Ông Võ Tấn Lợi làm Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang
Chiều 30-9, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và trên 34 hội viên Hiệp hội…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Đến cuối năm 2023, diện tích sầu riêng của tỉnh là 21.790 ha. Trong đó, diện tích cho sản phẩm là 14.915 ha, sản lượng đạt hơn 386 ngàn tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy.
Hiện nay, cơ cấu giống sầu riêng đang dần chuyển dịch từ Ri6 sang Monthong (DONA). Diện tích trồng sầu riêng Ri6 chiếm 49%, DONA chiếm 49%, còn lại là các giống khác.
Hiện toàn tỉnh có 155 mã số vùng trồng (MSVT) sầu riêng được cấp mã với diện tích hơn 6.927 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 266 hồ sơ vùng trồng sầu riêng, trong đó có 111 hồ sơ chờ Trung Quốc phê duyệt với diện tích hơn 4.700 ha.
Sầu riêng Tiền Giang chủ yếu phân phối và tiêu thụ sản phẩm dưới dạng trái tươi. Trong đó, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc (hơn 70%), còn lại là tiêu thụ nội địa.
Từ cuối năm 2023 đến nay, thương lái thu mua sầu riêng với giá rất cao, có thời điểm lên đến 200 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, nhà vườn thu lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/ha.
Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang là tổ chức xã hội - nghề nghiệp phi lợi nhuận của các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân trên địa bàn tỉnh tự nguyện thành lập.
Mục đích là tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả đối với lĩnh vực sản xuất, bảo quản, sơ chế, tiêu thụ và phát triển ngành hàng sầu riêng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang chịu sự quản lý nhà nước của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang.
Đại hội Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang lần thứ I đã bầu 9 đại biểu vào Ban Chấp hành. Phiên họp Ban Chấp hành Hiệp hội lần thứ I đã đầu Ban Thường vụ gồm 3 người; Ban Kiểm tra gồm 3 người. Kết quả, ông Võ Tấn Lợi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang và bà Nguyễn Như Thủy Tiên làm Phó Chủ tịch Hiệp hội.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang trước hết phải ổn định về mặt tổ chức. Các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội để hoàn thiện. Sau đại hội, Hiệp hội sẽ đi vào hoạt động ngay để chuẩn bị cho thời gian tới, đặc biệt là dự báo thị trường tới đây.
Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang phải đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút hội viên tham gia; cần có phương thức thu hút hội viên. Hiệp hội cần nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường nhằm đề xuất với lãnh đạo tỉnh về chủ trương, chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình phát triển từ trồng đến chế biến và tiêu thụ sầu riêng.
Sở Công thương hỗ trợ Hiệp hội học tập kinh nghiệm, tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại. Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật…