Nền công nghiệp giải trí Hàn 'lao đao' sau ban bố thiết quân luật của tổng thống và hướng dự phòng cho tương lai
Mặc dù ban bố thiết quân luật khẩn cấp trong 6 giờ của tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị bãi bỏ nhưng nền công nghiệp giải trí Hàn cần có sự chuẩn bị gì cho những hoàn cảnh tương tự có thể xảy ra trong tương lai?
Vào khoảng 10h25 tối ngày 3/12 (theo giờ Hàn Quốc), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia và tuyên bố "thiết quân luật" lần đầu tiên kể từ năm 1979. Trong 6 giờ tiếp theo, người dân Hàn Quốc cần thức và cảnh giác suốt đêm, theo dõi diễn biến hỗn loạn và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Ngay lập tức, các công ty được cho là đã yêu cầu nghệ sĩ không tham dự các sự kiện theo lịch trình sau khi ban bố thiết quân luật. Thậm chí, các sự kiện trong ngành giải trí dự kiến sẽ bị hủy trong những ngày tới. Ngành công nghiệp giải trí cũng được đặt trong tình trạng 'báo động'.
Những lo ngại này mở rộng đến các sự kiện riêng tư như hòa nhạc, họp mặt người hâm mộ và các sự kiện do công ty tổ chức... vì chưa có tiền lệ trước đó để các công ty ứng phó như thế nào trong các hoàn cảnh tương tự. Theo báo cáo, CEO của một công ty giải trí đã chia sẻ: "Chúng tôi theo dõi tình hình từng phút từng giây và luôn đặt trong tình huống khẩn cấp".
Tuy nhiên, vào lúc 4h30 sáng ngày 4/12 (theo giờ Hàn Quốc), ngay sau khi 190 trong số 190 đại biểu Quốc hội tham dự bỏ phiếu bác bỏ thiết quân luật, thì tổng thống Yoon Suk Yeol đã chấp nhận quyết định của Quốc hội, rút quân đội và chủ trì cuộc họp nội các để thông qua nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật.
Mặc dù thiết quân luật đã bị bãi bỏ nhưng sau sự việc này nền công nghiệp giải trí cần có cho mình những phương án dự phòng bao gồm chế độ làm việc khẩn cấp, hoặc soạn thảo các dự án dự phòng song song (đính kèm) cho các hoạt động, tổ chức sự kiện, fan meeting, sản xuất các sản phẩm... trong tương lai để đối phó với các tình huống tương tự có thể xảy ra bất ngờ.