Ông Trump muốn đàm phán về Ukraine, nhưng liệu Nga có sẵn sàng?

Gần ba năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine, cục diện chiến trường vẫn chưa ngã ngũ.

Theo ABC News, trong khi Moscow đạt được một số tiến triển trên chiến trường, Kyiv đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt binh sĩ và vũ khí, đồng thời phải đối diện với nguy cơ mất đi sự hỗ trợ quân sự từ Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong bối cảnh đó, ông Trump tuyên bố sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, nhưng không rõ liệu Putin có thực sự quan tâm đến một giải pháp hòa bình hay không.

Đàm phán về Ukraine mà không có Ukraine?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định rằng Nga muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ mà không có sự tham gia của Kyiv. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden, vốn duy trì lập trường "không có gì về Ukraine mà không có Ukraine".

Theo ông Zelensky, nếu Ukraine bị loại khỏi bàn đàm phán, điều đó đồng nghĩa với việc nước này mất đi sự tự chủ trong việc quyết định vận mệnh của mình. Ông cảnh báo rằng một thỏa thuận hòa bình theo điều kiện của Nga sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm, khuyến khích tham vọng về lãnh thổ của một số quốc gia.

Một số chuyên gia nhận định Nga có vẻ kỳ vọng rằng Tổng thống Trump sẽ làm suy yếu quyết tâm của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine. Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Trump ám chỉ rằng các đồng minh châu Âu sẽ nhanh chóng phải nghe sự chỉ bảo của Mỹ khi ông trở lại Nhà Trắng.

Dù ông Trump nhấn mạnh khả năng đàm phán của mình, nhưng thực tế là Moscow sẽ không dễ dàng từ bỏ những khu vực vốn đã sáp nhập vào Nga. Moscow cũng có mục tiêu lâu dài là làm suy yếu các liên minh phương Tây, đặc biệt là NATO, và việc buộc Kyiv chấp nhận trung lập sẽ là một chiến thắng chiến lược quan trọng đối với Điện Kremlin.

Trong khi Trump liên tục nhấn mạnh rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh nhanh chóng, thực tế cho thấy Nga chưa thực sự bị áp lực phải đàm phán. Mặc dù phải chịu tổn thất trên chiến trường, nền kinh tế nước này vẫn chưa sụp đổ. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra lạm phát và thiếu hụt lao động, nhưng chưa đủ để khiến Điện Kremlin phải thay đổi chiến lược.

Fyodor Lukyanov, một nhà phân tích chính trị tại Moscow, nhận định rằng phương Tây đang quả quyết tin rằng Nga đang hướng tới thỏa thuận hòa bình. “Thực tế, Nga muốn duy trì áp lực lên Ukraine và phương Tây, đồng thời củng cố vị thế quân sự”, ông nói.

Ông Zelensky cũng không tin phía Nga đang thực sự nghiêm túc trong việc đàm phán. Ông cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào do Moscow đề xuất đều nhằm mục đích làm suy yếu Ukraine và kéo dài cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Nga. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Điện Kremlin có thể hoãn đàm phán đến khi nhận thấy phương Tây bắt đầu mất kiên nhẫn với cuộc chiến.

Bài học từ Helsinki

Lần gần nhất Tổng thống Mỹ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin là tại hội nghị thượng đỉnh Helsinki năm 2018, nơi ông Trump gây tranh cãi khi công khai bác bỏ kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Sự kiện này đã tạo ra một thắng lợi quan trọng về mặt quan hệ công chúng cho Moscow.

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự cuộc họp tại Helsinki, ngày 16.7.2018 - Ảnh: Getty

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự cuộc họp tại Helsinki, ngày 16.7.2018 - Ảnh: Getty

Nhiều nhà quan sát tin rằng nếu có một cuộc gặp khác giữa hai nhà lãnh đạo, Nga sẽ tiếp tục tận dụng tình huống để có lợi cho mình. Cựu đại sứ Anh tại Mỹ, Kim Darroch, cho rằng ông Trump có thể đang đặt cược vào việc trở thành "người kiến tạo hòa bình", nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông sẽ kiểm soát được cuộc chơi.

"Nga không muốn giải quyết nhanh chóng. Họ muốn kéo dài cuộc chiến để làm suy yếu cả Ukraine lẫn phương Tây", Darroch nói.

Bản thân ông Trump cũng có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục Nga chấp nhận nhượng bộ. Nếu cuộc chiến không kết thúc theo cách có lợi cho Moscow, Điện Kremlin hoàn toàn có thể câu giờ và chờ đợi một cơ hội tốt hơn. Trong khi đó, bất kỳ động thái nào từ Mỹ nhằm gây áp lực lên Nga cũng có thể gặp phản ứng ngược, đặc biệt nếu nó khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn.

Sức ép đủ lớn?

Mặc dù Mỹ đã đe dọa áp đặt thuế quan, lệnh trừng phạt và cắt giảm giá dầu để gây áp lực lên Nga, các chuyên gia cho rằng những biện pháp này sẽ không đủ để buộc Nga nhượng bộ. Điện Kremlin đã chịu đựng lệnh trừng phạt trong nhiều năm qua và đã thích nghi với một nền kinh tế bị cô lập.

Hơn nữa, ông Trump cũng không thể đơn phương đảm bảo Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các quyết định như vậy phụ thuộc vào sự đồng thuận của nhiều quốc gia và không thể được thực hiện chỉ qua một cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể tận dụng các đòn bẩy khác để gây áp lực lên Nga. Chẳng hạn, ông có thể thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ bằng cách trợ cấp hoặc nới lỏng quy định, điều này có thể làm giảm giá dầu và ảnh hưởng đến nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga. Ngoài ra, ông có thể đàm phán với Trung Quốc để hạn chế quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Moscow, điều này có thể thực sự cô lập nền kinh tế Nga.

Một cách tiếp cận khác là thuyết phục các đồng minh châu Âu tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine để bù đắp cho bất kỳ sự cắt giảm nào từ phía Mỹ. Điều này không chỉ giúp duy trì sức mạnh phòng thủ của Ukraine mà còn khiến Nga không thể tận dụng sự suy yếu của phương Tây.

Dù ông Trump tuyên bố có thể kết thúc chiến tranh Ukraine nhanh chóng, nhưng thực tế cho thấy điều đó không hề đơn giản. Nga dường như không có động cơ mạnh mẽ để nhượng bộ, và khả năng một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng dường như rất thấp. Bên cạnh đó, bất kỳ thỏa thuận nào không có sự tham gia của Ukraine đều có thể gây ra hậu quả lâu dài, làm suy yếu các liên minh phương Tây và đặt ra tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc xung đột tương lai.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ong-trump-muon-dam-phan-ve-ukraine-nhung-lieu-nga-co-san-sang-229115.html
Zalo