Ông Trump lên tiếng về thuế quan, tuyên bố sẽ không để Mỹ chịu thua lỗ
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng về chủ đề nóng hổi đã làm chao đảo bối cảnh thương mại toàn cầu: Thuế quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không cố ý thúc đẩy các đợt bán tháo thị trường, và nhắc lại rằng mục tiêu của thuế quan là xóa bỏ hoàn toàn thâm hụt song phương, theo bình luận của ông trên chuyên cơ Không lực Một.
"Chúng ta sẽ lại trở thành một quốc gia giàu có – giàu có hơn bao giờ hết", ông Trump nói với các phóng viên hôm 6/4. "Chúng ta có tất cả các lợi thế. Hãy quên thị trường đi – chúng ta có tất cả các lợi thế".
Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một, ông Trump cho biết ông không lo ngại về những khoản lỗ đã xóa sổ hàng nghìn tỷ USD giá trị khỏi các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, các chính phủ nước ngoài sẽ phải trả "rất nhiều tiền" để dỡ bỏ thuế quan toàn diện mà ông mô tả là "liều thuốc".
"Tôi không muốn bất cứ điều gì giảm xuống. Nhưng đôi khi các vị phải uống thuốc để chữa lành một thứ gì đó", ông Trump nói trên đường trở về thủ đô sau cuối tuần chơi golf ở Florida.

Tổng thống Donald Trump phát biểu với giới truyền thông trên chuyên cơ Không lực Một, ngày 6/4/2025. Ảnh: The Independent
Hơn 50 quốc gia được cho là đã liên hệ để bắt đầu chu kỳ đàm phán, tìm kiếm một thỏa thuận về thuế quan với Mỹ.
"Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo, châu Âu, châu Á, từ khắp nơi trên thế giới", Tổng thống Trump cho biết.
"Họ đang rất muốn đạt được một thỏa thuận. Và tôi đã nói, chúng tôi sẽ không thâm hụt với đất nước của các vị. Chúng tôi sẽ không làm điều đó, bởi vì với tôi, thâm hụt là một khoản lỗ. Chúng tôi sẽ có thặng dư hoặc tệ hơn là hòa vốn", ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội hôm 6/4. "Chúng ta sẽ chiến thắng. Cố gắng, điều đó sẽ không dễ dàng".
Thông báo về các mức thuế quan mới của ông Trump tuần trước đã làm rung chuyển các nền kinh tế trên toàn thế giới, kích hoạt các khoản thuế trả đũa từ Trung Quốc và làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến thương mại và suy thoái toàn cầu.
Các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo chính trị đã phải vật lộn để xác định, liệu thuế quan của ông Trump có tồn tại lâu dài, liệu đó là một phần của chế độ mới vĩnh viễn, hay liệu đó là một chiến thuật đàm phán để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia khác.
Phát biểu với truyền thông Mỹ sáng hôm 6/4, các cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump đã tìm cách mô tả thuế quan như một sự định vị lại khôn ngoan của Mỹ trong trật tự thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hơn 50 quốc gia đã bắt đầu đàm phán với Mỹ kể từ thông báo hôm 2/4. "Ông ấy đã tạo ra đòn bẩy tối đa cho chính mình", ông Bessent nói về ông Trump trên NBC News.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết thuế quan sẽ vẫn được duy trì và sẽ không bị hoãn lại. "Chúng chắc chắn sẽ được áp dụng trong nhiều ngày và nhiều tuần", ông nói với CBS News.
Trong khi mức thuế quan "cơ bản" 10% có hiệu lực từ ngày 5/4, thì các mức thuế quan "có đi có lại" với từng quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại rằng thuế quan là một phần của chiến lược gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, nói rằng sẽ không có "sự ép buộc chính trị" nào đối với ngân hàng trung ương.
Các nhà kinh tế của JPMorgan hiện ước tính thuế quan sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong cả năm giảm 0,3%, giảm so với ước tính trước đó là tăng trưởng 1,3% và tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 5,3% từ mức 4,2% hiện tại.
Minh Đức (Theo Reuters, Financial Express)