình ảnh tranh tường kéo dài vô tận (thế kỷ XIII), cũng là nguyên do xâm lược của Kubilay Khan.

Pagan tuy khô khốc nhưng không phải chỉ có đá. Người ta cũng sẽ ấn tượng bởi những khách sạn và cung cách đón tiếp của họ; những nhà hàng gần hồ nước, một không gian yên tĩnh đáng ngạc nhiên giữa xứ sở khắc kỷ này; tiếng cười của những thiếu nữ có mái tóc huyền với đôi má hồng nép mình trong cửa gỗ hoa văn nhiều màu có tuổi thọ 800 năm... Khi mặt trời lên soi sáng cả đồng bằng, ánh nắng chiếu vào những khe cửa, lấp lánh, nóng nực, làm hóa lỏng bầu trời và bầu không khí đậm đặc. Thỉnh thoảng ta lại bắt gặp những người lính canh đơn độc trên những triền sông Irrawaddy. Gió thổi qua các ngôi chùa cổ - những ngôi chùa, đền đài và bảo tháp như những ngôi sao bất chợt trên mặt đất, có giá trị lịch sử không bao giờ mai một: lịch sử của tôn giáo hơn là các nền chuyên chính...

Văn Bình (Theo Le Figaro)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/pagan-myanmar-huyen-bi-post555.html
Zalo