Ông Trump gia tăng sức ép, xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc như thế nào?
Giới quan sát cho rằng có 4 kịch bản khả thi nhất cho màn kế của cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong bối cảnh Mỹ đang thúc giục hai bên tham chiến nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Tổng thống Donald Trump ngày 23/4 tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận tiềm năng với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng triển vọng này vẫn còn mong manh và Mỹ có thể sẽ rút khỏi tiến trình đàm phán nếu không có bước tiến rõ ràng trong thời gian tới.
“Tôi nghĩ Nga đã sẵn sàng", ông Trump nói với các phóng viên trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục. “Nhiều người cho rằng Moscow thực sự muốn đạt được một thỏa thuận toàn diện. Tôi tin rằng chúng ta đã có một nền tảng với Nga. Vấn đề còn lại là đạt được sự đồng thuận từ ông Zelensky".
“Tôi cho rằng đàm phán với Zelensky có thể dễ hơn, nhưng cho đến giờ thì mọi thứ vẫn rất khó khăn. Dẫu vậy, tôi tin rằng chúng ta đang đến gần một thỏa thuận với cả hai phía. Tôi hy vọng họ sẽ nắm lấy cơ hội này, bởi tôi đang tìm kiếm một giải pháp tiết kiệm, bởi chúng ta đều biết Mỹ đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho cuộc chiến này. Nhưng trên hết, đây là một vấn đề nhân đạo", ông Trump nói thêm.

Ông Trump. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, sự lạc quan của ông Trump không thể xóa nhòa thực tế rằng, vấn đề lớn nhất cản trở các nỗ lực hòa bình vẫn là lãnh thổ. Nga hiện vẫn kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ phía Đông và Nam Ukraine và tới nay vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẵn sàng hoàn trả những vùng đất này cho Kiev. Câu hỏi mấu chốt được đặt là: liệu Moscow có sẵn sàng nhượng bộ bất kỳ phần nào trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và nếu có, điều kiện đánh đổi sẽ là gì?
Hiện chưa rõ lập trường cụ thể của Điện Kremlin là gì, khi các nguồn tin trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục đưa ra những đánh giá trái chiều về những gì Tổng thống Putin có thể chấp nhận để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình. Trong bối cảnh đó, giới quan sát đang tranh cãi sôi nổi về những kịch bản có thể xảy đến với màn kết của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Kịch bản thứ nhất: Nga trao lại hoàn toàn lãnh thổ cho Ukraine
Theo Tiến sĩ Marnie Howlett, giảng viên ngành Chính trị Nga và Đông Âu tại Đại học Oxford, trong kịch bản, Nga sẽ trao trả toàn bộ các vùng lãnh thổ mà hai bên đang tranh chấp chủ quyền, bao gồm bán đảo Crimea và các khu vực chiến sự Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia đã sáp nhập vào Nga thông qua các cuộc trưng cầu dân ý riêng lẻ ở mỗi vùng.
Tuy nhiên, bà Howlett nhấn mạnh rằng viễn cảnh này khó có thể thành hiện thực, ngay cả khi hai bên đồng ý tiến tới một thỏa thuận hòa bình.
“Cho đến nay, ông Putin chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Nga sẵn sàng chấm dứt chiến xung đột hoặc từ bỏ những vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng", bà Howlett nói.
Cùng chung quan điểm hoài nghi, ông Neil Melvin, Giám đốc về an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Royal United Services Institute (RUSI) nhận định rằng khả năng Nga đồng ý trả lại đất trong bối cảnh hiện tại là “gần như bằng không”.
“Điện Kremlin tin rằng họ đang nắm thế chủ động. Sau gần một năm liên tục tấn công trong khi Ukraine buộc phải phòng thủ, tôi không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Moscow đang chịu sức ép để rút lui khỏi các khu vực mà họ đang kiểm soát", ông Melvin cho hay.
Kịch bản thứ hai: Nga chỉ giữ Crimea
Dù nhiều chuyên gia nhận định rằng kịch bản này khó thành hiện thực, một số nguồn tin cho thấy Tổng thống Vladimir Putin có thể sẵn sàng từ bỏ phần lãnh thổ hiện đang chiếm đóng – bao gồm các khu vực ở Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, để đổi lấy việc quốc tế công nhận Crimea là một phần của Nga.
Theo tờ Financial Times, phía Nga đã truyền đạt với Washington rằng họ có thể từ bỏ các yêu sách đối với những khu vực của bốn tỉnh sáp nhập nhưng vẫn còn nằm trong quyền kiểm soát của Ukraine. Trong kịch bản này, Moscow sẽ giữ lại phần lớn diện tích của bốn khu vực chiến lược mà họ đang nắm giữ, song không đòi toàn bộ các vùng này. Crimea – phần lãnh thổ mà Nga sáp nhập từ năm 2014, sẽ được công nhận chính thức như một phần thuộc Nga.
Đây được xem là một “hy vọng ban đầu” từng được các đồng minh phương Tây của Ukraine đề cập tới, nhưng theo Tiến sĩ Neil Melvin, viễn cảnh này cũng đang ngày càng trở nên phi thực tế.
“Sau cuộc phản công không thành công của Ukraine vào năm 2023, thật khó để hình dung vì sao Nga lại sẵn sàng từ bỏ những vùng đất mà họ đang nắm giữ, đặc biệt là trong khi chưa có sức ép quân sự đáng kể nào buộc họ phải làm như vậy,” ông Melvin nói.
Cùng quan điểm, ông Alex Petric – nhà phân tích cấp cao của nhóm Âu Á tại công ty tình báo quốc phòng Janes cho rằng Nga khó có khả năng từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ bốn tỉnh đang bị chiếm đóng một phần.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
“Điều đáng chú ý là vào ngày 23/4, ông Putin đã chủ trì một phiên họp chính thức của Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng. Trong bảy phút phát biểu, ông dành phần lớn thời gian nói về những loại vũ khí mới đang được chuyển ra tiền tuyến, khẳng định quy mô sản xuất đang được mở rộng và các hệ thống vũ khí thì không ngừng hiện đại hóa", ông Petric nói, đồng thời nhận định rằng không hề có dấu hiệu cho thấy Moscow sẽ sớm dừng lại ở những ranh giới chiến đấu hiện tại.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, bất kỳ sự từ bỏ nào đối với bốn khu vực này cũng đi ngược lại với Hiến pháp đã được sửa đổi của Nga và một bước lùi như vậy có thể “làm xói mòn nghiêm trọng uy tín của ông Putin trong mắt công chúng Nga".
“Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bất kỳ tín hiệu nào từ truyền thông nhà nước Nga hay các tuyên bố chính trị cho thấy một sự thay đổi lập trường đột ngột như thế có thể xảy ra”, ông Petric kết luận.
Kịch bản thứ 3: Đóng băng xung đột
Một số báo cáo khác nhận định rằng cuộc chiến có thể kết thúc bằng việc duy trì nguyên trạng tại các tuyến chiến đấu hiện nay. Trong kịch bản này, Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát một số khu vực nhỏ, trong khi các bên chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn dựa trên thực trạng hiện trường.
Tiến sĩ Neil Melvin nhận định: “Nếu đạt được một lệnh ngừng bắn, thì rất có thể nó sẽ khởi đầu từ hiện trạng các tuyến liên lạc như hiện nay. Cuộc xung đột khi đó sẽ bị ‘đóng băng’, với một vài khu vực mà phía Nga có thể để ngỏ khả năng trao trả hoặc điều chỉnh kiểm soát để Ukraine có thể tiếp cận".
Một trong những khu vực đáng chú ý là cửa sông Dnipro – vị trí chiến lược sống còn đối với việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Ông Melvin cho biết đây có thể là "một nhượng bộ có giá trị thực tiễn", dù nó tương đối nhỏ lẻ.
Ngoài ra, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng là một điểm nóng chiến lược. Một số đề xuất đang được đưa ra, trong đó có khả năng đưa nhà máy này dưới sự giám sát hoặc quản lý quốc tế, thậm chí do Mỹ kiểm soát như một phần của thỏa hiệp.
Kịch bản thứ tư: Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ
Trong kịch bản tồi tệ nhất đối với Kyiv, Ukraine sẽ mất toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Nga đang tìm cách tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả những khu vực mà hiện tại quân đội Ukraine vẫn đang kiểm soát trong bốn tỉnh trọng yếu. Đây là viễn cảnh bị chính phủ Ukraine xem là hoàn toàn không thể chấp nhận và không hề đơn giản như Tổng thống Trump từng gợi ý.
“Việc Mỹ công nhận Crimea là một phần của Nga ngay cả khi Ukraine không chấp nhận điều đó – đã là một nhượng bộ cay đắng. Nhưng nếu tiến thêm một bước nữa, buộc Kiev phải từ bỏ những phần lãnh thổ mà họ hiện đang kiểm soát, thì hậu quả chính trị sẽ là vô cùng nghiêm trọng", Tiến sĩ Neil Melvin nhận định.
“Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, cả Chính phủ lẫn Quốc hội đều không có thẩm quyền tự ý từ bỏ lãnh thổ. Việc này sẽ cần một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi đất nước vẫn đang dưới tình trạng thiết quân luật, trưng cầu dân ý là điều bất khả thi".
Ông Melvin nói thêm: “Nếu muốn thực hiện điều đó, Ukraine sẽ phải chấm dứt thiết quân luật. Đây một bước đi đầy rủi ro chính trị vì nó kéo theo yêu cầu tổ chức bầu cử và sau đó là trưng cầu dân ý. Sau những đau thương và tổn thất quá lớn trong suốt cuộc chiến, không ai chắc rằng người dân Ukraine sẽ sẵn lòng chấp nhận từ bỏ thêm lãnh thổ một cách lặng lẽ".
Tiến sĩ Marnie Howlett gọi viễn cảnh này là “bất hợp pháp và không thực tế”. Theo bà, Ukraine sẽ không buông súng dễ dàng, ngay cả khi có một thỏa thuận quốc tế nào đó được ký kết.
Tuy nhiên, nhà phân tích Alex Petric cho rằng đây lại là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất trong số bốn viễn cảnh hiện tại: “Rất có khả năng Nga sẽ tìm cách kiểm soát toàn bộ lãnh thổ thuộc bốn khu vực mà họ tuyên bố sáp nhập, bao gồm cả những vùng đất chưa được kiểm soát hoàn toàn, thông qua một trong ba con đường: tiếp tục sử dụng vũ lực; hoặc tìm kiếm một thỏa thuận ngoại giao nếu chính quyền của ông Volodymyr Zelensky đồng ý nhượng bộ; hoặc khai thác thời điểm mất ổn định trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Ukraine nếu có một nhà lãnh đạo mới kế nhiệm".