Otto Kusel - tội phạm đặc biệt tại trại tử thần Auschwitz

Trong trại tập trung Auschwitz thời Thế chiến 2, Otto Kusel đã sử dụng vị trí đặc quyền của mình là 'tội phạm chuyên nghiệp' để giúp đỡ, cứu mạng hàng trăm tù nhân khác. Tên tuổi của Otto Kusel dù nhiều người chưa biết, nhưng đã được vinh danh trong dịp kỷ niệm 80 năm giải phóng 'trại tử thần' của Đức Quốc xã dịp đầu năm 2025.

Ở Đức ít người biết Kusel là ai. Câu chuyện của ông bắt đầu nổi lên từ cuốn sách do nhà văn kiêm nhà báo Sebastian Christ viết. Bản thân tác giả chỉ tình cờ nghe nói đến Kusel trong một dịp trò chuyện với ông Kazimierz Smolen - Giám đốc bảo tàng Auschwitz-Birkenau vào năm 2003. Ông Kazimierz Smolen đã gặp Kusel khi cả 2 đều bị giam cầm ở trại Auschwitz và cho rằng, câu chuyện về tù nhân tốt bụng này phải được kể lại. Ký giả Christ đã dành gần 22 năm để tìm hiểu về câu chuyện này và khi ghé một khu chợ trời, ông tình cờ nhìn thấy cuốn sách cũ có đăng bài phỏng vấn duy nhất mà Kusel từng thực hiện với một tổ chức sinh viên.

Chân dung Otto Kusel khi bị đưa đến trại Auschwitz tháng 5-1940

Chân dung Otto Kusel khi bị đưa đến trại Auschwitz tháng 5-1940

Otto Kusel là ai?

Otto Kusel sinh ra ở ngoại ô Berlin vào năm 1909. Năm 14 tuổi, ông học nghề thợ điện nhưng bỏ ngang vì thích tự chủ hơn là làm theo chỉ dẫn. Ông bắt đầu bán dây giày, rồi nông sản, nhưng sống ở nước Đức sau cuộc đại suy thoái năm 1929 là không hề dễ dàng. Sau vài lần vướng pháp luật vì tội trộm cắp và đột nhập, Kusel đã phải vào tù. “Ông ấy chắc chắn có vấn đề với chính quyền và cũng có thể là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Tuy nhiên, đó cũng là người có ý thức công lý tuyệt vời và rất nhạy bén khi một nhóm người tự đặt mình lên trên toàn bộ cộng đồng” - nhà báo Christ chia sẻ.

Khi Đảng Quốc xã nắm quyền vào năm 1933, một người như Kusel không phù hợp chút nào với hình ảnh người Đức lý tưởng. Ông bị coi là “tội phạm chuyên nghiệp”. Theo luật pháp thời đó, những người bị kết án ít nhất 3 lần vì tội trộm cắp có thể bị đưa đến trại tập trung mà không cần lệnh của tòa án. Năm 1937, Kusel bị Gestapo (cơ quan mật vụ thuộc lực lượng SS của Đức Quốc xã) triệu tập rồi bị đưa đến trại tập trung Sachsenhausen ở ngoại ô Berlin. Ông trùm SS khi đó là Heinrich Himmler muốn xây dựng một “cộng đồng quốc gia không có tội phạm” hay các thành phần “phi xã hội”, nên những người như Kusel phải bị giam giữ vĩnh viễn vì “lợi ích của xã hội”.

Kusel được giao một vai trò đặc biệt trong trại tập trung. Ông trở thành một “viên chức tù nhân” (tù nhân được hưởng đặc quyền, có nhiệm vụ hỗ trợ lính canh, còn được gọi là Kapo). Chính quyền Quốc xã tin rằng “tội phạm chuyên nghiệp” là Kapo lý tưởng vì họ không có hệ tư tưởng, không hình thành mạng lưới ngầm. Kapo cũng không giống như những người cộng sản, dân chủ xã hội hay các tù nhân chính trị khác. Công việc của họ là phân công công việc cho các tù nhân khác. Kapo được coi là những bánh răng nhỏ trong cỗ máy giết người của các trại tập trung và đảm bảo rằng các tù nhân sẽ chết vì kiệt sức. Hầu hết Kapo đều thực hiện chính xác những gì nước Đức Quốc xã muốn. Một trong những Kapo khét tiếng nhất là Bruno Brodniewicz (tù nhân đầu tiên nhập trại, còn được gọi là Tù nhân số 1). “Brodniewicz là một con thú, hắn còn có biệt danh là “Cái chết đen” - một người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust sau này kể lại. Nhưng Otto Kusel thì lại khác.

Bức tranh mô tả cuộc trốn thoát khỏi trại tập trung tử thần Auschwitz, trong đó có Kusel

Bức tranh mô tả cuộc trốn thoát khỏi trại tập trung tử thần Auschwitz, trong đó có Kusel

“Kapo” đặc biệt

Kusel bị đưa đến Auschwitz vào tháng 5-1940, khi trại mới thành lập và do tên cai ngục khét tiếng Rudolf Hoss quản lý. Trong 2 năm đầu tiên, trại tử thần của Đức Quốc xã chủ yếu giam giữ những tù nhân Ba Lan không phải người Do Thái.

Trong thời gian ở trại Sachsenhausen, Kusel nhận ra lính SS là công cụ khủng bố quan trọng nhất mà chế độ Đức Quốc xã sử dụng. Ông cảnh báo những tù nhân mới đến không được tự nhận mình là học giả hoặc sĩ quan quân đội, vì điều này có thể tương đương với án tử hình. Ông cũng sẽ chỉ định những tù nhân kiệt sức nhất làm việc trong bếp để có thể tiếp cận nhiều thức ăn hơn. Văn phòng nhỏ của ông đã trở thành địa điểm của hy vọng, bởi nó mang đến sự an ủi và trợ giúp những người đang cố gắng trốn thoát. Nhìn bên ngoài, Kusel có vẻ rất chăm chỉ và cố gắng không để lộ ra cho những Kapo khác biết. “Các câu chuyện được truyền lại cho thấy, Kusel đã mang đến một góc nhìn mới cho những người sống trong địa ngục” - ký giả Christ chia sẻ. Ông cũng đồng thời cho biết thêm, Kusel thậm chí còn học tiếng Ba Lan để hiểu những người bạn tù của mình, trong khi lính canh SS hoặc những Kapo khác đều không nói được ngôn ngữ này.

Tù nhân Boleslaw Grzyb nhớ lại, Kusel đã nhìn sĩ quan giám thị Gerhard Palitzsch và nói với Grzyb bằng tiếng Ba Lan trôi chảy: “Hãy nhìn và nhớ khuôn mặt của tên tội phạm này”. Palitzsch khét tiếng bởi sự tàn ác khi nhiệm vụ hàng ngày của gã là báo cáo về số lượng tù nhân và giám sát các hình phạt. Lời chào thông thường của ông đối với những tù nhân mới luôn là: “Quên vợ, con và gia đình của các người đi. Ở đây các người sẽ chết như những con chó”.

Auschwitz là một trong số những trại tập trung khét tiếng tàn bạo nhất của Đức Quốc xã

Auschwitz là một trong số những trại tập trung khét tiếng tàn bạo nhất của Đức Quốc xã

Người hùng ở Ba Lan

Tháng 12-1942, Kusel biết các tù nhân Ba Lan có một kế hoạch đào thoát khỏi trại Auschwitz. Ông phải đối mặt với lựa chọn là báo cáo với giám thị hoặc gia nhập cùng những kẻ chủ mưu. Cuối cùng ông quyết định tham gia cùng các tù nhân và mua một chiếc xe ngựa (với lý do là để chở tủ cho một sĩ quan SS). Hai người trong nhóm trốn trại được phân công đi cùng ông để giả vờ hỗ trợ khuân vác. Người thứ tư tên là Boleslaw Kuczbara đã đánh cắp một bộ quân phục SS giả làm giám sát viên. Họ đã liên lạc với những du kích kháng chiến bên ngoài và trốn thoát thành công.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, Kusel dường như đã bị phản bội bởi một người phụ nữ ghen tuông. Cô ta yêu Kusel, nhưng khi thấy ông đi cùng con gái của gia đình đang che chở ông thì nghi ngờ họ có quan hệ tình cảm. Vì vậy, 9 tháng sau, Küsel bị bắt trở lại Auschwitz. Lần này ông bị giam khu 11 - dãy tử tù. Mỗi ngày, họ đều chờ đợi để ra pháp trường. Tuy nhiên, số phận đã mỉm cười với ông. Giám đốc trại Rudolf Hoss bị cách chức và người kế nhiệm đã ra lệnh ân xá cho một số tù nhân, bao gồm cả Kusel. Năm 1944, khi quân đội Liên Xô đang tiến đến gần, Kusel được chuyển đến một trại khác ở Flossenburg, bang Bavaria. Ông đã sống sót sau cuộc hành quân tử thần do Đức Quốc xã ra lệnh trong nỗ lực cuối cùng để ngăn các tù nhân được quân đồng minh giải thoát.

Sau chiến tranh, Kusel ở lại Bavaria. Ông kết hôn, có 2 con gái và quay lại kiếm sống bằng nghề bán nông sản. Năm 1964, ông đã làm chứng tại phiên tòa Auschwitz đầu tiên ở Frankfurt với tư cách là 1 trong 211 người sống sót. Theo ký giả Christ, các thẩm phán ám chỉ Kusel là người cung cấp thông tin, nhưng bản thân ông hầu như không bao giờ nói về thời gian của mình trong trại tập trung. Có lẽ ông xấu hổ và không muốn những người hàng xóm ở Bavaria biết mình từng là một tên trộm. Tất nhiên, sự kỳ thị về “tội phạm chuyên nghiệp” vẫn tồn tại trong tiểu sử của ông sau chiến tranh.

Kusel vẫn giữ liên lạc với những tù nhân sống sót khác ở Ba Lan cho đến khi qua đời vào năm 1984. Ở Ba Lan, ông được coi là anh hùng và Nhà nước Ba Lan thậm chí còn trao cho ông quyền công dân danh dự. “Câu chuyện của Otto Kusel cho thấy, chúng ta có cơ hội để bảo vệ nhân tính của mình ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Lịch sử đã chứng minh con người có thể nhanh chóng bị cuốn vào cơn lốc xoáy, nhưng một người có thể làm được bao nhiêu điều tốt nếu họ tin vào bản thân và nhân tính” - nhà văn kiêm ký giả Christ bày tỏ.

Theo DW

Yến Chi

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/otto-kusel-toi-pham-dac-biet-tai-trai-tu-than-auschwitz-post602942.antd
Zalo