Ông Zelensky muốn gặp trực tiếp ông Putin tại Istanbul
Phái đoàn Nga và Ukraine chuẩn bị đối thoại tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày mai (15/5), cuộc đàm phán trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ năm 2022. Tuy nhiên, Điện Kremlin tới nay chưa ra bình luận chính thức về việc Tổng thống Putin có đích thân đến Istanbul tham dự hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang ở thăm Trung Đông đã đề nghị sẽ tham gia vào các cuộc hòa đàm này cùng Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và 2 đặc phái viên cấp cao của chính quyền Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua (13/5) cho biết ông muốn đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Putin về lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày vì chỉ có nhà lãnh đạo Nga mới có thể ban hành lệnh ngừng bắn như vậy.
Tổng thống Zelensky dự kiến gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara vào ngày 15/5, nhưng nếu Tổng thống Putin đồng ý đến Istanbul, cả ông và Tổng thống Erdogan đều sẵn sàng tới đó thay vì Ankara.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Mặt khác, ông Zelensky cũng hối thúc "các lệnh trừng phạt mạnh mẽ" từ Mỹ và Liên minh châu Âu nếu các cuộc đàm phán không diễn ra, đồng thời cho rằng cuộc họp thất bại sẽ cho thấy Nga chưa sẵn sàng cho ngoại giao. Ukraine cũng đã vận động Brazil giúp thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự đàm phán tại Istanbul.
Về phía Nga, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đưa tin, Nga mong đợi sẽ có cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các phái đoàn Nga và Ukraine trong các cuộc đàm phán tại Istanbul vào ngày mai. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn chưa xác nhận liệu Putin có tham gia các cuộc đàm phán ở Istanbul hay không.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Phía Nga tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc đàm phán. Chúng tôi sẽ không bình luận thêm nữa. Ngay khi Tổng thống Putin thấy phù hợp, chúng tôi sẽ công bố người sẽ đại diện Nga tham dự đàm phán”.
Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov không đưa ra bất kỳ dự đoán nào về kết quả tiềm năng của các cuộc đàm phán có thể diễn ra ở Istanbul, nhưng nhấn mạnh rằng Nga cam kết đàm phán "một cách nghiêm túc và có trách nhiệm". Hiện cả Nga và Ukraine đều muốn thể hiện đang nỗ lực hướng tới hòa bình sau khi Tổng thống Trump đặt ưu tiên chấm dứt xung đột.
Trong các tuyên bố gần đây, Nga liên tục khẳng định lập trường rằng thỏa thuận hòa bình chỉ có thể đạt được với điều kiện Ukraine đảm bảo các yêu cầu như cam kết trung lập, công nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã giành quyền kiểm soát.
Hiện các quan chức Mỹ muốn Nga đồng ý ngừng bắn toàn diện trên bộ, trên không, trên biển và cơ sở hạ tầng quan trọng trong 30 ngày. Câu hỏi đặt ra hiện nay là chuyện gì xảy ra nếu đàm phán thất bại. Các nhà lãnh đạo châu Âu đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới “mạnh mẽ” lên Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý ngừng bắn ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát đi thông điệp rằng "nếu không có tiến triển thực sự nào trong tuần này, châu Âu sẽ phối hợp để siết chặt đáng kể các lệnh trừng phạt". Châu Âu sẽ nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực bao gồm năng lượng và thị trường tài chính. Một số quan chức châu Âu cho biết họ đang phối hợp với Washington về các lệnh trừng phạt tiếp theo có thể có, nhưng không chắc chắn Tổng thống Trump có sẵn sàng hợp tác với châu Âu hay không.
Tuyên bố của Tổng thống Trump muốn tham gia cuộc họp ở Istanbul ngay lập tức đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho tiến trình tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky "ít có khả năng xảy ra".
Đại diện Nga dự đàm phán sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và trợ lý chính sách đối ngoại Yury Ushakov.