Ông Trump hân hoan thông báo tham gia lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà Paris
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ tham dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris, một địa danh nổi tiếng của thủ đô nước Pháp đã bị hỏa hoạn thiêu rụi cách đây 5 năm, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Công trình kiến trúc Gothic thế kỷ 12, bị hỏa hoạn phá hủy nghiêm trọng vào năm 2019, dự kiến sẽ mở cửa trở lại đón du khách vào cuối tuần này.
Hàng chục nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ tham dự lễ khánh thành công trình mới hoàn thành trùng tu này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ví việc trung tu như chữa lành “vết thương quốc gia”.
“Thật vinh dự khi được thông báo rằng tôi sẽ đến Paris, Pháp, vào ngày 7/12 để tham dự lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà tráng lệ và lịch sử, nơi đã được trùng tu hoàn toàn sau trận hỏa hoạn tàn khốc cách đây 5 năm. Tổng thống Emmanuel Macron đã làm một công việc tuyệt vời để đảm bảo Nhà thờ Đức Bà được trùng tu trọn vẹn, thậm chí còn hơn thế nữa. Đây sẽ là một ngày rất đặc biệt đối với tất cả mọi người!”, ông Trump cho biết trong bài đăng trên nền tảng Truth Social.
Vụ cháy xảy ra khi ông Trump vẫn còn tại nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông cũng là một trong nhiều nhà lãnh đạo thế giới “hiến kế” để dập tắt ngọn lửa, cho rằng nên dùng “xe chở nước có thể bay” để kiểm soát đám cháy. Chính quyền Pháp đã bác bỏ đề xuất này, nói rằng việc sử dụng máy bay ném bom nước có thể khiến toàn bộ cấu trúc của nhà thờ sụp đổ.
Ông Macron là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng ông Trump tái đắc cử và là khách danh dự tại bữa tối cấp nhà nước đầu tiên của cựu Tổng thống.
Tuy vậy, hai nhà lãnh đạo cũng có những xung đột liên quan đến sự hoài nghi của ông Trump đối với NATO và động thái tăng thuế đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ của Pháp.
Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà đã được thực hiện sau khi quyên góp được 846 triệu euro (887,4 triệu USD) từ khoảng 340.000 nhà tài trợ từ 150 quốc gia.
Nỗ lực kéo dài 5 năm, với sự tham gia của khoảng 250 công ty và hàng trăm chuyên gia, ước tính chi phí gần 700 triệu euro (734,3 triệu USD).
Tháng trước, giám đốc phục hồi Philippe Jost đã phát biểu tại một cuộc họp báo rằng số tiền quyên góp còn lại khoảng 140 triệu euro (147 triệu USD) sẽ được sử dụng cho các nỗ lực bảo tồn trong tương lai.