Ôtô Trung Quốc dồn dập đổ bộ Việt Nam, tiếp theo là gì?

Số lượng thương hiệu ôtô Trung Quốc ngày một tăng tại Việt Nam. Nhiều hãng cam kết tương lai thông qua thỏa thuận xây dựng nhà máy lắp ráp xe trong nước.

Trước năm 2024, khách Việt chỉ có sẵn các lựa chọn như MG, Haval, Wuling hay phần nào đó là Beijing, Hongqi thì trong năm nay, một loạt hãng xe Trung Quốc đã và đang ồ ạt ra mắt bao gồm Lynk & Co, BYD, GAC, Aion, Zeekr, Omoda và Jaecoo cùng các thông tin mở nhà máy để tăng sức cạnh tranh.

Điểm chung là sự thận trọng

Trước khi tràn vào Việt Nam, các thương hiệu ôtô Trung Quốc đã cho thấy sự thận trọng thông qua quá trình thăm dò kéo dài lên đến hàng năm trời.

Chery tiết lộ kế hoạch quay trở lại Việt Nam từ đầu năm 2022, đã nhiều lần tổ chức các buổi lái thử cho truyền thông cũng như trưng bày xe trong năm nay nhưng đến lúc này, thời điểm ra mắt chính thức của 2 dòng xe Omoda, Jaecoo vẫn chưa được ấn định.

BYD ấp ủ kế hoạch vào Việt Nam từ sớm. Hãng cũng nhiều lần tổ chức lái thử cho truyền thông và khách hàng, từng cho biết sẽ ra mắt xe và công bố giá trong tháng 6 nhưng phải đến giữa tháng 7, BYD mới chính thức giới thiệu 3 mẫu xe điện đầu tiên đến khách hàng Việt.

BYD trì hoãn lịch ra mắt đến giữa tháng 7 vừa rồi, còn Chery vẫn chưa chính thức giới thiệu các thương hiệu Omoda và Jaecoo sau hơn 2 năm nghiên cứu thị trường.

BYD trì hoãn lịch ra mắt đến giữa tháng 7 vừa rồi, còn Chery vẫn chưa chính thức giới thiệu các thương hiệu Omoda và Jaecoo sau hơn 2 năm nghiên cứu thị trường.

Tương tự là Aion, hãng xe điện thuộc tập đoàn GAC đã rục rịch mở các đại lý đầu tiên từ rất lâu nhưng cũng chỉ vừa xác nhận sự hiện diện tại Việt Nam hồi tuần trước.

Các thương hiệu xe thuộc tập đoàn Geely của Trung Quốc như Lynk & Co, Zeekr hay Geely Auto cũng phải trong năm nay mới ra mắt hoặc xác nhận có mặt tại thị trường Việt. Trước đó, Volvo được biết đến là thương hiệu thuộc tập đoàn Geely đầu tiên được Tasco phân phối cho khách hàng trong nước.

Nhìn chung, các hãng xe Trung Quốc có phần thận trọng thấy rõ trong lần đổ bộ mới nhất vào Việt Nam. Sự cẩn thận này là dễ hiểu, bởi thị trường xe Việt từng không phải là “đất lành” cho các hãng xe Trung Quốc trong quá khứ.

 Việt Nam từng không phải là "đất lành" của những hãng xe Trung Quốc. Ảnh minh họa: Bối Hạ.

Việt Nam từng không phải là "đất lành" của những hãng xe Trung Quốc. Ảnh minh họa: Bối Hạ.

Thị phần hẹp của các thương hiệu Beijing, Hongqi hay Zotye Auto cũng là lý do khiến các hãng xe Trung Quốc phải dè chừng trong lần đổ bộ này.

Với MG, hãng xe thuộc tập đoàn SAIC cũng từng phải tạm rút MG HS khỏi Việt Nam một thời gian, trước khi mang trở về và xây dựng dải sản phẩm khá dày như hiện tại.

Wuling Mini EV thì không có được doanh số tốt tại Việt Nam. Hãng này kỳ vọng “đàn anh” Wuling Bingo sẽ là cái tên làm nên chuyện, nhưng mọi thứ vẫn còn nằm ở thì tương lai.

Không xây trạm sạc, lên kế hoạch lắp ráp

Bên cạnh các thương hiệu xe xăng, làn sóng ôtô Trung Quốc vào Việt Nam cũng chứng kiến sự có mặt của các xe điện. Số này bao gồm Wuling, BYD cùng với Aion của GAC hay Zeekr của Geely. Ngoài ra, MG4 EV cũng đã có mặt, còn Omoda E5 cũng nằm trong kế hoạch mà Chery chuẩn bị cho thị trường Việt Nam.

Khác với VinFast ở Việt Nam hay Tesla tại nhiều thị trường quốc tế, những thương hiệu xe điện Trung Quốc xác định ngay từ đầu sẽ không đầu tư xây dựng mạng lưới trạm sạc riêng.

Các hãng này chọn hợp tác với các đơn vị trạm sạc của bên thứ ba, hoặc bố trí các trụ sạc ngay tại đại lý để hình thành nên một “mạng lưới sạc” của riêng mình, phục vụ xe điện của hãng hoặc đối tác.

 Các hãng xe điện Trung Quốc không có ý định xây hệ thống trạm sạc công cộng riêng.

Các hãng xe điện Trung Quốc không có ý định xây hệ thống trạm sạc công cộng riêng.

Điển hình như trường hợp của BYD, hãng này cho biết có bố trí các điểm sạc nhanh tại toàn bộ đại lý ở Việt Nam. BYD cũng có hợp tác với GAC Aion, cho phép xe điện của đối thủ đồng hương sạc tại đại lý của mình và ngược lại.

Không có ý định xây dựng mạng lưới trạm sạc riêng nhưng nhiều hãng xe Trung Quốc đã công khai kế hoạch thiết lập một nhà máy lắp ráp ôtô ngay tại Việt Nam.

BYD vẫn chưa có quyết định sau cùng về một nhà máy ở Việt Nam. Chery sẽ khởi công nhà máy lắp ráp xe Omoda và Jaecoo trong năm 2025 tại Thái Bình, còn nhà máy lắp ráp Lynk & Co và Geely Auto hợp tác giữa Tasco với Geely cũng khởi công cùng năm, bàn giao xe thành phẩm từ năm 2026.

 Phối cảnh nhà máy Chery ở Việt Nam, dự kiến khởi công vào năm 2025. Ảnh: Chery.

Phối cảnh nhà máy Chery ở Việt Nam, dự kiến khởi công vào năm 2025. Ảnh: Chery.

Wuling đang lắp ráp mẫu xe điện mini Wuling Mini EV tại Việt Nam, dự kiến tiếp tục lắp ráp Wuling Bingo trong thời gian tới.

Nguồn tin của Car News China cho hay Great Wall Motors cũng sẽ sớm có nhà máy tại Việt Nam, dự kiến bắt đầu lắp ráp các dòng xe Haval và Tank từ cuối năm sau.

Về phần mình, GAC Aion nhiều khả năng không lắp ráp tại Việt Nam do đã lên sẵn kế hoạch xây nhà máy ở Thái Lan.

Loạt động thái nói trên của các hãng xe Trung Quốc, bên cạnh cam kết tương lai lâu dài tại Việt Nam còn nhắm đến giải quyết trực tiếp vấn đề giá xe.

Chưa thể phủ rộng ngay lập tức

Trên thực tế, việc nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc sẽ khiến giá bán không thể rẻ như xe lắp ráp hoặc được nhập từ các quốc gia đang có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến hết tháng 8, ôtô Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta đạt 19.649 xe, giá trị kim ngạch gần 582 triệu USD.

Như vậy từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chi hơn 14.300 tỷ đồng để nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc, giá trị nhập khẩu trung bình khoảng 727 triệu đồng/xe.

Lượng xe nhập khẩu từ Indonesia vẫn cao nhất, đạt 43.810 xe sau 8 tháng với giá trị kim ngạch hơn 642 triệu USD.

Thái Lan cung cấp 39.101 xe cho khách Việt từ đầu năm, là quốc gia đứng thứ nhì về lượng ôtô nhập khẩu nhưng tổng giá trị kim ngạch cao hơn Indonesia, ở mức 756 triệu USD.

 Nhiều hãng Trung Quốc chọn phân phối xe dưới hình thức nhập khẩu ở giai đoạn đầu. Ảnh: Zeekr.

Nhiều hãng Trung Quốc chọn phân phối xe dưới hình thức nhập khẩu ở giai đoạn đầu. Ảnh: Zeekr.

Với chiến lược nhập khẩu ban đầu đang được phần đông hãng xe Trung Quốc áp dụng, nhiều khả năng số lượng xe nhập từ quốc gia tỷ dân sẽ tăng trong các tháng tiếp theo.

Trở ngại về giá bán dành cho các thương hiệu Trung Quốc là có ở giai đoạn đầu nhưng khi chuyển sang lắp ráp, giá xe Trung Quốc sẽ “mềm” hơn và tính cạnh tranh cũng sẽ được cải thiện trước các đối thủ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở làn sóng đổ bộ mới nhất, giá xe Trung Quốc đã không còn “rẻ”. Một phần chủ yếu đến từ sự phát triển của chất lượng xe và công nghệ, nhưng địa chỉ lắp ráp và nhập khẩu cũng tác động không nhỏ đến giá bán và sẽ là vấn đề mà các hãng này cần phải sớm giải quyết.

Tính đến hết tháng 8, người Việt đã mua tổng cộng 188.997 ôtô các loại theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), bao gồm 94.141 xe lắp ráp và 94.856 xe nhập khẩu. Toyota đang là hãng xe du lịch bán tốt nhất Việt Nam, doanh số đạt 33.516 xe từ đầu năm.

Có thể nói làn sóng xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam sẽ chưa dừng lại, hứa hẹn có thêm nhiều lựa chọn cho người dùng. Tuy vậy số lượng thương hiệu và mẫu xe Trung Quốc xuất hiện không chắc tỷ lệ thuận với doanh số xe bán ra. Xe Trung Quốc còn cần nhiều thời gian để tạo nên chỗ đứng trên thị trường xe Việt.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/oto-trung-quoc-don-dap-do-bo-viet-nam-tiep-theo-la-gi-post1499825.html
Zalo