OPEC 'lạc lối' giữa sóng gió toàn cầu
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (còn gọi là OPEC+) đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý nguồn cung lẫn biến động của giá dầu.
Năm nay, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (còn gọi là OPEC+) đã gặp không ít khó khăn trong việc quản lý nguồn cung lẫn biến động của giá dầu.
Ban đầu, một số thành viên trong nhóm đã sản xuất vượt mức, làm giảm hiệu quả của các đợt cắt giảm sản lượng từ các quốc gia khác trong liên minh. Sau đó, vào mùa Hè, khi các dữ liệu tiêu thụ thực tế của quý I và quý II được công bố, tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc không đạt được như kỳ vọng của OPEC.
Cuối năm, khi các quốc gia thành viên OPEC và các đồng minh thông báo sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho đến tháng 1/2025, họ lại phải đối mặt với một sự kiện mới: ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
*Nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu
*Thách thức từ nước Mỹ
Ngoài sự sụt giảm nhu cầu từ Trung Quốc, OPEC+ còn phải đối phó với những bất ổn và rủi ro liên quan đến nhu cầu và nguồn cung dầu khi ông Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ. Ông Trump dự kiến sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, một quốc gia thành viên OPEC. Nguồn cung dầu từ Iran thấp hơn có thể giúp giá dầu tăng nếu nhu cầu vẫn duy trì.
Tuy nhiên, các chính sách khác mà ông Trump đưa ra như áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu dầu giảm.
Các mức thuế trên có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, khiến nhu cầu dầu giảm tới 500.000 thùng/ngày vào năm 2025, chiếm một phần ba dự báo hiện tại của công ty phân tích dữ liệu Wood Mackenzie về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm tới. Ông Simon Flowers, Chủ tịch và Giám đốc phân tích của WoodMac, cho rằng trong kịch bản trên, giá dầu sẽ giảm từ 5-7 USD/thùng so với mức hiện tại, nếu không có những rủi ro khác như việc leo thang xung đột tại Trung Đông.
Mặc dù ông Trump là người ủng hộ ngành công nghiệp dầu khí Mỹ, nhưng theo các nhà phân tích sản lượng dầu của nước này khó có thể tăng mạnh hơn so với hiện tại.
Hơn nữa, ông Flowers cảnh báo việc áp thuế có thể khiến các nhà sản xuất và các công ty dịch vụ ở Mỹ đối mặt với chi phí cao hơn. Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết dù chính quyền mới sẽ có quan điểm tích cực hơn đối với ngành dầu khí, nhưng triển vọng tăng trưởng sản lượng dầu sẽ chủ yếu phụ thuộc vào giá cả.
Trước viễn cảnh thiếu chắc chắn về nguồn cung lẫn nhu cầu dầu toàn cầu, OPEC+ có thể phải điều chỉnh chính sách sản xuất thường xuyên hơn so với dự định.