Ông Trump đẩy ông Zelensky vào thế khó
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến nội bộ Ukraine xôn xao khi nói Tổng thống Volodymyr Zelensky sẵn sàng từ bỏ Crimea để đổi lấy hòa bình với Nga.

Ông Zelensky cho đến ngày 28/4 chưa đưa ra tuyên bố phản bác lời nói của ông Trump về bán đảo Crimea. Ảnh: Kyiv Independent.
Thông điệp gây xôn xao của ông Trump
Theo tờ Kyiv Independent, ông Trump một lần nữa làm dấy lên lo ngại tại Ukraine khi cho rằng ông “nghĩ” Tổng thống Volodymyr Zelensky đã sẵn sàng từ bỏ Crimea như một phần của thỏa thuận hòa bình nhằm kết thúc xung đột với Nga.
Nếu hiểu theo mặt chữ, phát biểu này ám chỉ ông Zelensky đang đứng về phía Mỹ trong việc cân nhắc công nhận hợp pháp việc bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga, đồng thời công nhận trên thực tế việc Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ khác.
Đây sẽ là một sự nhượng bộ lớn, đi ngược lại với toàn bộ các tuyên bố trước đây của Ukraine, khi Kiev liên tục khẳng định không bao giờ từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào để đổi lấy hòa bình.
Hiện tại, Kiev vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức bác bỏ phát ngôn của ông Trump. Khi được Kyiv Independent yêu cầu bình luận, Văn phòng Tổng thống Ukraine trả lời: “Chúng tôi không bình luận về các ý kiến cá nhân”.
Thế khó của ông Zelensky
Theo tờ Kyiv Independent, ông Zelensky đang đứng trước một bài toán cân não: Cuộc gặp với ông Trump tại Vatican ngày 26/4 dường như đã giúp hàn gắn mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Nhưng nếu ông Zelenky lại bác bỏ tuyên bố của ông Trump, rạn nứt có thể lại xuất hiện.
Tại Ukraine, trong bối cảnh chưa có phản ứng chính thức, nhiều người hi vọng rằng phát ngôn của ông Trump không phản ánh chính xác bất cứ điều gì mà ông Zelensky đã nói. Các nhà phân tích chính trị Ukraine được Kyiv Independent phỏng vấn cũng kêu gọi thận trọng trong cách diễn giải lời của ông Trump.
“Đây không phải là tuyên bố chính thức. Đây chỉ là cảm nhận, cách ông Trump nói về cuộc trò chuyện với ông Zelensky", nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko nhận định. “Tôi không biết chính xác ông Zelensky đã nói gì trong cuộc gặp tại Vatican, nhưng tôi tin rằng lập trường chính thức của Ukraine được ông Zelensky trực tiếp thể hiện chứ không phải thông qua ông Trump”.
“Tôi không nghĩ ông Zelensky sẽ đồng ý từ bỏ Crimea về mặt lập pháp, vì điều đó trái với Hiến pháp Ukraine. Tổng thống không thể đưa ra tuyên bố như vậy, ngay cả khi ông ấy muốn", nghị sĩ đối lập Mykola Kniazhytsky thuộc đảng Đoàn kết Châu Âu nhận định với Kyiv Independent.

Đại đa số người dân Ukraine được cho là phản đối khả năng quốc gia phải từ bỏ lãnh thổ. Ảnh: AFP.
“Vị thế của Ukraine nhìn chung đã rất khó khăn. Riêng ông Zelensky lại càng khó vì ông muốn duy trì quyền lực bằng mọi giá và, có thể, thắng cử nếu cuộc bầu cử được tổ chức”, ông Kniazhytsky nói.
Người dân Ukraine có quan điểm ra sao?
Kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, các cuộc thăm dò đều cho thấy phần lớn người Ukraine phản đối việc từ bỏ Crimea.
Vào tháng 3/2022, 80% số người được hỏi trong một khảo sát của nhóm xã hội học độc lập Rating khẳng định Ukraine phải làm mọi cách để giành lại quyền kiểm soát Crimea và vùng Donbas do Nga kiểm soát
Mặc dù các khảo sát gần đây cho thấy số người Ukraine sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ lãnh thổ để kết thúc xung đột có tăng lên, nhưng đa số – khoảng 51% – vẫn phản đối việc từ bỏ lãnh thổ trong mọi trường hợp.
Đáng lưu ý, các cuộc khảo sát chưa phân biệt rõ giữa việc công nhận trên thực tế (de facto) và công nhận hợp pháp (de jure), và việc công nhận hợp pháp chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn.
Nếu Ukraine buộc phải công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga như một phần của thỏa thuận hòa bình, cách duy nhất để hợp thức hóa điều đó là tổ chức trưng cầu dân ý.
“Đây là lằn ranh đỏ của chúng tôi”, ông Fesenko khẳng định. “Sẽ không có chuyện Ukraine công nhận việc sáp nhập Crimea về mặt pháp lý. Điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra”.