100 ngày đầu nắm quyền đầy 'bão táp' của Tổng thống Mỹ Trump

Trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2, ông Trump đã đưa ra một loạt quyết sách khó đoán trước và làm đảo lộn một số phần của trật tự thế giới.

Ngày 29/4 đánh dấu thời điểm tròn 100 ngày đầu tiên ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nikkei Asia

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Nikkei Asia

Theo Japan Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động một cuộc chiến thuế quan toàn cầu chưa từng có, cắt giảm viện trợ nước ngoài, coi nhẹ các đồng minh thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nghiêng về Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, ông Trump còn đề cập tới việc sáp nhập đảo Greenland của Đan Mạch, giành lại kênh đào Panama và biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.

Chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ 2 đã làm dấy lên câu hỏi liệu ông sẵn sàng tiến xa tới đâu. Những hành động của người đứng đầu Nhà Trắng cùng với sự không chắc chắn đó đã khiến một số chính phủ lo lắng tới mức họ phản ứng theo cách khó có thể đảo ngược, ngay cả khi nước Mỹ sẽ bầu chọn một tổng thống truyền thống hơn vào năm 2028.

Tất cả diễn ra trong bối cảnh những người chỉ trích Tổng thống Trump coi đó là dấu hiệu của sự thoái trào dân chủ trong nước, dẫn đến sự lo ngại ở nước ngoài. Trong 100 ngày đầu nắm quyền nhiệm kỳ 2, ông Trump đã công kích các thẩm phán, cắt giảm và đóng cửa hàng chục cơ quan liên bang, gây sức ép với các trường đại học, chuyển người di cư tới một nhà tù khét tiếng ở El Salvador như một phần của chiến dịch trục xuất lớn hơn.

Cựu chuyên gia đàm phán Dennis Ross, người từng làm việc cho các chính quyền Mỹ trước đây, nhận xét: "Chúng ta đã chứng kiến sự gián đoạn lớn trong các vấn đề thế giới. Tại thời điểm này, không ai chắc chắn về những gì đang xảy ra và sẽ xảy ra tiếp theo". Hơn một chục quan chức Chính phủ Mỹ đương nhiệm và trước đây cũng như nhiều nhà ngoại giao nước ngoài, các nhà phân tích độc lập trên khắp thế giới cũng có cùng quan điểm như trên.

Nhiều chuyên gia nhận định, những thiệt hại do các quyết sách của ông Trump gây ra có thể kéo dài, nhưng có thể sửa chữa được nếu người đứng đầu Mỹ có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Thực tế, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi quyết định về một số vấn đề gồm thời điểm và mức thuế quan áp dụng với các quốc gia trên toàn cầu.

Tuy nhiên, giới phân tích tin ít có khả năng ông Trump sẽ thay đổi, thay vào đó, các quốc gia khác sẽ phải thực hiện những thay đổi lâu dài trong mối quan hệ với Mỹ để bảo vệ mình trước chính sách thất thường của ông.

Hậu quả đã bắt đầu bộc lộ. Ví dụ, một số đồng minh châu Âu của Mỹ đang tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của họ để giảm sự phụ thuộc vào vũ khí Mỹ. Các cuộc tranh luận ở Hàn Quốc về phát triển kho vũ khí hạt nhân đã trở nên gay gắt. Ngoài ra, có những suy đoán ngày càng tăng rằng mối quan hệ với Mỹ xấu đi nên một số đối tác của Washington đã xích lại gần Trung Quốc hơn về mặt kinh tế.

Nhà Trắng đã bác bỏ quan điểm rằng Tổng thống Donald Trump đã làm tổn hại đến uy tín của Mỹ, thay vào đó viện dẫn nhu cầu dọn dẹp những gì họ gọi là "sự lãnh đạo vô trách nhiệm" của cựu Tổng thống Joe Biden để lại trên trường thế giới.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Brian Hughes tuyên bố: "Tổng thống Trump đang hành động nhanh chóng để giải quyết những thách thức thông qua việc đưa cả Ukraine và Nga tới bàn đàm phán để chấm dứt xung đột, ngăn chặn dòng chảy chất gây nghiện fentanyl và bảo vệ người lao động Mỹ bằng cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, khiến Iran phải ngồi xuống bàn đàm phán bằng cách tái áp đặt áp lực tối đa". Quan chức này nói thêm, ông Trump cũng đang bắt nhóm vũ trang Houthi ở Yemen phải trả giá cho những hành động khủng bố, bảo vệ biên giới phía nam của nước Mỹ, nơi đã mở cửa cho sự xâm chiếm suốt 4 năm qua.

Tuy nhiên, theo BBC, 100 ngày nắm quyền đầu tiên của ông Trump là màn phô diễn quyền lực đơn phương chưa từng có của một tổng thống Mỹ hiện đại. Những nỗ lực của ông nhằm phá bỏ một phần đáng kể của chính quyền liên bang sẽ làm các tổng thống kế nhiệm mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập niên để khôi phục lại nếu họ muốn.

Dù vậy, theo những cách khác, các nỗ lực của ông Trump cho tới nay có thể không còn mang tính lâu dài. Nếu không có sự hỗ trợ của các luật mới cần được Quốc hội Mỹ thông qua, nhiều cải cách toàn diện của ông có thể bị một tổng thống tương lai xóa bỏ. Do đó, mức độ khởi đầu chóng vánh này có dẫn tới một sự thay đổi lâu dài hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Cuối năm nay, đảng Cộng hòa sẽ cố gắng ủng hộ chương trình nghị sự của Tổng thống Trump về mặt lập pháp. Song, liệu nỗ lực này có thành công không vẫn là điều chưa được đảm bảo.

100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Trump là một màn trình diễn ấn tượng về sức mạnh chính trị, nhưng 1.361 ngày tiếp theo sẽ là phép thử thực sự về việc liệu ông có thể tạo ra một di sản lâu dài hay không.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/100-ngay-dau-nam-quyen-day-bao-tap-cua-tong-thong-my-trump-2396367.html
Zalo