Ông Trump biến Phòng Bầu dục thành nơi nhiều lãnh đạo e dè

Thay vì tuân theo những phép tắc ngoại giao truyền thống, Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ 2 không ngần ngại công kích các lãnh đạo thế giới thăm Mỹ tại Phòng Bầu dục.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chất vấn Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa về chủ đề diệt chủng nông dân da trắng tại Phòng Bầu dục hôm 21/5. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chất vấn Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa về chủ đề diệt chủng nông dân da trắng tại Phòng Bầu dục hôm 21/5. Ảnh: Reuters.

CNN ví von việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chất vấn trực tiếp các lãnh đạo thế giới trên truyền hình trực tiếp tại Phòng Bầu dục là “Trò chơi sinh tử” phiên bản chính trị.

Ngày 21/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa là nhà lãnh đạo mới nhất trở thành nhân vật chính trong “bộ phim” này, khi ông Trump nhắc tới những tuyên bố sai sự thật về việc nông dân Nam Phi da trắng là nạn nhân diệt chủng.

CNN nhận định những lời chỉ trích của ông Trump là ẩn dụ cho chính sách đối ngoại thất thường và tràn ngập thuyết âm mưu của Mỹ. Trước những rủi ro chính trị, sẽ không có gì ngạc nhiên khi một số lãnh đạo sẽ xem xét lại lời mời thăm Mỹ. Và điều này có thể để lại hậu quả ngoại giao cho Washington, khi các quốc gia ở Nam bán cầu như Nam Phi hiện hướng tới Trung Quốc nhiều hơn Mỹ.

Những cuộc "phục kích" tại Phòng Bầu dục

Hồi tháng 2 vừa qua, thế giới chấn động bởi màn cự cãi giữa ông Trump cùng cấp phó JD Vance với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục.

Ông Ramaphosa dường như biết điều gì sắp xảy ra, và đã học được kinh nghiệm từ những gì từng xảy ra với tổng thống Ukraine. Mặc dù bối rối, ông phản ứng với thái độ ngạc nhiên thay vì tức giận bởi “cuộc phục kích” của người đồng cấp Mỹ. Ông kiên nhẫn giải thích sự thật với ông Trump, nhưng không có kết quả.

“Họ đang bị hành quyết, họ tình cờ là người da trắng, và hầu hết tình cờ là nông dân. Tôi không biết ông giải thích chuyện này như thế nào đây”, ông Trump nói.

Với hầu hết tổng thống, các buổi chụp ảnh tại Phòng Bầu dục là sự kiện nhàm chán. Các phóng viên bước vào phòng nghe từng người nói những lời hoa mỹ về mối quan hệ giữa hai nước. Đôi khi, họ được phép đặt vài câu hỏi trước khi bị yêu cầu ra ngoài và chờ họp báo chính thức sau đó.

 Cả thế giới ngạc nhiên trước màn cự cãi giữa ông Trump cùng cấp phó JD Vance với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2 vừa qua. Ảnh: Reuters.

Cả thế giới ngạc nhiên trước màn cự cãi giữa ông Trump cùng cấp phó JD Vance với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2 vừa qua. Ảnh: Reuters.

Những điều này đã thay đổi trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump, khi vị tổng thống phá vỡ những phép lịch sự xã giao trong nhiệm kỳ đầu tiên. Phòng Bầu dục hiện trở nên đông đúc và ồn ào.

Ông Vance thường ngồi trên ghế sofa cùng các thành viên nội các, chờ đợi kẽ hở để hỏi xoáy. Phó tổng thống thường không có vai trò như vậy. Trong chính quyền Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden thường tránh xa ống kính.

Trong khi đó, những vị khách của ông Trump cũng nhiệt tình không kém. Một phóng viên đã hỏi ông Zelensky, người mặc trang phục dã chiến kiểu quân đội, tại sao không mặc vest để thể hiện sự tôn trọng.

Nam Phi vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề sâu sắc, nhưng rõ ràng phương án giải quyết không nằm ở việc ông Trump chất vấn hay soi xét. Tuy nhiên, dường như vị tổng thống có mục tiêu khác, bởi các sự kiện tại Phòng Bầu dục là cơ hội để ông thể hiện với nhóm cử tri trung thành MAGA - và trong trường hợp này là nhóm theo chủ nghĩa dân tộc da trắng.

Còn cách nào hiệu quả hơn để chứng minh uy tín của người đàn ông đặt "Nước Mỹ trên hết" bằng cách chỉ trích người nước ngoài trên TV?

Nhún nhường hay đáp trả mạnh mẽ?

Với xu hướng thúc ép khách tới chơi nhà của ông Trump, nhiều nhà lãnh đạo thế giới có khả năng sẽ suy tính kỹ lưỡng về chuyến công du nước ngoài. Họ phải cân nhắc cách phản ứng trước cử tri tại quê nhà. Nếu không “bật” lại ông Trump, họ sẽ trông yếu đuối và nhún nhường. Còn nếu cự cãi mạnh mẽ, họ có thể được các cử tri ủng hộ nhưng lại tổn hại tới lợi ích quốc gia nếu ông Trump “ghim”.

Đồng thời, họ cũng cần tìm cách thể hiện cảm xúc hợp lý trước ống kính khi ông Trump nói hoặc hành động nhấn mạnh điểm yếu của họ. Ví dụ, hồi tháng 2, Vua Jordan Abdullah tỏ ra khó chịu khi ông Trump thúc ép Jordan chấp nhận người tị nạn từ Gaza.

Ông Abdullah hiểu Jordan phụ thuộc vào dòng viện trợ của Mỹ để đảm bảo an ninh, nên không phản bác quá mạnh. Còn với ông Zelensky, dù tranh cãi gay gắt và tức giận, nhà lãnh đạo Ukraine nhiều tuần sau đó đã phải hạ giọng.

Những vị khách đến Phòng Bầu dục thành công nhất là người biết khen ngợi ông Trump song không hạ thấp bản thân.

Ví dụ, Thủ tướng Anh Keir Starmer trịnh trọng đưa bức thư từ Vua Charles III mời ông Trump thăm cấp nhà nước, rồi nói đây là niềm vinh dự lớn lao, bởi ông Trump từng nhận lời mời tương tự từ Nữ hoàng Elizabeth II quá cố.

 Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục. Ảnh: Reuters.

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉnh sửa những tuyên bố sai lệch của ông Trump. Ông Macron nhẹ nhàng đặt tay lên cổ tay tổng thống Mỹ khi ông Trump khẳng định châu Âu sẽ nhận lại khoản viện trợ đã đổ vào Ukraine. "Không, nói thật, chúng tôi chi. Chúng tôi đã chi tổng 60%", ông Macron điềm tĩnh nói.

Một nhà lãnh đạo khác tiềm năng trở thành cầu nối giữa châu Âu và ông Trump là Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, bà từng rơi vào tình thế nhạy cảm nhưng khéo léo lèo lái cuộc nói chuyện.

Có lúc, bà Meloni ngắt lời phiên dịch viên và tự mình truyền tải thông điệp nhằm đảm bảo ông Trump hiểu đầy đủ quan điểm về việc Italy tăng chi tiêu quốc phòng. Và bà cũng dùng ngôn ngữ của ông Trump, khi nhấn mạnh họ có thể “làm cho phương Tây vĩ đại trở lại”.

Không nhà lãnh đạo nào đối mặt với nhiều áp lực trong nước tại Phòng Bầu dục như Thủ tướng Canada Mark Carney. Ông vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử có tâm điểm là sự thù địch xoay quanh mong muốn “sáp nhập” Canada của ông Trump.

“Có những nơi không bao giờ để bán”, ông Carney nói, rồi ông Trump đáp: “Đừng bao giờ nói không bao giờ". Ông Carney quay sang máy quay và mấp máy: "Không bao giờ, không bao giờ."

Tuy nhiên, ông Trump có đặc quyền của chủ nhà: Kết màn cuộc gặp - một rủi ro khác với lãnh đạo thế giới tại Phòng Bầu dục. Ông bắt đầu diễn thuyết về sự bất công khi Mỹ gánh phần lớn chi phí bảo vệ quân sự cho Canada, rồi yêu cầu báo chí rời đi. Ông Carney không thể nói thêm lời nào nữa.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-trump-bien-phong-bau-duc-thanh-noi-nhieu-lanh-dao-e-de-post1554975.html
Zalo