Ông Trump tuyên bố không tranh luận lần hai với bà Harris
'Chúng ta đã có một chiến thắng to lớn trước bà Kamala Harris', ông Trump nói, dù ông bị chỉ trích về màn trình diễn kém cỏi trong cuộc tranh luận với ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris tối 10/9 theo giờ Mỹ.
Ông Trump: Sẽ không có cuộc tranh luận thứ hai
Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã có bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ cuộc tranh luận với ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris tại một sự kiện vận động tranh cử vào hôm 12/9 ở Arizona, một tiểu bang dao động quan trọng mà cả hai ứng cử viên đều mong muốn giành chiến thắng.
Ông Trump đã dành phần lớn thời gian của bài phát biểu để đưa ra góc nhìn tích cực hơn về màn tranh luận của mình với bà Harris hôm 11/9 - mà ngay cả các trợ lý của ông cũng thừa nhận sẽ không giúp ông giành được thêm cử tri mới.
"Chúng ta đã có một chiến thắng to lớn trước bà Kamala Harris", ông Trump nói. Nhận xét này của ông được cho là hoàn toàn trái ngược với những lời chỉ trích rộng rãi về màn trình diễn kém cỏi của ông từ cả những người bảo thủ và tiến bộ.
Nhưng Trump đã tuyên bố ông không muốn làm lại. “Sẽ không có cuộc tranh luận thứ hai”, ông nói. Ông Trump khẳng định chỉ có người thua mới muốn đấu lại, cho rằng bà Kamala nên tập trung vào những gì nên làm trong khoảng thời gian gần 4 năm qua.
Trong bài phát biểu hơn 1 tiếng rưỡi, ông Trump đã không dành nhiều thời gian để chia sẻ chi tiết về các kế hoạch kinh tế của mình. Thay vào đó, ứng cử viên của đảng Cộng hòa dành phần lớn thời gian công kích đối thủ và nhắc lại nhiều quan điểm vô căn cứ của mình, bao gồm cả tuyên bố ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây nhất.
Ông Trump cũng tập trung nhiều vào vấn đề nhập cư, một mục tiêu điển hình cho các cuộc vận động của ông, khơi dậy nỗi sợ hãi về làn sóng tội phạm tràn vào đất nước và một lần nữa cáo buộc những người nhập cư Haiti ăn thịt động vật ở Springfield, Ohio. Những cáo buộc của ông trước đó đã bị các quan chức thị trấn này phản đối, đã làm gia tăng căng thẳng và các cuộc tấn công nhằm vào các thành viên của cộng đồng Haiti.
Ở phần cuối bài phát biểu, ông Trump đã nhắc lại một số kế hoạch của mình cho nền kinh tế, hứa sẽ không đánh thuế đối với các chế độ phúc lợi an sinh xã hội và không đánh thuế đối với tiền típ, và lần đầu tiên tuyên bố rằng ông cũng muốn xóa bỏ thuế đối với tiền làm thêm giờ.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ tu chính án thứ hai, khôi phục quyền tự do ngôn luận và chúng tôi sẽ đảm bảo các cuộc bầu cử của mình. Mọi người sẽ thịnh vượng, mọi gia đình sẽ phát triển mạnh mẽ và mỗi ngày sẽ tràn ngập niềm vui, cơ hội và hy vọng”, ông Trump nói.
Arizona là một tiểu bang chiến trường mà cả chiến dịch của ông Trump và bà Harris đều dành sự chú ý trong tuần này.
Trong khi đó, bà Harris đến Bắc Carolina vào hôm 12/9 và Pennsylvania vào 13/9, trong một chuyến đi có kế hoạch qua các tiểu bang chiến trường. Với bài phát biểu vào ngày 13/9 tại Wilkes-Barre, đây sẽ là ngày thứ sáu trong bảy ngày bà xuất hiện trước công chúng tại tiểu bang này, dấu hiệu mới nhất cho thấy tầm quan trọng của bang Pennsylvania đối với con đường giành 270 phiếu đại cử tri của bà Harris.
Bà Harris giành ưu thế hơn sau cuộc tranh luận
Cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Kamala Harris do Đài ABC tổ chức hôm 11/9 tại Philadelphia, Pennsylvania là một trong những sự kiện được theo dõi nhiều nhất trong mùa bầu cử năm nay. Chương trình phát sóng đã thu hút hơn 67 triệu người xem. Sau cuộc tranh luận, các chuyên gia phần lớn đã đánh giá cao hơn màn trình diễn trau chuốt của bà Harris so với màn trình diễn lan man của ông Trump.
"Dưới ánh sáng, người dân Mỹ đã được chứng kiến sự lựa chọn mà họ sẽ phải đối mặt vào mùa thu này tại hòm phiếu: giữa việc tiến lên với bà Kamala Harris hay lùi lại với ông Trump", Jen O'Malley Dillon, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Harris, cho biết.
Nhiều cử tri theo dõi cuộc tranh luận đã thay đổi quan điểm về bà Harris so với ấn tượng của họ trước cuộc tranh luận, trong khi ít người thay đổi quan điểm chung về Trump. Quan điểm của họ về điểm mạnh của từng ứng cử viên về các vấn đề vẫn không thay đổi, cho rằng ông Trump nắm giữ lợi thế về kinh tế, nhập cư, còn bà Harris được tin tưởng hơn về vấn đề phá thai và bảo vệ nền dân chủ.
Cựu ứng viên độc lập Robert F. Kennedy Jr, người tuyên bố ủng hộ ông Trump sau khi dừng tranh cử, nói với Fox News rằng ông Trump đã thắng tranh luận về mặt "nội dung", trong khi bà Harris thắng về "cách trình bày, sự trau chuốt, cách tổ chức và chuẩn bị".
Theo kết quả khảo sát của Reuters và Ipsos, 53% cử tri biết về cuộc tranh luận cảm thấy bà Harris đã thắng. Chỉ có 24% nói rằng ông Trump thắng.
Một cuộc thăm dò nhanh của CNN được công bố ngay sau cuộc tranh luận cho thấy phần lớn người xem cảm thấy bà Harris vượt trội hơn ông Trump, và một cuộc thăm dò của YouGov cho thấy 54% những người được khảo sát cho biết bà Harris đã thắng so với 31% nghiêng về ông Trump.
Mặc dù bà Harris giành ưu thế lớn hơn sau cuộc tranh luận, tuy nhiên, vẫn chưa rõ cuộc tranh luận sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với kết quả bầu cử ngày 5 tháng 11 tới, hoặc liệu kết quả tranh luận có thu hút được những cử tri chưa quyết định ở các tiểu bang chiến trường quan trọng hay không. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump vẫn giữ được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa ở mức cao. Các cuộc khảo sát tại các tiểu bang chiến trường cho thấy cuộc đua vẫn rất sít sao.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy phần lớn cử tri đã đăng ký được khảo sát đều hài lòng khi chỉ có một cuộc tranh luận giữa bà Harris và ông Trump. 54% người được hỏi cảm thấy một cuộc tranh luận là đủ. Trong khi đó, 46% cho biết họ muốn có cuộc tranh luận thứ hai.