Ông Trump 'tung đòn' thuế quan lên Trung Quốc, 'gậy ông đập lưng ông', hé lộ mục đích thực sự của Mỹ

Một cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - có thể sẽ sắp bắt đầu.

Ông Trump lập luận rằng, Trung Quốc đứng sau việc cung cấp fentanyl cho các nước láng giềng của Mỹ. (Nguồn: Urdupoint)

Ông Trump lập luận rằng, Trung Quốc đứng sau việc cung cấp fentanyl cho các nước láng giềng của Mỹ. (Nguồn: Urdupoint)

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết đang cân nhắc áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế này có thể có hiệu lực sớm nhất vào ngày 1/2. Đây là lời đe dọa thương mại mới nhất của ông đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ địa chính trị lớn nhất của Washington.

Trong chiến dịch tranh cử, ông từng đe dọa sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Bắc Kinh làm gia tăng nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu mục đích của mức thuế được đề xuất là gây tổn hại đến xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhằm thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước, thì những lời đe dọa của ông Trump - ít nhất là cho đến nay - dường như đã có tác dụng ngược lại.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Bắc, bao gồm cả sang Washington, vẫn tăng trưởng đều trong những tháng gần đây.

Vậy tại sao ông Trump lại đe dọa áp thuế với Trung Quốc? Tại sao kim ngạch xuất khẩu của đất nước tỷ dân vẫn tăng và động thái tiếp theo trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước là gì?

Tại sao ông Trump đe dọa tăng thuế?

Ông Trump lập luận rằng, Trung Quốc đứng sau việc cung cấp fentanyl cho các nước láng giềng của Mỹ. Điều này gây ra cuộc khủng hoảng ở nước này.

Kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kinh sang các Washington vẫn tăng đều đặn, đạt mức tăng 4% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2024.

Tổng thống Trump cũng cáo buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có hành vi thương mại không công bằng. Trung Quốc, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, có lợi thế cán cân thương mại lớn với Mỹ.

Trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kinh sang Washington đạt khoảng 401 tỷ USD, trong khi Trung Quốc nhập khẩu khoảng 131 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ.

Lời đe dọa có tạo sự khác biệt?

Có vẻ như vậy - nhưng không phải theo cách mà nền kinh tế lớn nhất thế giới mong muốn.

Khi các mối đe dọa về thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng tăng, các công ty Mỹ đã tăng cường mua hàng hóa từ đất nước tỷ dân để dự trữ, trước khi chi phí nhập khẩu tăng vọt.

Theo Đài quan sát độ phức tạp kinh tế (OEC), vào tháng 11/2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đạt 47,3 tỷ USD, tăng 8% so với mức 43,8 tỷ USD vào tháng 11/2023.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 11,2%, từ 14 tỷ USD xuống 12,4 tỷ USD vào tháng 11/2024 so với tháng 11/2023. Nói một cách đơn giản, trong bối cảnh những lời đe dọa của ông Trump, thâm hụt thương mại của Washington với Bắc Kinh đã gia tăng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc cũng tăng mạnh. Tháng 12/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước tỷ dân đạt mức cao kỷ lục, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua ước tính của các nhà phân tích.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 3,58 nghìn tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2023.

Trong khi đó, thặng dư thương mại của đất nước tỷ dân đã tăng vọt lên mức kỷ lục 992 tỷ USD vào năm 2024, tăng 21% so với năm trước.

Và có thể, sẽ còn có nhiều tin xấu hơn nữa cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Carlos Lopes, cộng tác viên của tổ chức độc lập Chatham House cho rằng, việc leo thang thuế quan và tiếp tục các biện pháp trừng phạt đơn phương có thể làm xói mòn lòng tin vào hệ thống thương mại toàn cầu, thúc đẩy Trung Quốc đa dạng hóa các đối tác và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Ông khẳng định: "Việc kim ngạch thương mại gia tăng hiện tại có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho cả hai nền kinh tế, nhưng cũng làm nổi bật sự mong manh của một hệ thống ngày càng bị chi phối bởi chiến tranh thương mại và sự khó lường".

Đến năm 2018, một cuộc chiến thương mại bắt đầu và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cường áp thuế quan lên nhau. (Nguồn: Getty Images)

Đến năm 2018, một cuộc chiến thương mại bắt đầu và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cường áp thuế quan lên nhau. (Nguồn: Getty Images)

Cuộc chiến thuế quan sắp tái diễn

Sau khi nhậm chức, ông Trump đã công bố kế hoạch áp thuế đối với Trung Quốc, Canada và Mexico. Thế nhưng, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang chuẩn bị cho việc "chịu đòn" tương tự.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã phát động cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh. Đến năm 2018, một cuộc chiến thương mại bắt đầu và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cường áp thuế quan lên nhau.

Thỏa thuận đình chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giỡi đã được công bố vào tháng 1/2020, nhưng ông Joe Biden vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách của ông Trump.

Vào tháng 5/2024, chính quyền ông Biden đã áp dụng mức thuế quan cao hơn từ 25-100% đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Bắc Kinh. Xe điện và pin Mặt trời là hai trong số nhiều sản phẩm bị ảnh hưởng.

Ông Manoj Kewalramani, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Takshashila (Ấn Độ) về các chính sách của Trung Quốc nhận định: "Ông Trump coi thuế quan là quan trọng, không chỉ từ góc độ kinh tế mà còn từ góc độ đàm phán. Thời gian tới, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ có các cuộc đàm phán về thuế quan nhưng chúng có thể không diễn ra ngay lập tức".

Trung Quốc đã mất vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ vào tay Mexico vào năm 2019. Tính đến tháng 11/2024, các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là Mexico (với tổng giá trị thương mại là 69,1 tỷ USD); Canada (tổng giá trị thương mại là 61,8 tỷ USD) và Trung Quốc (tổng giá trị thương mại là 50,5 tỷ USD).

Ông Lopes cho hay: “Thời điểm áp dụng thuế quan thường phụ thuộc vào các động thái chính trị và quy trình hành chính. Các hành động đơn phương của Mỹ có thể tạo ra sự bất ổn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư".

Thuế quan nhằm mục đích giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi khoản thâm hụt 1,9 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, ông Lopes nhận thấy, để thoát khỏi thâm hụt đòi hỏi nhiều hơn là thuế quan hoặc các biện pháp bảo hộ. Mỹ cần đầu tư chiến lược vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và phát triển lực lượng lao động.

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ thế nào?

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tính đến năm 2023 là 27,36 nghìn tỷ US và Trung Quốc là 17,79 nghìn tỷ USD.

Trong số 26 sắc lệnh hành pháp mà ông Trump ký vào ngày nhậm chức, có một sắc lệnh trì hoãn việc thực thi lệnh cấm đối với TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, trong 75 ngày.

Tuy nhiên, ông đã đe dọa sẽ áp thuế đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nếu nước này không chấp thuận thỏa thuận tiềm năng của Mỹ với TikTok.

Thời gian tới, ông Kewalramani cho rằng, ông Trump và ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục hợp tác, mặc dù sẽ có những hạn chế trên diện rộng đối với Bắc Kinh từ chính quyền Biden.

Ông Lopes khẳng định: “Trung Quốc đã chứng minh được khả năng phục hồi bằng cách đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và tăng cường đổi mới trong nước. Họ có thể sẽ mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và đầu tư mạnh vào các lĩnh vực tiên tiến như năng lượng xanh hay công nghệ để duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu".

Về mức thuế quan mà ông Trump sẽ áp với Trung Quốc, ông Kewalramani dự đoán, thuế quan sẽ tăng, nhưng có thể không tăng tới 60%. Thuế quan cao sẽ dẫn đến chi phí tăng đáng kể cho người tiêu dùng Mỹ.

Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), chính sách thuế quan của vị Tổng thống mới sẽ thúc đẩy lạm phát.

Báo cáo của CBO công bố hồi tháng 12/2024 về tác động của việc tăng thuế quan cho thấy, lạm phát sẽ tăng 1% vào năm nay.

Dù vậy, những gì sẽ xảy ra về mặt thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là không thể đoán trước được. Cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn chờ quyết định chính thức từ ông chủ mới của Nhà Trắng.

(theo Al Jazeera)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ong-trump-tung-don-thue-quan-len-trung-quoc-gay-ong-dap-lung-ong-he-lo-muc-dich-thuc-su-cua-my-301957.html
Zalo